Chỉ số sức mạnh USD (DXY) được các chuyên gia dự báo có thể duy trì ở ngưỡng cao và kéo dài hơn dự kiến trong năm 2025, từ đó tiếp tục gây áp lực lên tỷ giá tiền đồng.
Áp lực từ thế giới
Giới phân tích quốc tế nhận định đồng USD gần đây tăng giá mạnh do Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) dự kiến chỉ có 2 lần cắt giảm tổng cộng 1 điểm % lãi suất trong năm 2025, thay vì 4 lần như đã thông báo hồi tháng 9-2024. Đặc biệt, chỉ số DXY trên thị trường quốc tế vượt mốc 108,6 điểm và đang ở mức cao nhất trong hơn 2 năm qua, gây sức ép lớn với tỷ giá trong nước.
Ở trong nước, năm 2024, cặp tỷ giá USD/VND đã trải qua một năm biến động khó lường. Tỷ giá 2 lần vọt tăng mạnh khiến Ngân hàng Nhà nước phải can thiệp bằng biện pháp bán ngoại tệ giao ngay, điều hành linh hoạt các công cụ thanh khoản để ổn định tỷ giá thông qua nghiệp vụ phát hành tín phiếu, đồng thời đảm bảo thanh khoản cho hệ thống thông qua kênh thị trường mở. Kết thúc năm 2024, đà tăng của tỷ giá vẫn được duy trì dưới phạm vi 5,03% của Ngân hàng Nhà nước.
Theo các chuyên gia, việc Mỹ chuẩn bị bước vào nhiệm kỳ mới, căng thẳng thương mại toàn cầu và các rủi ro có thể xuất hiện, vì vậy đồng VND có thể sẽ chịu ảnh hưởng từ chính sách thuế của nước này.
Theo báo cáo vĩ mô vừa công bố, Công ty Cổ phần chứng khoán Rồng Việt (VDSC) đã đưa ra con số ước tính năm 2024 Ngân hàng Nhà nước bán ra khoảng 9,4 tỷ USD để ổn định tỷ giá.
Bước sang năm 2025, giới phân tích tài chính cho rằng, tỷ giá USD/VND sẽ bị ảnh hưởng bởi nhiều yếu tố như tốc độ hồi phục của nền kinh tế toàn cầu, chính sách của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed), mức độ nghiêm trọng của các cuộc xung đột địa chính trị trên thế giới… Đặc biệt, “ẩn số” chính sách thuế quan của ông Donald Trump có thể làm tăng giá trị USD và gây áp lực lên tỷ giá.
Ngày 7/1, tỷ giá USD tại các ngân hàng thương mại niêm yết từ 25.218-25.548 đồng/USD (mua vào/bán ra), giảm 5 đồng, tuy nhiên có thời điểm tỷ giá đã tăng kịch trần từ 25.265-25.559 đồng (ngày 2/1).
Để hạ nhiệt tỷ giá liên tiếp trong hai phiên giao dịch 3/1 và 6/1, Ngân hàng Nhà nước đã triển khai một cách tiếp cận mới trong việc can thiệp vào thị trường ngoại hối. Cụ thể, thay vì bán USD giao ngay với tỷ giá 25.450 đồng, Ngân hàng Nhà nước đã cung cấp các hợp đồng kỳ hạn (có kèm quyền chọn hủy) tại cùng mức tỷ giá 25.450 đồng.
Trước đó, Ngân hàng Nhà nước chỉ áp dụng dụng hình thức bán USD giao ngay cho các ngân hàng tại mức giá 25.450 đồng và theo các nguồn tin trên trường liên ngân hàng, tổng lượng ngoại tệ mà Ngân hàng Nhà nước đã đưa ra để can thiệp thị trường trong năm 2024 lên tới hơn 9 tỷ USD.
Theo giới phân tích, việc cung ứng các hợp đồng bán ngoại tệ kỳ hạn (có hủy ngang) cho thấy sự tự tin của Ngân hàng Nhà nước trong việc giữ ổn định tỷ giá liên ngân hàng quanh mức 25.450 đồng, đồng thời xóa bỏ kỳ vọng của thị trường về việc Ngân hàng Nhà nước sẽ tăng giá bán can thiệp.
