Mưa đầu mùa vài cơn là tiết trời dịu hẳn, bớt cái oi ả, chói chang… nhưng mấy trận mưa đầu lúc nào cũng sấm chớp, gió dông nhiều. Phải mấy trận mưa lớn liên tục, nước ngoài sông mới bớt mặn, đất ruộng được cày xới lên cho tơi xốp thì mới bắt đầu vào vụ gieo trồng được. Chứ nước sông còn mặn, gieo mạ hay sạ lúa, dẫn nước ra vô trong ruộng thì không cây lúa nào sống nổi. Ông bà nói chẳng sai: “Làm rẫy mong mưa xuống…”.
Mưa vài trận lớn dữ dội, nắng lên được mấy bữa rồi lại mưa lâm thâm kéo dài, lo đem lúa giống ra ngâm cho nảy mầm rồi đi gieo mạ. Diêm phân đầy đủ, chờ mạ non lớn thì đem đi cấy. Ruộng liền ruộng nên nhà này cấy dần công cho nhà kia. Cấy qua cấy lại, khi nào mạ non xanh mơn mởn phủ khắp cánh đồng quê thì mới nghỉ. Lúc này, tía với mấy bác bên nhà bắt đầu thay phiên canh con nước ra vô trong ruộng, rồi coi chừng con đập. Hễ đêm nào mưa lớn thì trời vừa tờ mờ sáng là tía lật đật ra thăm ruộng. Sợ nước ngập nhiều úng hết đám mạ non. Xong coi con đập còn kiên cố hay không, chứ vỡ đập thì cả xóm khóc ròng, nước ngập đầy đồng coi như mất trắng mùa lúa.
Minh họa: K.Thanh
Mùa mưa bắt đầu, mùa lúa mới cũng bắt đầu và dân đi soi cũng được bữa hơn. Mưa mấy cây đầu, ruộng chỉ mới cày xới, chưa có cấy hái gì, dân đi soi chịu khó thức đêm ra ruộng là thể nào sáng về cũng kiếm được bộn ếch với nhái. Còn ai sát cá, giỏi tay hơn thì có thêm vài con cá tràu, cũng đủ bữa cơm với cá tràu kho khô. Con nào trọng hơn thì đem nấu cháo. Trời mưa rỉ rả kéo dài, ngồi trong nhà húp chén cháo cá nóng hổi, cánh đờn ông thêm vài ly rượu đế, là ấm bụng không gì bằng.
Canh đầu mùa mưa, đi soi ếch, soi nhái là đầy đục, ăn không hết đem bán, nhà nào siêng hơn thì làm khô nhái. Loại khô “chân dài” này ngon có tiếng, nhưng ăn theo mùa mới thấy ngon, chứ giống nhái nuôi rồi đem làm khô, thịt không ngọt và chắc bằng nhái đồng. Ếch cũng vậy, ếch đồng đem ra chợ bán đắt không thua gì tôm tươi, nhỏ con một chút nhưng thịt ngon hơn ếch nuôi nhiều.
Con ếch, con nhái đợi mưa kêu ỏm tỏi ngoài đồng; con ốc, con cua đồng cũng đợi mưa mà bò ra khỏi hang. Đám con nít tắm mưa, rồi í ới nhau ra ruộng, thi nhau bắt ốc đem về, con ốc bươu hại cây lúa bắt về băm cho vịt ăn chứ để cấy lúa xuống, nó bu vào đẻ trứng không lúa nào lớn nổi. Đứa nào giỏi hơn bắt cua đồng, phải đem theo cần móc cua. Không biết bắt là cua kẹp chảy máu tay hoặc chạy mất hút vào trong hang thì đành chịu thua. Bởi vậy, đứa nào rủ nhau đi bắt cua đồng cũng thuộc nằm lòng mấy câu hát nghêu ngao: “Chiều nay em đi câu cá và mang rá theo bắt cua/Làm sao cho được kha khá về cho má nấu canh chua/Ô kìa con cua, ô kìa con cua/Đừng la lớn nó chui xuống hang/Đừng la lớn nó chui xuống hang…”.
Sông quê nước mặn, mùa mưa nước lợ hơn một chút nên mấy cái ao, vũng quanh nhà nước cũng không được ngọt, cây bông súng mới sống nổi chứ sen chỉ ưa nước ngọt. Má kể, hồi tía má thương nhau, tía cũng lấy lòng má với ông bà ngoại bằng mấy cây hoa đồng cỏ nội. Cứ mùa mưa là bữa nay đem biếu mớ bông súng để nấu canh chua, bữa sau lại cho mớ cua đồng, mấy con cá tràu, hay mớ ếch soi đêm qua… Cái tình, cái nghĩa khắng khít với nhau từ những đều dung dị, thân thuộc của quê nhà. Rồi sau này anh chị hai cũng vậy. Hễ mà mùa mưa là anh hai lại hái bông súng đem sang, chị hai nhận rồi đem ra sau hè phụ má nấu canh chua. Má khen bông súng ngon thì hẳn là cũng ưng bụng chàng rể tương lai. Còn bữa nào được mời ở lại ăn cơm, chàng rể tương lai mừng ra mặt, nhưng mà tay chân cứ run lập cập, sợ ăn uống vô ý rồi làm phật lòng người lớn trong nhà. Tía với má cười cười với nhau rồi nói: “Ăn tự nhiên đi con, đừng có mắc cỡ rồi tối về nhà sót ruột lại lục cơm nguội”.
Người lớn tính chuyện cưới, hỏi cho sắp nhỏ cũng đợi qua mùa mưa, trời mưa đường sá trơn trợt, mưa rỉ rả có khi cả ngày thì đám tiệc gì cũng cực. Nhà nào cũng phải lo lúa thóc rồi mùa vụ cấy hái, công chuyện đăng đăng đê đê nên còn thời giờ đâu mà gả cưới. Qua mùa mưa thì cưới, hỏi, đám tiệc muốn linh đình tới đâu cũng được.
Người ta thường nói, nắng mưa là chuyện của trời, hơi đâu mà trông, đến mùa mưa thì trời mưa thôi. Nhưng cái nghề lúa nước, chuyện nắng mưa là quan trọng lắm. Cây mạ non lớn thành cây lúa là bao nhiêu mồ hôi, công cán của nhà nông đổ ra, chăm chút diêm phân từng ngày, canh mưa canh nắng mà dẫn nước ra vô ruộng. Dân quê sống với ruộng đồng, nắng mưa cũng từ đó mà thành những mùa chờ đợi và mưa đầu mùa bao giờ cũng được chào đón, hứa hẹn những vụ mùa bội thu.
Theo KIM NGUYỄN (Sài Gòn Giải Phóng)