Nhiều phụ nữ ở TP.HCM đi chợ mua bánh ú cúng mùng 5 HOA NỮ
Miên man những kỷ niệm tuổi thơ
Hôm qua thấy chị bán quán cơm bày ra một đĩa bánh ú tro, tôi ngớ người hỏi: “ủa, hôm nay là mùng 5 tháng 5 à chị?”, chị chủ quán còn ngạc nhiên hơn vì câu hỏi không biết ngày tháng gì của tôi, chị đáp: “Mai là mùng 5 nè em. Mua bánh ú tro ủng hộ chị đi?”.
Cuộc sống bận rộn với guồng quay cơm áo gạo tiền, khiến cho nhiều người trẻ nhiều khi quên mất đi hết ngày tháng. Và bất chợt khi một vật gì đó hiện hữu và làm chúng ta giật mình nhớ ra những gì đã từng là cả một khoảng trời tuổi thơ đầy ắp những kỷ niệm.
Sáng nay, cô chủ nhà lại mang cho xôi chè ăn kèm với bánh tráng, cô bảo đấy là đồ cô cúng mùng 5. Tự nhiên một đứa “vật lộn” với biết bao sương gió cuộc đời, lại òa khóc nức nở. Chỉ vì nó nhớ, nhớ hương vị mùng 5 quê nhà, nhớ cũng những chén xôi chè này mà một thời nó tranh với tụi nhỏ con cô, con bác để được ăn phần nhiều, rồi bị bà nội quát cho một trận…
Miên man những miền ký ức vừa xa vừa gần, lúc hiện về thì như mới ngày hôm qua, lúc lại xót xa khi nhận ra đã gần 10 năm rồi nó chưa biết ngày mùng 5 tháng 5 là như thế nào. Cũng ngần ấy thời gian nó không còn cảm giác háo hức mong chờ khi sáng sớm mùng 5 vừa mở mắt ra đã thấy mâm trái cây đầy ắp mà ba mẹ vừa mới cúng xong. Rồi “quất” xong mâm trái cây ấy, lũ trẻ chúng tôi lại được ba mẹ dẫn về nội, về ngoại để quây quần bên những mâm cúng thịnh soạn với đủ các món, mà chỉ đến ngày mùng 5 mới được bà nội làm cho ăn.
Những "phép màu" kỳ diệu của nội
Người ta thường nghĩ chắc trẻ con chỉ mong chờ đến Tết Nguyên đán, vì lúc đó sẽ được nhận những phong bao lì xì, được ăn bánh kẹo thỏa thích và còn được nghỉ học dài ngày nữa. Nhưng không, tết mùng 5 tháng 5 với những đứa trẻ con miền quê như chúng tôi ngày ấy, lại được háo hức mong chờ dù không được nghỉ học, và dù chẳng có phong bao lì xì, nhưng ngược lại, chúng tôi được chứng kiến nhiều “phép màu” kỳ lạ mà bà nội làm.
Ở TP.HCM, nhà nào cũng mua lá về treo trước cổng nhà để xua đuổi điều xui xẻo, chứ không như ở quê, hái lá về nấu uống hay tắm HOA NỮ
Sáng ra nội dẫn chúng tôi đi hái đủ mọi lá trên đời mà nội gọi đó là lá mùng 5. Nội bảo hái lá về nấu nước uống, rồi nấu tắm sẽ chữa được rất nhiều những bệnh lặt vặt mà lũ trẻ chúng tôi hay gặp phải như cảm sốt, ghẻ ngứa… Nhưng nội nói chỉ có hái lá vào mùng 5 thì mới hiệu nghiệm.
Lá bưởi, lá sả, lá mùng 5… đủ các loại, được nội rửa sạch, rồi đun một nồi thật to để cả trẻ con và người lớn đều có đủ nước để tắm. Lá ngày đó thơm thật lạ, giờ tắm bằng sữa tắm đắt tiền cũng không tìm được hương thơm phảng phất mùi lá mùng 5 ngày ấy.
Đặc biệt hơn, ở quê tôi mùng 5 đúng mùa của điều ra trái, thế là đúng giờ ngọ nội hái thật nhiều trái điều, vắt nước và đổ vào chai để dành. Nội bảo đó là “thuốc tiên”, khi nào đau bụng chỉ cần lấy uống một vài ngụm là hết liền, nhưng điều phải được vắt nước đúng giờ ngọ mới hữu dụng.
Rồi các loại lá thuốc, cũng được nội hái vào giờ ngọ và bảo quản cẩn thận để xài khi cần.
Ngày đó, tụi trẻ con chúng tôi đâu có biết gì, cứ nghe đến “thuốc tiên”, “nước tiên” là thích thú vô cùng. Cứ đến mùng 5 tháng 5 là nội giống như những ông bụt trong truyện cổ tích, có nhiều “phép màu” và biến mọi thứ đều thành vi diệu.
Nhưng có lẽ, cái rộn ràng nhất ở quê tôi vào tết mùng 5 tháng 5 là nhà nhà đi biển, người người đi biển. Với quan niệm đi biển để tắm đi hết những xui xẻo nên sau những mâm cúng gia đình, những thủ tục tắm lá ở nhà thì mọi người lại dẫn nhau đi biển. Năm nào cũng thế, đều đặn, đông đúc và với những đứa trẻ ranh như tụi tôi ngày đó thì vui thôi khỏi bàn.
Hôm nay gọi điện về nhà, nói chuyện với mẹ, với bà, nhưng không chỉ là những câu chuyện như thường ngày, mà là để cùng nội, cùng mẹ ôn lại ký ức của những ngày mùng 5 xưa cũ. Và suốt buổi “tám chuyện” với nội, tôi cứ lặp đi lặp lại câu hỏi “Mùng 5 tháng 5 bây giờ có còn như xưa không hả nội?” để lại được nghe nội tôi miên man với những hồi ức về cái tết đặc biệt này.
Nhưng rồi câu cuối cùng, nội nói với tôi trong điện thoại: “Năm nào sắp xếp về ăn mùng 5 tháng 5 với nội nha con. Nội sẽ nấu nước lá mùng 5 cho con tắm, nội sẽ vắt nước điều cho con uống cho chắc bụng, nội nấu nhiều xôi chè cho con ăn…Năm nào về ăn mùng 5 với nội nha con!”.
Nghe đến đây, mắt tôi lại rưng rưng. Có lẽ, mùng 5 tháng 5 vẫn còn như xưa trong ký ức của tôi, của bà. Nhưng đã không còn như xưa khi vắng bóng những đứa con, đứa cháu vì bận gánh mưu sinh nơi xứ người.
Theo Thanh Niên