Trâm là loại cây thân gỗ, cao, khỏe, nhiều cành lá xum xuê. Cây trâm sinh trưởng và phát triển tự nhiên khoảng 7 năm tuổi bắt đầu cho trái, tuổi thọ kéo dài cả trăm năm. Hàng năm, cây trâm cho ra hoa khoảng giữa tháng 3 và cho thu hoạch trái dài đến tận tháng 6 (âm lịch). Trâm ra hoa rồi kết trái thành từng chùm. Trái trâm lúc còn non có màu xanh, khi già chuyển sang đỏ, lúc chín có màu tím đen, to gần bằng đầu ngón tay. Trâm chín đen bóng, no tròn, mọng nước, ăn có vị chua chua, ngọt ngọt, chát chát rất đặc trưng.
Vào mùa trâm chín, xen kẽ giữa màu xanh của lá là màu đen của trái chín. Theo kinh nghiệm dân gian, trái trâm phụ thuộc nhiều vào thời tiết, nếu như nắng quá thì trái nhỏ, còn mưa nhiều thì trái to. Đặc biệt, lá trâm càng xanh thì trái trâm chín càng dày cơm và ngọt. Đối với loại trái cây đặc trưng này, tùy vào sở thích mà mỗi người sẽ có cách ăn khác nhau.
Có người thì ăn để thưởng thức hương vị chua, chát, ngọt của trái trâm, nhưng có người thích chấm với muối ớt để kích thích vị giác tăng thêm hương vị. Dù là cách ăn như thế nào, hương vị độc đáo của trái trâm cũng hấp dẫn, cuốn hút người ăn một cách lạ kỳ, khiến ai ăn rồi chỉ muốn ăn nữa không thôi. Một điểm đặc biệt khác mà chỉ có ở trái trâm là mỗi khi ăn thì miệng lưỡi của người ăn đều nhuộm một màu tím đặc trưng mà ít loại trái cây nào có được.
Ở Bảy Núi, dọc theo tuyến đường từ xã Núi Tô đến thị trấn Cô Tô (huyện Tri Tôn, tỉnh An Giang) có hàng trăm gốc trâm rừng cổ thụ mọc tự nhiên theo triền núi, bờ ruộng. Ở đây, hầu như nhà nào có đất cũng trồng trâm, có nhà sở hữu cả chục cây. Nhiều bậc cao niên kể rằng, cây trâm không biết có tự bao giờ nhưng từ lúc còn nhỏ mọi người đã biết có cây trâm ở nơi đây. Tuy cây trâm có rất nhiều, nhưng mọc tự nhiên không phải do bàn tay con người trồng.
Nghe ông bà kể rằng, các loài chim ăn trái trâm rồi nhả hạt xuống đất. Cây mọc trên đất nhà ai là mặc định thuộc quyền sở hữu của người ấy, lâu ngày dài tháng cây lớn và cho trái tới nay. Trâm mọc rải rác trên những cánh đồng, tỏa bóng mát làm nơi trú nắng, nghỉ ngơi cho những người nông dân giữa buổi lao động trên đồng. Trâm mọc thành hàng ven đường, bên hè hay trước sân nhà là nơi đám trẻ thường tụ tập vui chơi. Vì là cây mọc dại nên phụ thuộc rất nhiều vào thiên nhiên, người dân không tốn công chăm sóc nhưng cây trâm phát triển xanh tươi và cho trái hàng năm. Trâm được xem là "lộc" của thiên nhiên ban tặng cho người dân nơi đây.
Dù không tốn công chăm sóc nhưng khâu hái trái khá vất vả và lắm công phu. Bà Néang Ry (xã Núi Tô) cho biết, muốn hái trâm phải bắc thang mắc vào cành cây, buộc thêm dây vào cho chắc chắn. Khi trèo lên, người thu hoạch trâm sẽ hái từ nhánh này sang nhánh khác cho đến hết cây, có những trái mọc ở trên cao hái không tới đành phải bỏ. Hái trâm phải lựa từng trái trâm to chín, chừa lại trái còn sống để thu hoạch đợt tiếp theo. Hái trâm đòi hỏi người hái phải tỉ mỉ, cẩn thận và phải lựa ngày có nắng nếu không trái trâm chín mọng nước rất dễ bị dập không còn ngon nữa. Do vậy, người nào hái nhanh lắm thì trong một buổi cũng chỉ được khoảng 30kg trái.
Hiện nay, trâm không chỉ là món ăn chơi dân dã của những đứa trẻ nhỏ mà còn mang lại nguồn thu nhập khá cho bà con đồng bào dân tộc thiểu số Khmer vùng Bảy Núi. “Mùa trâm cho rộ trái kéo dài đến 2 tháng. Mỗi gốc trâm hơn 10 năm tuổi, mỗi ngày cho 5-8kg trái. Với 4 gốc trâm sau vườn nhà, lúc chín rộ, mỗi ngày tôi thu hoạch khoảng 30-40kg trái, bán cho khách qua đường với giá từ 20.000-50.000 đồng/kg tùy loại lớn nhỏ, có thêm thu nhập đáng kể” - chị Néang Bo Tha (nhà ở xã Núi Tô) chia sẻ.
TRỌNG TÍN
“Do năm nay ảnh hưởng dịch bệnh, các bạn của em ở TP. Hồ Chí Minh không về An Giang chơi ngay mùa trâm chín. Vì vậy, em phải mua trâm để gửi lên cho các bạn. Đứa nào cũng hy vọng mau hết dịch bệnh để có thể về An Giang tận tay bẻ trâm”- em Lê Duy Khanh (ngụ huyện Tịnh Biên) vui vẻ chia sẻ. |