Mùa măng núi Cấm

15/09/2024 - 13:54

 - Những cơn mưa về tắm mát núi rừng, kéo theo sự thức giấc của đặc sản chốn non cao. Trong nhiều loại đặc sản ấy, mùa măng Mạnh Tông trở thành một phần không thể thiếu của ngọn Thiên Cấm Sơn hùng vĩ, vừa giúp cải thiện đời sống người dân, vừa là món ăn được du khách yêu thích.

Những ngày này, ông Lê Quang Vinh (ấp Thiên Tuế, xã An Hảo. TX. Tịnh Biên) tất bật với công việc thu hoạch măng. Ông Vinh cho biết, đầu tháng 4 (âm lịch), đất trời lất phất cơn mưa đầu mùa cũng là lúc những mụt măng đầu tiên trồi lên mặt đất. “Dường như măng ấp ủ sức sống từ lâu, nghe hơi mưa xuống là chui qua lớp đất núi để góp mặt với đời.

Trên núi Cấm có rất nhiều giống tre, nhưng phổ biến nhất là tre Mạnh Tông bởi sản lượng măng rất cao. Sau khoảng 2 - 3 năm trồng, tre Mạnh Tông bắt đầu cho măng, mỗi bụi tre có thể sản sinh ra hàng trăm ký măng mỗi năm. Người trồng chừng 100 bụi tre Mạnh Tông, có thể kiếm 4 - 5 tấn măng mỗi năm là chuyện thường. Như tôi đang trồng 150 bụi tre Mạnh Tông, mỗi tháng, đem xuống vựa hơn tấn măng. Đến cuối vụ, kiếm được khoảng 20 triệu đồng, tính ra cũng ổn” - ông Vinh thật tình.

Ông Vinh cũng cho hay, sản lượng măng tùy thuộc vào thời tiết mưa nhiều hay ít. Mưa sớm, măng có sớm và vụ thu hoạch kéo dài nên nhà vườn phấn khởi. Năm nay, hạn dài nên mùa măng cũng trễ. Tuy nhiên, sản lượng năm nay vẫn nằm ở mức khá, nên nhà vườn ở các khu vực vồ Thiên Tuế, vồ Bồ Hong, vồ Đầu, vồ Chư Thần vẫn có nguồn thu tương đương mọi năm.

Thu hoạch măng Mạnh Tông

Tờ mờ sáng, nhà vườn đã trở dậy ra vườn xắn măng. Sau đó, măng được cho vào giỏ vận chuyển xuống núi bằng xe. Không chỉ có nhà vườn, những lao động nhàn rỗi tại núi Cấm cũng có nguồn thu khá từ công việc chở thuê, sơ chế măng cho các vựa dưới chân núi. Bình quân, họ kiếm 200.000 - 300.000 đồng/ngày để trang trải cuộc sống. Đây cũng là điều kiện mưu sinh khi núi Cấm bước vào thời điểm hoạt động du lịch “hạ nhiệt” trong lúc mưa già.

Với các vựa thu mua, mùa măng rộ cũng là lúc họ tất bật với những đơn hàng của đối tác ở nhiều nơi. Trước đây, nguồn măng sơ chế chủ yếu tiêu thụ trong tỉnh, ra chợ Châu Đốc, xuống chợ Long Xuyên hoặc bán lên thị trường Campuchia. Hiện nay, măng núi Cấm đã mở rộng phạm vi phân phối ra các tỉnh, thành phố ở miền Đông, chủ yếu là tỉnh Bình Dương.

Chị Trần Thị Mỹ Linh (chủ vựa măng Tư Ân) cho hay, mỗi ngày, cơ sở thu mua khoảng 10 - 15 tấn măng tươi, chủ yếu là măng Mạnh Tông. Măng sau khi sơ chế, gọt bỏ lớp vỏ ngoài, chỉ còn lại lõi trắng, được chở ra bán cho các chợ tại tỉnh Bình Dương, với mức giá khoảng 30.000 đồng/kg. Người dân miền Đông dù tiếp cận với nguồn măng đến từ nhiều nơi, nhưng vẫn thích măng tre Mạnh Tông núi Cấm bởi vị giòn ngọt đặc trưng, được kết tinh từ thổ nhưỡng non cao.

“Bạn hàng ngoài Bình Dương họ thích măng núi Cấm bởi vị đắng vừa, khi chế biến lại cho ra hương vị giòn, ngọt đặc trưng. Vựa măng gia đình đã mở ra mấy chục năm, trải qua nhiều giai đoạn nhưng vẫn gắn bó được với loại đặc sản này của núi Cấm. Tre Mạnh Tông có sản lượng măng cao, nên nhà vườn cũng cung cấp đủ nhu cầu cho các vựa. Cũng nhờ măng mà cuộc sống gia đình tôi khá hơn, lại giúp các chị em tại địa phương có thu nhập trang trải cuộc sống hàng ngày” - chị Mỹ Linh chia sẻ.

Sơ chế măng trước khi bán ra thị trường

Là người đến núi Cấm nhiều lần, chúng tôi cũng được thưởng thức hương vị thơm ngon của măng Mạnh Tông. Người ta có thể sơ chế ra rất nhiều món, từ món xào, món canh, món hầm… Điểm đặc biệt là khi món ăn được bày ra bàn tiệc, đa phần thực khách sẽ tìm măng để thưởng thức, trong khi các loại thịt, tôm chế biến có phần “ế khách”. Cùng với đọt su, trái su hay các loại rau núi, măng Mạnh Tông là món ăn chúng tôi rất thích khi đến thăm ngọn Thiên Cấm Sơn hùng vĩ.

Để nâng tầm giá trị của măng tre Mạnh Tông, Công ty TNHH Thảo dược Từ Tâm Mai Tùng (xã An Hảo, TX. Tịnh Biên) đã tiến hành sản xuất các sản phẩm đóng hộp, như: Măng chua Mạnh Tông, măng Mạnh Tông sấy khô. Với nguồn nguyên liệu hoàn toàn từ núi Cấm, quy trình sản xuất đảm bảo an toàn và chất lượng, những sản phẩm này nhanh chóng chiếm được cảm tình của người tiêu dùng. Công ty cũng mang các sản phẩm măng Mạnh Tông giới thiệu tại nhiều hội chợ, sự kiện ở trong và ngoài tỉnh nhằm đưa loại đặc sản núi Cấm tiếp cận với thực khách trong cả nước.

Cùng với các loại đặc sản mùa mưa, măng Mạnh Tông trên núi Cấm trở thành một phần không thể thiếu của “nóc nhà miền Tây”. Thời gian tới, loại đặc sản này cần được đẩy mạnh quảng bá, nâng tầm trong quá trình chế biến để trở thành sản phẩm chủ lực, góp mặt trong thực đơn phục vụ du khách, giúp nâng cao thu nhập cho nhà vườn trên núi Cấm.

MINH QUÂN - DƯƠNG VIỆT ANH