Bộ Quốc phòng Mỹ vừa công bố thoả thuận trị giá 3,95 tỷ USD, kéo dài 12 năm, nhằm nâng cấp căn cứ không quân Thule ở đảo Greenland. Hợp đồng được ký kết giữa quân đội Mỹ với một công ty thuộc sở hữu của người Greenland/Đan Mạch.
Trước đó, từ năm 2014, hợp đồng nâng cấp căn cứ không quân Thule do công ty Mỹ thực hiện.
Căn cứ không quân Thule của Mỹ. (Ảnh: Sputnik)
Hợp đồng bao gồm chi phí cho nâng cấp sân bay, dân dụng, quản lý môi trường, thực phẩm và dịch vụ y tế, cung ứng và hậu cần nhiên liệu, cảng biển, giao thông vận tải, bảo trì phương tiện, cũng như các dịch vụ cộng đồng và giải trí. Bên cánh đó là các biện pháp khắc phục thiệt hại do nhiệt độ tăng cao và tan băng.
Hợp đồng mới dự kiến sẽ thúc đẩy nền kinh tế ở đảo Greenland, mang lại nguồn thu thuế ổn định và tạo việc làm cho lực lượng lao động địa phương. Bộ trưởng Ngoại giao Đan Mạch Lars Lokke Rasmussen ca ngợi thỏa thuận này mang lại lợi ích lớn cho người dân trên đảo.
Trong những năm qua, Bắc Cực đã trở thành ưu tiên hàng đầu trong chương trình nghị sự về an ninh và quốc phòng của Mỹ. Trong chiến lược Bắc Cực năm 2019 của Lầu Năm Góc, khu vực này được xác định là hành lang tiềm năng cho sự cạnh tranh chiến lược, đặc biệt là với Nga và Trung Quốc.
Đầu năm nay, Mỹ cho biết đang nâng cấp căn cứ, cũng là cảng nước sâu cực bắc của thế giới, cam kết đầu tư hàng tỷ USD vào Bắc Cực.
Căn cứ không quân Thule được đưa vào hoạt động trong Chiến tranh Lạnh, đầu những năm 50, ngay sau khi Đan Mạch gia nhập NATO năm 1949. Căn cứ này đóng vai trò quan trọng trong khả năng phát hiện và đưa ra cảnh báo sớm của quân đội Mỹ về các cuộc tấn công bằng tên lửa đạn đạo.
Greenland là đảo tự trị của vương quốc Đan Mạch. Đảo này gần đây nhận được sự quan tấm lớn từ Mỹ. Mỹ đã mở một lãnh sự quán ở thủ phủ Nuuk của Greenland và thể hiện mong muốn tiếp cận các khoáng chất quý hiếm được tìm thấy ở dưới sâu của Greenland. Cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump từng gây sốc cho Đan Mạch với lời đề nghị mua Greenland vào năm 2019, nhưng Copenhagen đã từ chối.
Theo KÔNG ANH(VTC News)