Mỹ Khánh, những năm tháng lịch sử

30/04/2019 - 07:35

 - Xã Mỹ Khánh (TP. Long Xuyên) được thành lập năm 1984. Trước giải phóng, xã chỉ là một ấp nhỏ của xã Bình Đức. Nhiều địa danh và con người nơi đây đã đi vào lịch sử. Nhắc đến Mỹ Khánh, người ta sẽ nghĩ ngay đến vùng căn cứ lõm của lực lượng cách mạng TX. Long Xuyên, huyện Châu Thành, là địa bàn đứng chân của các đơn vị cấp tỉnh. Năm tháng trôi qua, nhưng quá khứ hào hùng vẫn còn đó, nhắc nhở mọi người về một Mỹ Khánh – Bình Đức anh hùng.

Mỹ Khánh hôm nay

Trong kháng chiến chống thực dân Pháp, Chi bộ liên xã Bình Đức - Mỹ Phước đã vận động thân nhân, quần chúng tốt tham gia vào mặt trận, đoàn thể và hình thành hệ thống cơ sở trong nội ô; tổ chức rải truyền đơn kêu gọi nhân dân ủng hộ Việt Minh, giác ngộ binh lính địch; thành lập tổ thu thuế và mở lạc quyên để gây quỹ công tác cho cách mạng; gửi thư, rải truyền đơn cảnh báo bọn tề xã; tổ chức lực lượng tự vệ, du kích mật, hoạt động trừ gian, diệt tề... góp phần vào thắng lợi của tỉnh lỵ Long Xuyên.

 Ngày 16-6-1962, tại khu vườn nhà bà Bảy Khánh ở vàm mương Thầy Lộc, (ấp Bình Hòa, xã Bình Đức), Đội biệt động TX. Long Xuyên được thành lập, đánh dấu bước phát triển của mũi vũ trang ở TX. Long Xuyên. Đội có nhiệm vụ xây dựng, bảo vệ địa bàn đứng chân của Ban cán sự thị xã ở mương Thầy Lộc, rạch Cái Chiêng (Mỹ Khánh), ngọn Trà Ôn; huấn luyện kỹ thuật quân sự cho Tự vệ mật nội ô… Vũ khí của đội chỉ có 1 khẩu Thompson, 1 khẩu Carbine, 1 súng ngắn và 1 ít lựu đạn. Đầu năm 1971, đội được sáp nhập vào đại đội 6 hỏa lực tỉnh.

Theo các tư liệu ghi lại của Đảng ủy xã Mỹ Khánh, những năm 1969-1972, trong cuộc chiến đấu chống phá âm mưu bình định thâm độc của địch, cũng như Tỉnh lỵ Long Xuyên, dù bị địch kìm kẹp, khủng bố ác liệt, nhân dân vẫn quyết tâm nuôi chứa cán bộ, chiến sĩ cách mạng. Đồng thời, tham gia các cuộc đấu tranh chính trị lớn tại TX. Long Xuyên, như: phản đối Ủy ban Phụng hoàng giết người vô tội; chống quân sự hóa học đường; chống bắt lính..., tạo nên hậu cứ vững chắc, giúp Đảng bộ và các lực lượng vũ trang TX. Long Xuyên có điều kiện thuận lợi bám trụ để lãnh đạo cơ sở. Qua đó, phát động được cao trào đấu tranh với nhiều hình thức phong phú, làm thất bại một phần kế hoạch bắt lính đôn quân, góp phần tạo thế, tạo lực tiến lên giành thắng lợi trong những năm sau.

Trong suốt cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, Đảng bộ và nhân dân Mỹ Khánh đã kiên cường, bất khuất, bám trụ giữ đất. Liên tục đấu tranh với địch trên nhiều lĩnh vực, nhiều mặt để bảo vệ nuôi chứa cán bộ chiến sĩ cách mạng, đóng góp nhiều của cải vật chất, đưa nhiều con em bổ sung cho lực lượng cách mạng, không khuất phục trước sự cám dỗ của địch, không sợ hy sinh gian khổ, tan nhà, nát cửa, tù đày, đòn roi tra tấn của kẻ thù, một lòng thủy chung với cách mạng. Mỹ Khánh đã góp phần làm nên những chiến công lớn của lực lượng vũ trang TX. Long Xuyên, huyện Châu Thành.

Bước vào mùa xuân năm 1975, lực lượng tự vệ, cơ sở cách mạng và nhân dân đều náo nức hướng về cách mạng, quyết tâm thực hiện chỉ đạo của Tỉnh ủy theo tinh thần Nghị quyết 15 của Trung ương Cục miền Nam (tỉnh giải phóng tỉnh, huyện giải phóng huyện, xã giải phóng xã khi có thời cơ). Giữa tháng 4, Thị ủy Long Xuyên họp tại rừng tràm Huệ Đức, xây dựng kế hoạch tấn công giải phóng Long Xuyên. Theo chỉ đạo, bộ phận nội ô chuẩn bị lực lượng khởi nghĩa ở các địa bàn, bám các mục tiêu sẽ công kích là cơ quan đầu não của địch, khu vực nhân dân đứng lên khởi nghĩa tại các khóm, ấp, vùng ven. Sáng 1-5, bộ phận nội ô chỉ đạo cho anh em nội tuyến đang giữ đài viễn thông liên lạc với Quân khu 9, báo cáo tình hình khó khăn, phức tạp của TX. Long Xuyên. Đến 16 giờ ngày 1-5-1975, một bộ phận của E101 (trung đoàn Sông Lam) tiến vào Long Xuyên sau khi lần lượt dẹp tan tuyến phòng thủ của địch trên đường liên tỉnh. Lực lượng khởi nghĩa xã Bình Đức, Mỹ Phước treo cờ giải phóng trên các cao điểm và cơ quan của địch, đón chào đoàn xe M113 của Quân khu đang tiến dần từ Tầm Bót vào trung tâm tỉnh lỵ. Đến 18 giờ 30 phút, lực lượng cách mạng chiếm giữ toàn bộ cứ điểm, cơ quan địch trong nội ô, TX. Long Xuyên hoàn toàn được giải phóng, xã Bình Đức cũng tự giải phóng hoàn toàn trong ngày 1-5-1975 lịch sử.

Với thành tích đặc biệt xuất sắc trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, ngày 29-1-1996, nhân dân và lực lượng vũ trang nhân dân xã Mỹ Khánh đã được Chủ tịch nước tặng danh hiệu “Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân”. Năm 2016, xã Mỹ Khánh đạt chuẩn xã nông thôn mới.

Bài, ảnh: NGUYỄN HƯNG