Giữ lãi suất ở đỉnh 22 năm, phát tín hiệu tăng tiếp
Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) rạng sáng ngày 21/9 (giờ Việt Nam) quyết định giữ nguyên lãi suất quỹ liên bang (Federal Funds Rate - FFR) ở mức cao nhất 22 năm: 5,25-5,5% đúng như dự báo. Đây là cuộc họp thứ 2 kể từ tháng 3/2022 (sau cuộc họp hồi tháng 6) Fed ngừng không tăng lãi suất để nghe ngóng sức khỏe nền kinh tế Mỹ.
Trước đó, Fed đã có 11 lần tăng lãi suất, với tổng mức tăng 525 điểm cơ bản, đưa lãi suất quỹ liên bang FFR từ mức thấp kỷ lục 0-0,25% thời Covid lên mức 5,25-5,5% - cao nhất kể từ năm 2001.
FFR là lãi suất chuẩn áp dụng cho hoạt động cho vay qua đêm trên hệ thống tài chính liên bang Mỹ trên cơ sở không thế chấp. Lãi suất FFR tác động tới các lãi suất thương mại khác.
Mặc dù giữ nguyên lãi suất trong cuộc họp lần này nhưng Fed phát tín hiệu có thể sẽ thực hiện thêm một đợt tăng nữa trước cuối năm nay và có ít đợt hạ lãi suất hơn so với dự kiến vào năm tới.
Biểu đồ dot plot của Fed cho thấy khả năng Fed sẽ tăng lãi suất thêm 1 lần nữa trong năm 2023 và sẽ có 2 đợt cắt giảm trong năm 2024 (thay vì 4 lần cắt giảm như trong lần cập nhập gần nhất).
Lãi suất quỹ liên bang của Mỹ kể từ 2006.
Như vậy, lãi suất sẽ tiếp tục tăng và được duy trì ở mức cao lâu hơn, nhằm chiến đấu kéo lạm phát đi xuống. Hiện lạm phát Mỹ đang ở mức 3,9%.
Cũng theo tín hiệu từ Fed, lãi suất quỹ liên bang sẽ giảm về mức 2,9% trong năm 2026. Đây vẫn là lãi suất cao hơn so với ngưỡng lãi suất trung tính 2,5%/năm, vốn được xem là không có tác động tiêu cực hay tích cực đến nền kinh tế.
Bên cạnh đó, Fed cũng tiếp tục giảm nắm giữ trái phiếu, mỗi tháng cắt giảm khoảng 95 tỷ USD trái phiếu kho bạc và chứng khoán được đảm bảo bằng tài sản thế chấp (MBS) khỏi bảng cân đối kế toán.
USD tăng vọt, vàng giảm
Ngay sau tín hiệu “diều hâu” của các quan chức Fed, với việc thêm một đợt tăng nữa trước cuối năm nay và có ít đợt hạ lãi suất hơn so với dự kiến vào năm tới, đồng USD tăng vọt. Chỉ số DXY - đo lường biến động của đồng bạc xanh so với rổ 6 đồng tiền chủ chốt trên thế giới - đêm qua, trước khi Fed đưa ra quyết định, đã giảm xuống 104,5 điểm nhưng ngay sau đó bật tăng và tới 6h sáng ngày 21/9 (giờ Việt Nam) đã tăng lên mức 105,4 điểm.
Giá vàng đêm qua (giờ Việt Nam) sau khi vọt lên gần 1.950 USD/ounce, tới sáng 21/9 đã giảm về mức 1.930 USD/ounce.
Vàng giảm trở lại chủ yếu do Fed dù giữ nguyên lãi suất cơ bản nhưng báo hiệu chi phí đi vay có thể sẽ cao hơn trong thời gian dài hơn sau một đợt tăng nữa trong năm nay.
Vàng thế giới tăng mạnh đêm qua, rồi giảm sâu rạng sáng 21/9 (giờ Việt Nam).
Trên Bloomberg, nhà phân tích thị trường Ed Moya đến từ Oanda cho rằng, quyết định về chính sách cũng như những tín hiệu cho thấy Fed “rất diều hâu”. Theo đó, biểu đồ dot plot khiến các nhà đầu tư trên thị trường vàng lo sợ vì Fed không chỉ tiếp tục tăng lãi suất mà số lần cắt giảm sẽ giảm bớt đi một nửa.
