Mùa dâu núi Cấm

20/05/2024 - 19:03

 - Mưa đến cũng là lúc chủ vườn trên núi Cấm (xã An Hảo, TX. Tịnh Biên, tỉnh An Giang) tất bật với mùa dâu trĩu quả. Cùng với những cây trồng khác, dâu là đặc sản của Thiên Cấm Sơn, góp phần tạo nên sự phong phú, độc đáo, thu hút du khách đến với nơi này.

Hì hục chăm sóc vườn trong buổi sớm mai, ông Trần Hoàng Anh (ngụ ấp Vồ Đầu) vẫn dành thời gian gặp gỡ khách phương xa. Nói về quá trình bám đất của cây dâu, ông cho biết: “Tôi định cư trên núi Cấm từ năm 1979 tới nay, nhưng cũng không nắm rõ nguồn gốc cây dâu từ đâu. Chỉ nghe người đi trước nói lại, núi Cấm vốn có giống dâu rừng, được dân làm vườn đem về trồng ăn chơi. Dần dần, người ta mang giống dâu ghép từ dưới xuôi lên để tăng phẩm chất, năng suất rồi mở rộng diện tích như hiện nay”.

Ông Trần Hoàng Anh cho hay, núi Cấm hiện tại có các giống dâu, gồm: Dâu da xanh núi Cấm, dâu xanh Gia Bảo, dâu Hạ Châu và dâu bòn bon. Trong đó, dâu xanh Gia Bảo và dâu bòn bon được trồng nhiều hơn cả, bởi phẩm chất ngon và năng suất cao.

Hàng năm, cứ đến mùa dâu thì chủ vườn lại tấp nập kẻ ngược, người xuôi đem những trái dâu mọng nước xuống vựa dưới chân núi để bán. Đó chính là lúc cây dâu đền ơn nhà vườn đã không quản ngại gian lao, giúp chúng “đứng chân” trên ngọn núi Cấm hùng vĩ này.

Cây dâu trên núi Cấm mang đến thu nhập khá cho nhà vườn

“Dâu xanh Gia Bảo, dâu bòn bon với vị chua, ngọt vừa phải được người dùng ưa thích. Trong khi đó, giống dâu Hạ Châu hiện nay còn khá ít, bởi năng suất không như mong đợi. Với người sành ăn, họ muốn tìm dâu da xanh núi Cấm bởi hương vị truyền thống, đã tồn tại cùng đời sống cư dân trên núi nhiều năm nay. Tuy nhiên, do nhu cầu thực khách, diện tích dâu da xanh núi Cấm cũng giảm dần, thay vào đó là những giống dâu có năng suất cao” - ông Hoàng Anh phân tích.

Hiện nay, ấp Vồ Đầu được xem là nơi có số lượng vườn dâu nhiều nhất, bởi sự “tiếp sức” từ nguồn nước của hồ Thủy Liêm ngay cả trong mùa khô. Cây dâu bòn bon chừng 10 năm tuổi, có thể cho 200 - 300kg trái mỗi mùa, mang đến nguồn thu khá cho nhà vườn núi Cấm.

 “Nếu tính diện tích 5 công dâu, với mức giá 6.000 - 7.000 đồng/kg thì có thể mang đến nguồn thu hơn 100 triệu đồng/năm. Năm nay, giá dâu đầu mùa đạt mức 15.000 đồng/kg, sau giảm dần và đang ở mức 8.000 đồng/kg. Có thể khi bước vào mùa rộ, mức giá sẽ giảm hơn. Chưa kể, cây dâu suy giảm sức sống, nên mùa trái năm sau chưa chắc như mong đợi” - ông Hoàng Anh thật tình.

Theo cái chỉ tay của nhà vườn này, chúng tôi thấy những cây dâu “xuống sắc” thấy rõ sau đợt hạn kéo dài. Dù nông dân đã chủ động nguồn nước tưới, cộng với biện pháp tiết kiệm nhưng vẫn không thắng nổi diễn biến bất thường của thời tiết.

Hiện tại, núi Cấm đã có mưa. Với nhà vườn núi Cấm, đây là những cơn mưa “quý như vàng” để nuôi hy vọng cho mùa trái khác. Đến thăm khu vườn của ông Hoàng Anh, dù sản lượng có giảm nhưng những cây dâu vẫn đầy trái, khiến khách phương xa vô cùng thích thú.

Để cây dâu mang đến nguồn thu tốt hơn cho nhà vườn núi Cấm, ngành chuyên môn, đơn vị quản lý đang có hướng đưa mùa dâu trở thành sản phẩm du lịch. Bởi lẽ, vườn dâu trên núi Cấm vào mùa trái rộ sẽ mang vẻ đẹp riêng, khiến du khách thích thú và muốn lưu lại khoảnh khắc ấn tượng.

Giám đốc Ban Quản lý Khu du lịch Núi Cấm Đinh Văn Chắc thông tin: “Núi Cấm là “thủ phủ” của dâu da, với sản phẩm chất lượng cùng quá trình sản xuất an toàn cho thực khách. Đây cũng là nơi du khách có cơ hội gặp gỡ cư dân núi Cấm hiền hòa, tìm hiểu những nét riêng về cuộc sống của họ. Do đó, chúng tôi định hướng đưa vườn dâu vào danh sách sản phẩm du lịch sinh thái tại núi Cấm. Tuy nhiên, cần có quá trình chuẩn bị về nguồn nhân lực, hạ tầng cần thiết nhằm đảm bảo nhu cầu của du khách”.

Ông Đinh Văn Chắc cũng cho hay, bên cạnh vườn dâu còn có nhiều loại cây khác trên núi Cấm sẽ cho trái vào mùa mưa, kết hợp chúng vào một chuỗi, để tăng tính trải nghiệm, tạo cảm giác thích thú cho du khách khi đến với “nóc nhà miền Tây”.

“Chúng tôi muốn kết hợp việc tham quan vườn trái cây với các dịch vụ lưu trú, ẩm thực, khám phá điểm đến tâm linh, trải nghiệm “săn mây” núi Cấm… nhằm mang đến trải nghiệm phong phú cho du khách. Qua đó, giúp mọi người có cái nhìn toàn diện hơn, cảm nhận đầy đủ hơn về vẻ đẹp của Thiên Cấm Sơn, bên cạnh những huyền thoại tâm linh đã gắn chặt với tín ngưỡng của người dân từ thời mở đất” - Giám đốc Ban Quản lý Khu du lịch Núi Cấm Đinh Văn Chắc khẳng định.

THANH TIẾN