Người dân đeo khẩu trang phòng lây nhiễm COVID-19 khi tập thể dục ngoài trời tại Yangon, Myanmar, ngày 18-12-2020. Ảnh: THX/ TTXVN
'Theo trang thống kê worldometer.info, tính đến 6h ngày 20-12 (theo giờ VN), toàn thế giới ghi nhận tổng cộng 76.552.479 ca nhiễm virus SARS-CoV-2 gây bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19, bao gồm 1.690.452 ca tử vong.
Số bệnh nhân bình phục đã lên tới 53.674.000 người, 21.188.027 bệnh nhân đang được điều trị tích cực và 106.519 ca nguy kịch.
Trong vòng 24 giờ qua, các nước ghi nhận số ca dương tính với virus SARS-CoV-2 nhiều nhất thế giới gồm: Mỹ (154.663 ca), Brazil (36.796 ca) và Nga (28.209 ca); Mỹ cũng dẫn đầu về số ca tử vong mới (với 2.091 ca), tiếp theo là Nga (585 ca) và Italy (553 ca).
Quốc gia chịu ảnh hưởng nghiêm trọng nhất vẫn là Mỹ với 322.936 ca tử vong trong tổng số 18.043.016 ca nhiễm. Tiếp đó là Ấn Độ với 145.513 ca tử vong trong số 10.031.659 ca bệnh. Brazil đứng thứ 3 với 186.205 ca tử vong trong số 7.200.708 bệnh nhân.
Xét tỷ lệ dân số, Bỉ là quốc gia bị ảnh hưởng nghiêm trọng nhất, theo đó cứ 100.000 người dân thì có 159 người tử vong. Tiếp đến là Italy và Peru (với 112 người) và Slovenia (109 người).
Mỹ đã chủng ngừa COVID cho 272.000 người
Trung tâm Phòng ngừa và Kiểm soát dịch bệnh Mỹ (CDC) cho biết, tới ngày 19-12, ít nhất 272.001 liều vaccine Pfizer/BioNTech đã được tiêm cho người dân Mỹ. Theo CDC, đây là con số ước tính tối thiểu và thực tế có thể cao hơn do độ trễ thời gian báo cáo.
Trong khi đó, tình hình dịch bệnh tại Mỹ vẫn diễn biến nghiêm trọng. Các phòng cấp cứu và hồi sức tích cực ở bang California (Mỹ) đang rơi vào cảnh quá tải với số bệnh nhân nhập viện liên tục gia tăng. Theo Cơ quan Y tế công cộng California, tính đến ngày 18-12, chỉ có khoảng 1.200 giường tại các khoa chăm sóc tích cực ở bang này còn trống, tương đương 2,1% tổng số. Một số bệnh viện thậm chí còn phải lập lều trại trong khuôn viên để điều trị bệnh nhân giữa thời tiết giá rét. Khoa chăm sóc tích cực tại các bệnh viện ở phía Nam California, trong đó có thành phố Los Angeles, gần như đã kín chỗ. Trong khi đó, số liệu công bố ngày 17-12 cho thấy thêm 41.000 người có kết quả xét nghiệm dương tính với virus SARS-CoV-2 và 300 người tử vong.
Trong khi đó, tại bang Nevada, một bệnh viện ở thành phố Reno đã phải cải tạo hai tầng của một bãi đỗ xe gần đó thành cơ sở điều trị bệnh nhân có triệu chứng nhẹ. Cơ quan Quản lý Dược phẩm và Thực phẩm Mỹ (FDA) vừa chính thức cấp phép sử dụng khẩn cấp vaccine ngừa COVID-19 của hãng dược phẩm Moderna. Với quyết định này, khoảng 6 triệu liều vaccine sẽ được chuyển đến các địa phương của Mỹ để tiêm chủng cho người dân trong thời gian tới. Trước đó một tuần, Mỹ cũng đã phê chuẩn việc lưu hành vaccine ngừa COVID-19 do hai hãng Pfizer (Mỹ) và BioNTech (Đức) phối hợp bào chế.
