Mưu sinh trong trạng thái bình thường mới

27/10/2021 - 06:16

 - Sau nhiều tháng thực hiện giãn cách xã hội để phòng, chống dịch COVID-19, người dân trở lại với cuộc sống thường nhật. Tuy nhiên, nhiều lao động tạm thời thay đổi ngành nghề để thích nghi với trạng thái mới, nhanh chóng lao động sản xuất, từng bước ổn định cuộc sống, trên nguyên tắc đảm bảo các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19…

Làm nghề bán vé số lâu năm, chưa bao giờ bà Lê Thị Mười (phường Mỹ Thạnh, TP. Long Xuyên) gặp khó khăn như hiện nay. Gần 1 tuần nay, bà bắt đầu đi bán vé số trở lại sau hơn 3 tháng ở nhà, sống nhờ sự hỗ trợ của chính quyền địa phương và bà con chòm xóm. Dù tình hình dịch bệnh được kiểm soát, nhưng vẫn còn phức tạp với nhiều ca được phát hiện trong cộng đồng, mọi người ngán ngại tiếp xúc với người lạ nên việc bán vé số của bà Mười bị ảnh hưởng rất nhiều. Trước đây, chưa có dịch, mỗi ngày bà bán được từ 150-200 vé, mấy ngày nay chỉ được 50-80 vé, thu nhập chỉ được 50.000 - 80.000 đồng/ngày.

“Tôi đi bán vé số lại từ tuần trước đến giờ mà ế lắm, nhưng vì cuộc sống nên phải cố gắng, dù phải đối mặt nhiều nguy hiểm. Dù đã được tiêm 1 mũi vaccine phòng COVID-19 nhưng khi đi bán, tôi cũng đeo khẩu trang cẩn thận, chuẩn bị sẵn chai dung dịch sát khuẩn để thường xuyên rửa tay, nhằm đảm bảo sức khỏe cho bản thân mình và người khác”.

Trước dịch, nghề thu mua phế liệu giúp ông Nguyễn Văn Tài (xã Bình Hòa, huyện Châu Thành) có thu nhập mỗi ngày từ 150.000 - 200.000 đồng, giúp gia đình ông trang trải cuộc sống hàng ngày. Thế nhưng, hơn 3 tháng qua, do thực hiện giãn cách xã hội, không thể ra ngoài lao động kiếm tiền nên gia đình ông Tài gặp nhiều khó khăn. Ông Tài cho biết, kể từ khi dịch bệnh COVID-19 bùng phát thì mọi sinh hoạt trong gia đình đều đảo lộn, cuộc sống lâm vào cảnh khó khăn. Vợ chồng không còn làm gì ra tiền, 2 đứa con đang ở tuổi ăn, tuổi học…

“Cũng nhờ chính quyền địa phương hỗ trợ nhu yếu phẩm, còn vợ chồng tôi chuyển sang nghề “tay trái” - nhận may mùng mền, áo gối tại nhà để kiếm thêm thu nhập. Giờ đây, địa phương đã trở lại bình thường mới, tôi tiếp tục mưu sinh bằng việc thu mua phế liệu. Hy vọng dịch bệnh sớm được đẩy lùi để mọi người được yên tâm lao động, mua bán…” - ông Tài chia sẻ.

Người lao động dần trở lại công việc thường ngày

Tình hình dịch bệnh phức tạp, kéo dài đã khiến cuộc sống nhiều gia đình lao động tự do nghèo càng thêm khó khăn. Những lao động may mắn còn có việc làm luôn cố gắng giảm chi tiêu, tiết kiệm mọi chi phí sinh hoạt hàng ngày, như: điện, nước... Còn với những lao động thất nghiệp, mất việc thì khó khăn nhân lên gấp bội.

Hơn 3 tháng không đi làm, thực hiện giãn cách xã hội, vợ chồng chị Lý Thị Lài (ngụ phường Mỹ Long, TP. Long Xuyên, tỉnh An Giang) không có thu nhập, số tiền tích lũy đã sử dụng hết cho việc sinh hoạt hàng ngày của gia đình. Giờ được đi làm trở lại, tuy thu nhập không còn như trước do ít người thuê, nhưng cuộc sống vẫn thoải mái hơn nhiều, không còn đối diện cảnh lo toan, thiếu hụt.

Chị Lý Thị Lài cho biết, sau khi nghỉ làm công nhân thủy sản, chị chạy vạy tìm nghề khác để trang trải chi phí sinh hoạt hàng ngày của gia đình. “Tôi may mắn được chị hàng xóm thuê giúp việc nhà. Vài ngày tới, tôi cũng sẽ nhận sửa quần, áo để kiếm thêm thu nhập. Chồng tôi đã bắt đầu đi làm hồ trở lại. Đồng tiền kiếm được, vợ chồng tôi sống tiện tặn để phòng khi ốm đau, rồi còn lo cho 2 đứa con. Tuần trước, vợ chồng tôi đã được tiêm vaccine phòng COVID-19 nên mừng lắm. Dù vậy, vợ chồng tôi luôn thực hiện tốt thông điệp “5K” của Bộ Y tế khi ra đường và làm việc…”.

Giới shipper (người giao hàng) cũng dần bận rộn trở lại sau nhiều tháng “ngồi chơi, xơi nước”. Tranh thủ giao cho xong các đơn hàng, anh Nguyễn Huy Hoàng cho biết, tình hình dịch bệnh COVID-19 được kiểm soát, giao thông cũng thuận lợi hơn trước nên nhiều người đặt hàng hơn. Mấy hôm nay, anh giao khoảng 30 - 40 đơn hàng/ngày, tăng gấp đôi những ngày trước, đơn hàng không liên hệ được với khách giảm đáng kể. Anh Hoàng chia sẻ: “Vì ảnh hưởng của dịch bệnh nên lượng hàng hóa từ các nơi gửi về không nhiều. Dù thu nhập giảm 50% so với trước, nhưng mình vẫn may mắn vì còn có việc làm”.

Đại dịch COVID-19 kéo dài đã ảnh hưởng rất lớn đến lao động tự do, khiến nhiều người mất việc làm. Nhiều người dẫu “ghét đắng ghét cay” dịch bệnh COVID-19, nhưng dù có ghét đến mấy thì vẫn phải thích ứng dịch bệnh. Thế nên, họ phải lạc quan mà sống và tìm cách thích nghi, vượt qua khó khăn. Ngoài nỗ lực duy trì công việc, thậm chí phải tạm thời đổi nghề mới. Người lao động chỉ mong cuộc sống mau trở lại trạng thái bình thường, có điều kiện chăm lo cho gia đình tốt hơn…

KHÁNH MY