Trong cuộc họp báo ngay sau cuộc họp kéo dài 2 ngày 19-20/9, Chủ tịch Fed Jerome Powell tiếp tục khẳng định lại quyết tâm kéo giảm lạm phát về mục tiêu 2% và ông cho rằng con đường đến mục tiêu “vẫn còn xa”.
Đồng USD cũng được dự báo treo cao hoặc tăng tiếp, qua đó kéo giá nhiều đồng tiền ở khu vực châu Á xuống tiếp, ảnh hưởng tới sự ổn định của thị trường tài chính nhiều nước trên thế giới, trong đó có Việt Nam.
Trong thời gian ngắn khoảng một tháng gần đây, đồng USD đã tăng mạnh, kéo tỷ giá USD/VND tăng 2,9% kể từ đầu năm.
Với lãi suất Mỹ đang ở mức 5,25-5,5%, trong khi lãi suất qua đêm trên thị trường liên ngân hàng Việt Nam chỉ khoảng 0,2% và lãi suất kỳ hạn một năm ở các ngân hàng thương mại lớn chỉ khoảng 5,5%, áp lực đối với đồng VND là lớn.
Kinh tế Mỹ sẽ hạ cánh mềm?
Cho dù mạnh tay siết dòng tiền nhưng Fed nâng gấp đôi dự báo tăng trưởng GDP trong năm 2023 lên 2,1%. Các thành viên Fed cũng kỳ vọng tăng trưởng kinh tế năm 2024 đạt 1,5%, thay vì mức dự báo 1,1% trước đó.
Điều này cũng đồng nghĩa với việc Fed không tin có suy thoái xảy ra với kinh tế Mỹ.
Cũng trong cuộc họp báo, Chủ tịch Fed Jerome Powell cho biết ông không muốn dùng cụm từ “hạ cánh mềm” đối với nền kinh tế Mỹ là kỳ vọng cơ bản của ông.
Các lần tăng lãi suất của Fed kể từ tháng 3/2023.
Theo ông chủ Fed, việc “hạ cánh mềm” có thể được quyết định bởi các yếu tố nằm ngoài tầm kiểm soát của Fed. Tuy nhiên, ông Powell cho rằng điều đó là “có thể” và cho biết “đây là lý do tại sao Fed phải có những bước đi thận trọng".
Chủ tịch Fed Jerome Powell thừa nhận lãi suất cao đang gây sức ép lên hoạt động kinh doanh và các khoản đầu tư tài sản cố định. Trong khi đó, thị trường lao động vẫn còn chưa thực sự tốt.
Cũng theo Powell, Ủy ban thị trường mở của Fed (FOMC) chưa quyết định lãi suất đã chạm đỉnh hay chưa. Và Fed cần thêm bằng chứng thuyết phục cho thấy lạm phát đang trong tầm kiểm soát.
Người đàn ông quyền lực nhất ngành tài chính Mỹ cho biết, Fed sẵn sàng nâng lãi suất thêm nếu cần thiết và việc giữ nguyên lãi suất tại cuộc họp này không có nghĩa là Fed đã đạt tới chính sách tiền tệ mà họ mong muốn.
Có thể thấy, Fed đã phát đi tín hiệu khá rõ ràng rằng cơ quan này sẽ chưa sớm đảo chiều, cắt giảm lãi suất cho dù nền kinh tế số 1 thế giới xuất hiện những dấu hiệu giảm tốc.
Với lãi suất Mỹ cao như hiện tại thì dòng tiền được cho là sẽ khó dịch chuyển chảy mạnh vào nền kinh tế. Lãi suất cao và được dự báo còn kéo dài trong một thời gian dài, 6 tháng tới một năm nữa, cộng với giá nguyên liệu đầu vào tăng cao (đặc biệt giá dầu), có thể sẽ ảnh hưởng tới sức mạnh của nền kinh tế số 1 thế giới.
Giới đầu tư hiện chờ đợi kết quả cuộc họp của Ngân hàng Trung ương Anh (BOE) vào ngày 21/9 và cuộc họp của Ngân hàng Trung ương Nhật Bản (BOJ) vào ngày 22/9.
Theo MẠNH HÀ (Vietnamnet)