Mexico áp dụng trở lại giãn cách xã hội
Trong khi đó, Thứ trưởng Y tế Mexico Hugo López-Gatell thông báo từ ngày 19-12 đến ngày 10-1-2021, khu đô thị Thung lũng Mexico, bao gồm thủ đô Mexico City và một số quận thuộc các bang Estado de Mexico sẽ áp dụng trở lại các biện pháp giãn cách xã hội. Bộ Y tế Mexico đã công bố các biện pháp siết chặt phòng dịch như tạm đình chỉ hoạt động của các cơ sở không thiết yếu như nhà hàng, phòng tập gym và các điểm vui chơi công cộng. Bên cạnh đó, chính quyền thủ đô và bang Estado de Mexico khuyến cáo người dân ở nhà, tránh tụ tập, nhóm họp và thăm hỏi người thân dịp lễ cuối năm.
Trước đó, Tổng thống Andrés Manuel López Obrador đã kêu gọi người dân thủ đô không ra đường, không thăm hỏi người thân và không mua quà tặng dịp Giáng sinh và Năm mới để tránh nguy cơ lây nhiễm COVID-19. Hiện Mexico có gần 1,3 triệu ca mắc COVID-19 và 117.000 ca tử vong, trong đó khu đô thị Thung lũng Mexico chiếm tới 30%.
Nhà chức trách Peru cho biết sẽ triển khai binh sĩ giám sát việc thực thi lệnh hạn chế đi lại trong dịp Giáng sinh và Năm mới nhằm khống chế dịch COVID-19 lây lan. Các phương tiện cơ giới cá nhân sẽ bị cấm lưu thông trong các ngày 24, 25, 31-12 và 1-1-2021. Cảnh sát và binh sĩ sẽ được bố trí tại các chốt trực chiến lược để thực thi lệnh này. Theo Bộ Y tế Peru, đến nay nước này phát hiện hơn 991.500 ca mắc COVID-19, trong đó có 36.900 ca tử vong.
Châu Âu: Anh hủy kế hoạch nới lỏng hạn chế dịp Giáng sinh
Ngày 19-12, Thủ tướng Anh Boris Johnson thông báo các kế hoạch của Chính phủ nước này nhằm nới lỏng những hạn chế vào dịch Giáng sinh sẽ bị hủy bỏ vì sự gia tăng các ca mắc COVID-19 liên quan đến biến thể mới của virus SARS-CoV-2.
Thủ tướng Anh Johnson nói: "Với bằng chứng ban đầu chúng tôi có về biến thể mới của virus này, nguy cơ tiềm ẩn mà nó gây ra, thật khó khăn khi phải nói với các bạn rằng chúng ta không thể tiếp tục kế hoạch Giáng sinh như dự kiến".
Theo các biện pháp hạn chế của Anh, người dân tại những vùng bị áp dụng các biện pháp hạn chế Bậc 4 sẽ không được gặp hộ gia đình khác. Trong khi đó, người dân sống ở những khu vực khác sẽ chỉ được gặp trong một ngày, thay vì 5 ngày trong dịp nghỉ lễ Giáng sinh như kế hoạch ban đầu.
Cùng ngày, cố vấn trưởng về khoa học của Anh Patrick Vallance cho biết các loại vaccine ngừa COVID-19 dường như phù hợp trong việc tạo ra một phản ứng miễn dịch đối với một biến thể mới và dễ lây nhiễm hơn của virus SARS-CoV-2. Phát biểu với báo giới, ông Vallance cũng nhấn mạnh rằng cần có các biện pháp y tế công cộng để giữ biến thể này trong tầm kiểm soát.
Theo số liệu thống kê đến sáng 20-12, Anh là nước có số ca mắc COVID-19 cao thứ 7 trên thế giới với tổng số 2.004.219 ca, trong đó có 67.075 trường hợp tử vong.