Sẵn sàng can thiệp
Bà Nguyễn Thị Phương Lan, Giám đốc nghiên cứu- Trung tâm phân tích VDSC cho biết năm 2025 với bộ đệm dự trữ ngoại hối tiếp tục bị bào mòn và khả năng thu hút/giữ chân dòng ngoại tệ thiếu tính bền vững sẽ khiến cho tỷ giá USD/VND biến động mạnh trong biên độ +/-5% và kết thúc năm ở mức 26.200 đồng/USD.
Bà Phương Lan cũng cho rằng rà soát các yếu tố ảnh hưởng đến sức mạnh của đồng USD đều cho thấy đồng USD có thể tiếp tục mạnh lên trong năm 2025. Vì thế, việc kiểm soát sự ổn định tỷ giá trong năm 2025 của Ngân hàng Nhà nước khó khăn nhiều hơn thuận lợi. Khó khăn lớn nhất chính là dòng vốn FDI chỉ giải ngân vừa đủ để bù đắp lợi nhuận chuyển về nước, áp lực về nhu cầu USD vẫn cao khi lãi suất Mỹ duy trì ở mức cao trong khi dự trữ ngoại hối đã giảm mạnh.
Đồng quan điểm này, Chứng khoán Vietcombank (VCBS) cho rằng sẽ có những áp lực nhất định đối với xu hướng tỷ giá năm nay, đến từ việc sức mạnh của đồng USD vẫn được duy trì ở mức cao và các ngân hàng trung ương của nhiều quốc gia sẽ có thể kiên trì chính sách hạ lãi suất để kích thích tăng trưởng kinh tế. Tuy nhiên, mức độ cắt giảm sẽ tùy thuộc vào bối cảnh từng quốc gia. Bên cạnh đó, các xung đột địa chính trị sẽ khiến giới đầu tư tìm các tài sản “trú ẩn” an toàn, trong đó có USD.
Tuy nhiên, nhìn toàn diện, VCBS nhận định rằng vẫn còn nhiều yếu tố tích cực đối với thị trường ngoại hối Việt Nam trong năm 2025, đó là thu hút FDI và nguồn kiều hối. Đồng thời, sự tăng trưởng mạnh mẽ của xuất nhập khẩu với cán cân thương mại dự báo tiếp tục thặng dư lớn trong bối cảnh các nền kinh tế lớn phục hồi cũng là “điểm cộng” cho tỷ giá năm nay.
Tiến sỹ Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia tài chính ngân hàng cũng dự báo, năm 2025, tỷ giá sẽ chịu ảnh hưởng lớn từ các chính sách kinh tế của Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump. Chính sách giảm thuế cho người thu nhập cao có thể làm tăng thâm hụt ngân sách, buộc Mỹ phát hành trái phiếu lãi suất cao, dẫn đến lạm phát tăng. Fed có thể chuyển từ chính sách tiền tệ nới lỏng sang thắt chặt, tăng lãi suất, khiến USD mạnh lên, gây sức ép giảm giá VND và tăng tỷ giá tại Việt Nam.
Các chuyên gia cũng cho rằng trước áp lực này, Ngân hàng Nhà nước có thể phải điều chỉnh chính sách tiền tệ, bao gồm tăng lãi suất và áp dụng các biện pháp khác để giảm áp lực tỷ giá và kiểm soát lạm phát.
Còn về phía nhà điều hành, lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước cho biết cơ quan này luôn sẵn sàng bán ngoại tệ. Tuy nhiên, việc này còn phụ thuộc vào diễn biến thị trường, đặc biệt là tỷ giá VND/USD trên thị trường liên ngân hàng. Các thương ngân hàng mại sẽ đăng ký mua USD từ Ngân hàng Nhà nước và sau đó bán lại cho khách hàng theo nhu cầu./.