Mua sắm online ngày càng phát triển

09/05/2024 - 01:26

 - Thương mại điện tử là phương thức kinh doanh mới, dựa trên nền tảng của công nghệ thông tin và mạng Internet, mang lại lợi ích to lớn cho doanh nghiệp, người tiêu dùng và xã hội. Sản phẩm đa dạng, phong phú; giá cả phải chăng, nhiều khuyến mãi… nên việc mua sắm trực tuyến được nhiều người tiêu dùng lựa chọn.

Trở thành thói quen, chị Võ Thị Kim Cương (thị trấn An Châu, huyện Châu Thành, tỉnh An Giang) thường xuyên lướt các trang thương mại điện tử. Trước đây, gia đình chị thường đến chợ, siêu thị, cửa hàng để mua sắm hàng hóa. Từ khi dịch bệnh COVID-19 bùng phát, chị chuyển dần thói quen sang mua sắm online. Chỉ cần có điện thoại hoặc máy tính, vài phút lựa chọn mặt hàng là xong. Nếu sản phẩm bán tại địa phương, khoảng 30 phút sau chị nhận được hàng, còn các tỉnh khác thì đợi vài ngày.

Việc bán hàng online giúp sản phẩm được nhiều người tiếp cận

“Các lợi ích của mua sắm online là tiết kiệm thời gian, nhận hàng tại nơi mình muốn; mạng lưới mua sắm rộng nên dễ dàng so sánh được giá cả; thủ tục đăng ký mua hàng đơn giản; có thể tìm hiểu sản phẩm qua người mua trước trên trang thương mại điện tử; săn được quà khuyến mãi...” - chị Cương chia sẻ.

Tương tự, trước đây, vào mỗi dịp cuối tuần, chị Lê Ngọc Mai (phường Mỹ Long, TP. Long Xuyên, tỉnh An Giang) cùng gia đình đến siêu thị, trung tâm mua sắm để mua thực phẩm, đồ dùng gia dụng cần thiết. Tuy nhiên, từ khi “đi chợ online”, thời gian mỗi ngày của chị thoải mái hơn. “Mua sắm online rất tiện dụng, vì tôi không mất quá nhiều thời gian di chuyển, tìm kiếm đồ đạc tại cửa hàng, trung tâm mua sắm. Tôi có thể mua được hầu hết đồ đạc mình cần tại sàn thương mại điện tử và qua mạng xã hội” - chị Mai cho biết.

Chỉ cần chiếc điện thoại thông minh, tải ứng dụng mua sắm, người tiêu dùng có thể “đi chợ” bất cứ lúc nào, từ các trang thương mại điện tử Tiki, Lazada, Shopee, Sendo… đến ứng dụng của siêu thị, trung tâm mua sắm (Vinmart, Bách Hóa Xanh, Co.opmart, MM Mega Market…). Nhiều siêu thị còn giao hàng miễn phí tận nhà, giúp khách hàng tiết kiệm thời gian đi lại. Đặc biệt, khách hàng vẫn được bảo đảm tất cả quyền lợi, như: Giá cả ổn định, tích điểm thẻ, quà sinh nhật, được tham gia chương trình khuyến mãi hiện có.

Bên cạnh đó, doanh nghiệp, cơ sở sản xuất - kinh doanh trên địa bàn tỉnh chú trọng đến việc xây dựng trang website quảng bá hình ảnh doanh nghiệp, sản phẩm đến thị trường trong và ngoài nước; tích hợp tính năng đặt hàng trực tuyến, tương tác trực tuyến, đa số website đều có phiên bản di động…

Theo đại diện công ty, sản phẩm được Cục Sở hữu trí tuệ cấp bảo hộ thương hiệu độc quyền từ kiểu dáng cho đến mẫu mã, bao bì. Hiện nay, ngoài các đại lý, sản phẩm còn được quảng bá, bán rộng rãi thông qua trang mạng xã hội, website công ty; trang thương mại điện tử. Nhờ vậy, sản phẩm được người tiêu dùng trong và ngoài tỉnh biết đến.

Các trang thương mại điện tử ngày càng trở thành địa chỉ mua sắm cho người tiêu dùng

Thương mại điện tử giúp doanh nghiệp giảm chi phí thuê cửa hàng, thuê kho chứa hàng, thuê  nhân viên; chi phí marketing thấp. Nhờ thương mại điện tử mà người tiêu dùng có thể mua sắm ở khắp mọi nơi trên thế giới, có thể lựa chọn sản phẩm, dịch vụ chất lượng với giá thấp hơn. Qua đó, buộc doanh nghiệp phải đổi mới, có chiến lược kinh doanh riêng, góp phần vào sự phát triển kinh tế đất nước.

Với nhiều lợi ích, việc mua hàng trực tuyến đang được người tiêu dùng ưa chuộng. Tuy nhiên, hoạt động này tồn tại nhiều rủi ro. Người mua có thể “sập bẫy” đối tượng lừa đảo. Đơn cử, người tiêu dùng hay gặp phải trường hợp hàng hóa nhận được không giống với quảng cáo. Lợi dụng việc người mua hàng không thể đánh giá trực tiếp sản phẩm, nên không ít đối tượng tráo đổi sản phẩm khi giao hàng. Do vậy, người tiêu dùng nên lựa chọn mua hàng ở trang bán hàng uy tín; tìm hiểu kỹ thông tin, đánh giá của người mua hàng trước đó...

MINH ĐỨC