Nga tiêm phòng cho phi hành gia
Tại châu Âu, các nhà du hành vũ trụ của Nga và nhân viên ngành này đã bắt đầu được tiêm phòng virus SARS-CoV-2. Cơ quan Hàng không Vũ trụ Nga Roscosmos cho biết hai nhà du hành vũ trụ Nikolai Chub và Oleg Artemyev, từng làm việc trên Trạm Vũ trụ Quốc tế (ISS), đã được tiêm mũi đầu tiên trong hai mũi vaccine Sputnik V. Đầu tháng này, Nga cũng đã tiêm vaccine Sputnik V cho đội ngũ y bác sĩ và các nhân viên ở tuyến đầu chống dịch tại thủ đô và hơn 200.000 người đã được tiêm.
Italy siết phòng dịch dịp Giáng sinh - Năm mới
Italy - một trong những quốc gia bị ảnh hưởng nặng nề nhất bởi đại dịch COVID-19 - cũng sẽ áp dụng các lệnh hạn chế trong dịp Giáng sinh và Năm mới. Theo đó, các cửa hàng, nhà hàng và quán bar sẽ phải đóng cửa, trong khi người dân được yêu cầu hạn chế đi lại giữa các vùng trong cả nước, cũng như đi ra nước ngoài. Cũng tương tự, nước Áo sẽ bắt đầu bước vào đợt phong tỏa thứ ba kể từ ngày 26-12 đến 24-1-2021 để hạn chế chuỗi lây lan của dịch bệnh.
Thụy Sĩ cấp phép sử dụng vaccine Pfizer/BioNTech
Cơ quan quản lý dược phẩm Swissmedic của Thụy Sĩ ngày 19-12 cho biết sau quá trình xem xét kỹ lưỡng kéo dài hai tháng, giới chức nước này đã cấp phép sử dụng khẩn cấp đối với vaccine ngừa bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19 do hai hãng Pfizer (Mỹ) và BioNTech (Đức) phối hợp phát triển.
Thụy Sĩ hiện đã đảm bảo nguồn cung khoảng 15,8 triệu liều vaccine ngừa COVID-19 thông qua các hợp đồng với ba nhà sản xuất gồm Pfizer/BioNTech, Moderna (Mỹ) và AstraZeneca (Anh). Đây đều là những loại vaccine yêu cầu phải tiêm đủ 2 liều/người.
Trung bình mỗi ngày Thụy Sĩ ghi nhận thêm hơn 4.000 ca bệnh mới, trong đó có 100 ca tử vong. Kể từ khi bùng phát đến nay, đại dịch COVID-19 đã lây lan cho 400.000 trường hợp ở Thụy Sĩ và cướp đi sinh mạng của hơn 6.000 người ở nước này.
Nam Phi: Xuất hiện biến thể SARS-CoV-2 mới
Tại Nam Phi, một biến thể mới của virus SARS-CoV-2 cũng đã xuất hiện và được cho là liên quan đến làn sóng lây nhiễm thứ hai chủ yếu tác động đến người trẻ tuổi ở nước này. Bộ trưởng Y tế Nam Phi Zwelini Mkhize cho biết thông tin chi tiết về biến thể 501.V2 đã được gửi tới Tổ chức Y tế Thế giới (WHO).
Kể từ khi đại dịch COVID-19 bùng phát, các nhà nghiên cứu Nam Phi đã giải mã trình tự gene của hàng trăm mẫu virus SARS-CoV-2, qua đó nhận thấy sự xuất hiện ngày càng nhiều của một biến thể trong các mẫu virus thu thập trong hai tháng qua. Theo Bộ trưởng Mkhize, các bác sĩ cho biết độ tuổi của các bệnh nhân COVID-19 ngày càng trẻ hóa, họ không có các bệnh lý nền có thể làm tăng nguy cơ biến chứng nặng hơn. Điều này cho thấy làn sóng dịch thứ hai mà Nam Phi đang trải qua hiện nay có liên quan đến biến thể mới này.
