Tri ân vùng đất anh hùng
Việc phát động Tết trồng cây là hoạt động thường niên mỗi dịp xuân sang, nhằm thực hiện lời dạy của Bác Hồ: “Vì lợi ích mười năm thì phải trồng cây, vì lợi ích trăm năm thì phải trồng người”. Năm nay, việc phát động Tết trồng cây ở An Giang diễn ra đặc biệt hơn. Ngoài được chọn làm điểm thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Chỉ thị số 45/CT-TTg, ngày 31-12-2020 về trồng 1 tỷ cây xanh cho cả nước giai đoạn 2021-2025, lễ phát động còn vinh dự đón Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình đến dự, đánh trống phát động trồng cây.
Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình (phải) và Bí thư Tỉnh ủy Võ Thị Ánh Xuân (trái) trồng cây xanh tại Ô Tà Sóc
Cùng dự với Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ còn có các Ủy viên Trung ương Đảng, như: Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Huỳnh Thành Đạt; Phó Trưởng ban Nội chính Trung ương Phạm Gia Túc; Phó Trưởng ban Kinh tế Trung ương Nguyễn Hữu Nghĩa; Phó Chủ nhiệm Thường trực Văn phòng Chính phủ Trần Văn Sơn. Ngoài ra, còn có Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Phùng Đức Tiến. Về phía An Giang, có Bí thư Tỉnh ủy Võ Thị Ánh Xuân; các đồng chí nguyên lãnh đạo tỉnh; các đồng chí Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy; lãnh đạo các sở, ngành và địa phương. Đặc biệt, tham dự buổi lễ lần này còn có người đứng đầu của 2 tập đoàn lớn là: bà Thái Hương, Chủ tịch Hội đồng chiến lược Tập đoàn TH và ông Trần Bá Dương, Chủ tịch Hội đồng Quản trị Tập đoàn THACO. Trong đó, Tập đoàn TH tài trợ toàn bộ 1.000 cây dầu rái và kinh phí trồng, chăm sóc cây, kinh phí tổ chức lễ phát động.
Do tính chất đặc biệt của Tết trồng cây nên UBND tỉnh đã chọn khu Di tích lịch sử cách mạng cấp quốc gia Ô Tà Sóc (xã Lương Phi, Tri Tôn) để tổ chức lễ phát động. Chủ tịch UBND tỉnh An Giang Nguyễn Thanh Bình cho biết, đây là căn cứ kháng chiến của Tỉnh ủy An Giang, là quê hương của nhiều anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân, như: Trần Thanh Lạc, Phan Thị Ràng, nơi có 17 mẹ Việt Nam Anh hùng, 143 liệt sĩ, trên 360 gia đình có công với cách mạng cùng hàng ngàn đồng bào, cán bộ, chiến sĩ tham gia chiến đấu, phục vụ chiến đấu. Trong đó, có nhiều người bị địch bắt, tra tấn, tù đày, bị thương tật vì bom đạn của kẻ thù.
“UBND tỉnh cùng Tập đoàn TH tổ chức phát động lễ trồng cây, vừa giúp chúng ta tưởng nhớ công ơn của nhân dân, các anh hùng liệt sĩ đã hy sinh để bảo vệ quê hương, đất nước, vừa hưởng ứng Chỉ thị số 45 của Thủ tướng Chính phủ về việc trồng 1 tỷ cây xanh cho cả nước trong 5 năm tới” - Chủ tịch UBND tỉnh An Giang Nguyễn Thanh Bình khẳng định.
Chú trọng chất lượng
Theo UBND tỉnh, các năm qua, An Giang đã trồng được trên 14.000ha rừng tập trung và trên 100 triệu cây lâm nghiệp phân tán. Riêng năm 2020, toàn tỉnh trồng trên 2 triệu cây lâm nghiệp phân tán. Nhờ đó, đã duy trì tỷ lệ che phủ rừng và cây lâm nghiệp phân tán trên địa bàn toàn tỉnh đạt 22,4%, góp phần phát triển kinh tế - xã hội, bảo vệ môi trường, thúc đẩy phát triển du lịch và bảo đảm an ninh, quốc phòng khu vực biên giới.
Phát huy kết quả này, Chủ tịch UBND tỉnh An Giang Nguyễn Thanh Bình phát động phong trào trồng cây không chỉ trong năm 2021 mà cho những năm tiếp theo trên phạm vi toàn tỉnh. “Tôi nhiệt liệt hoan nghênh và kêu gọi toàn Đảng, toàn quân, toàn dân, các cấp, ngành trong tỉnh hăng hái tham gia trồng cây, trồng rừng và bảo vệ rừng; trồng cây nào sống tốt cây ấy. Qua đó, góp phần phát triển kinh tế - xã hội bền vững, đi đôi với bảo vệ môi trường trong tỉnh, góp phần làm cho tỉnh An Giang mỗi ngày thêm “xanh - sạch - đẹp” và giàu mạnh hơn” - Chủ tịch UBND tỉnh An Giang Nguyễn Thanh Bình nhấn mạnh.
Sau lễ phát động, dự kiến có 2ha cây dầu rái được trồng tại Ô Tà Sóc (ven chân núi Dài) với mật độ 500 cây/ha, tương đương 1.000 cây (hàng cách hàng 4m, cây cách cây 5m, trồng so le theo hình nanh cá sấu). Trong đó có 0,4ha (200 cây) được trồng tại lễ phát động Tết trồng cây (ngày 27-2-2021); 1,6ha còn lại (800 cây) dự kiến sẽ được trồng vào ngày 19-5-2021 (nhân kỷ niệm ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh).
Theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh An Giang Trần Anh Thư, sở dĩ cây dầu rái được chọn trồng tại Ô Tà Sóc do chúng thuộc danh mục các loài cây chủ yếu trồng rừng theo các vùng sinh thái lâm nghiệp, do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn quy định. Cây dầu rái có hình dáng vươn cao, lá thường xanh, tán đẹp; cây có rễ cọc ăn sâu, cành, nhánh ít gãy đổ khi mưa bão. Gỗ của dầu rái thuộc gỗ tốt, được dùng trong xây dựng, đóng đồ gia dụng. Loài cây này phù hợp với đất đai, thổ nhưỡng vùng Bảy Núi, đảm bảo mục đích phòng hộ bảo vệ môi trường, tạo cảnh quan môi trường xanh-sạch-đẹp, tạo bóng mát, góp phần cân bằng sinh thái, giảm thiểu tác động của biến đổi khí hậu…
Ngoài áp dụng các biện pháp kỹ thuật để cây sinh trưởng tốt sau khi trồng, Ban Quản lý rừng phòng hộ và đặc dụng tỉnh An Giang được giao tưới nước cho cây thường xuyên, dọn sạch cỏ dại, dây leo để cây phát triển…
|
Bài, ảnh: NGÔ CHUẨN