Nam Phi là quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề nhất của đại dịch COVID-19 ở châu Phi. Tính đến nay, nước này ghi nhận gần 25.000 ca tử vong trong số hơn 900.000 ca mắc bệnh.
Châu Á - Hàn Quốc: Liên tiếp ca nhiễm mới 4 con số
Trong ngày 19-12, Hàn Quốc ghi nhận thêm 1.053 ca nhiễm virus SARS-CoV-2. Đây là ngày thứ 4 liên tiếp, số ca mắc COVID-19 mới trong ngày tại nước này trên 1.000 ca và thực tế này làm dấy lên lo ngại về nguy cơ thiếu giường bệnh tại các bệnh viện dành để điều trị các ca bệnh nặng.
Theo Cơ quan kiểm soát và phòng chống dịch bệnh Hàn Quốc (KDCA), trong số 1.053 ca nhiễm mới, có 1.029 lây nhiễm trong cộng đồng. Tổng số ca dương tính với SARS-CoV-2 tại Hàn Quốc nay đã lên tới 48.570 ca. Hơn 70% số ca nhiễm mới tập trung tại thủ số Seoul và vùng lân cận, nơi chiếm hơn 50% trong tổng số hơn 50 triệu dân của nước này.
Bộ Tư lệnh Liên hợp quốc (UNC) xác nhận các chuyến tham quan làng đình chiến Panmunjom (nằm ở khu vực biên giới giữa Hàn Quốc và Triều Tiên) đã bị đình chỉ do lo ngại tình hình dịch bệnh. Trên Twitter, UNC viết: "Do số trường hợp mắc COVID tiếp tục tăng cao ở Hàn Quốc, UNC đã đình chỉ tất cả các hoạt động không thiết yếu trong Khu vực An ninh chung, bao gồm cả các chuyến tham quan... Điều này là cần thiết để bảo vệ người dân Hàn Quốc và các nhân viên của chúng tôi ở Khu phi quân sự (DMZ). Chúng tôi mong được nối lại các chuyến tham quan sau khi các số ca mắc COVID giảm bớt".
Thủ tướng Israel tiêm vaccine Pfizer/BioNTech
Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu ngày 19-12 đã được tiêm ngừa COVID-19 tại bệnh viện Sheba ở Tel Aviv. Toàn bộ cuộc tiêm chủng với nhà lãnh đạo Chính phủ đã được phát trực tiếp trên truyền hình Israel.
Ông Netanyahu là người Israel đầu tiên được tiêm chủng vaccine COVID của Pfizer/BioNTech. Ông cũng là vị thủ tướng tại nhiệm đầu tiên trên thế giới công khai tiêm vaccine này.
Australia: Thành phố đông dân nhất bị phong toả
Tại châu Đại dương, khoảng 250.000 người dân sống ở khu vực ven biển phía Bắc Sydney - thành phố đông dân nhất Australia - đã được đặt trong tình trạng phong tỏa nghiêm ngặt từ ngày 19-12 cho đến hết ngày 23-12. Đây là một biện pháp mạnh tay mà giới chức sở tại áp đặt nhằm kiểm soát ổ dịch COVID-19, ngăn chặn nguy cơ lây lan ra toàn thành phố. Ngày 20-12, chính quyền sẽ quyết định có cần phong tỏa toàn bộ thành phố này hay không. Ổ dịch ở các bãi biển phía Bắc Sydney giờ đã ghi nhận 39 ca nhiễm, trong khi hai ca khác đang được điều tra. Cách đây hai ngày con số này chỉ là 5 ca. Tuy nhiên, chính quyền chưa xác định được nguồn lây nhiễm cũng như nguồn gốc virus.
Thái Lan tăng vọt ca lây nhiễm địa phương
Thái Lan ghi nhận ngày có số ca lây nhiễm cộng đồng cao nhất trong hơn 7 tháng qua, với 9 ca trong ngày 19-12, nâng tổng số ca bệnh lên 4.331, trong đó có 60 ca tử vong và 4.024 người đã hồi phục.
Toàn bộ số ca lây nhiễm mới nói trên đều liên quan đến một chợ tôm ở tỉnh Samut Sakhon, gần Bangkok, nơi trước đó ngày 18-12 đã ghi nhận 4 ca nhiễm cộng đồng.
Người phát ngôn lực lượng đặc nhiệm COVID-19 Taweesin Wisanuyothin cho biết đến hiện tại Thái Lan vẫn không cần áp dụng lệnh phong toả, nhưng các bước siết chặt phòng dịch sẽ được tính đến nếu các ca lây nhiễm cộng đồng vẫn tăng.
Hôm 18-12, Thái Lan đã nới lỏng thêm các hạn chế nhằm cho phép thêm khách du lịch nước ngoài trở lại. Chính phủ dự đoán Thái Lan sẽ đón khoảng 8 triệu du khách quốc tế trong năm 2021, so với dự kiến 6,7 triệu khách trong năm nay. Năm 2019, có tới gần 40 triệu du khách quốc tế tới Thái Lan.
Malaysia đối mặt ổ dịch trong nhân viên y tế
Các bệnh viện lớn ở Malaysia đang đối mặt với những ổ dịch COVID-19 trong các nhân viên y tế trong bối cảnh nước này vừa ghi nhận con số kỷ lục tới trên 15.000 ca nhiễm trong ngày 18-12.
Trong những tuần gần đây, bệnh viện Đa khoa Klang và Serdang, hai bệnh viện lớn tại bang đông dần và thịnh vượng nhất Malaysia, Selangor, đã xảy ra ổ dịch bùng phát trong các nhân viên của mình. Bệnh viện tại Klang chứng kiến hơn 50 nhân viên nhiễm virus, trong khi bệnh viện Serdang có 29 ca. Bệnh viện Sungai Buloh, một cơ sở y tế then chốt khác trong điều trị bệnh nhân COVID, cũng báo cáo có 15 ca lây nhiễm trong nhân viên.
Hôm 18-12, Bộ Y tế Malaysia xác nhận có tổng cộng 1.359 ca lây nhiễm được ghi nhận trong các nhân viên y tế, kể từ khi làn sóng dịch thứ ba bắt đầu vào cuối tháng 9. Chỉ trong ngày 18-12, nước này đã có thêm 43 ca lây nhiễm trong nhân viên y tế.
Trên toàn quốc, tới hết ngày 19-12, Malaysia ghi nhận thêm 1.153 ca nhiễm mới, nâng tổng số ca bệnh lên 91.969 ca, trong đó bao gồm 433 ca tử vong và 76.242 trường hợp đã hồi phục.
Campuchia: Kiểm soát được COVID, kinh tế phục hồi tới 4% năm 2021
Ngân hàng Thế giới (WB) giữa tuần này đã công bố cập nhật kinh tế mới nhất hai lần mỗi năm về Campuchia, theo đó nền kinh tế này dự kiến giảm 2% năm 2020, nhưng sẽ phục hồi với mức tăng 4% trong năm 2021.
WB cho rằng khi các biện pháp giãn cách xã hội giảm bớt, hoạt động kinh tế trong nước của Campuchia sẽ từng bước trở lại bình thường. Tiêu dùng sẽ được hỗ trợ một phần nhờ các biện pháp can thiệp chưa từng có trong tiền lệ của chính phủ, trong khi lạm phát vẫn kiềm chế được. Đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vào các dự án phi dệt may và nông nghiệp đang gia tăng nhờ các Hiệp định Thương mại Tự do (FTA) mà Campuchia ký với một số đối tác.
Theo THU HẰNG (Báo Tin tức)