5 doanh nghiệp bưu chính tham gia cung cấp hàng thiết yếu
Thống kê từ Tổ công tác hỗ trợ hộ sản xuất nông nghiệp lên sàn thương mại điện tử (TMĐT) và bảo đảm cung cấp hàng hóa thiết yếu tại các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương đang giãn cách xã hội cho thấy, đến hết ngày 7-8, trên cả nước các doanh nghiệp bưu chính đã thiết lập tổng số 3.735 điểm cung cấp hàng hóa thiết yếu.
Tổng khối lượng 14.584 tấn hàng hóa thiết yếu đã được các doanh nghiệp bưu chính cung cấp cho người dân các tỉnh, thành đang giãn cách có tổng giá trị 448,43 tỷ đồng, tăng 11% so với ngày 6-8.
Ngoài ra, trong thời gian qua, các doanh nghiệp cũng đã vận chuyển theo chỉ đạo của chính quyền các địa phương hơn 3.880 tấn hàng hóa thiết yếu.
Bên cạnh các điểm bán cố định và lưu động, các doanh nghiệp bưu chính còn cung cấp hàng thiết yếu cho người dân các địa phương giãn cách qua sàn TMĐT.
Theo Vụ Bưu chính, Bộ TT&TT, bên cạnh 2 doanh nghiệp lớn là Tổng công ty Bưu điện Việt Nam (Vietnam Post) và Tổng công ty cổ phần Bưu chính Viettel (Viettel Post) đã tham gia cung cấp hàng hóa thiết yếu tại các địa phương đang giãn cách xã hội từ trung tuần tháng 7, đến nay hoạt động này đã có thêm sự chung tay của 3 doanh nghiệp bưu chính khác gồm Giao hàng nhanh, Giao hàng tiết kiệm và Netco.
Hiện nay, cùng với việc đảm bảo duy trì chuỗi cung ứng hàng hóa tại Thủ đô trong thời gian toàn thành phố thực hiện giãn cách, theo sự điều phối của Bộ TT&TT, các doanh nghiệp bưu chính đang tập trung để vừa đảm bảo cung ứng hàng hóa thiết yếu vừa hỗ trợ tiêu thụ nông sản đến kỳ thu hoạch tại 19 tỉnh, thành phía Nam gồm: An Giang, Bà Rịa - Vũng Tàu, Bến Tre, Bình Dương, Bình Phước, Cà Mau, Cần Thơ, Đồng Nai, Đồng Tháp, Hậu Giang, Kiên Giang, Long An, Sóc Trăng, Tây Ninh, Tiền Giang, TP.HCM, Trà Vinh, Vĩnh Long và Bạc Liêu.
Liên tục bổ sung các loại nông sản được tiêu thụ qua sàn Postmart, Vỏ Sò
Ngày 5-8, Bộ TT&TT đã đề nghị Sở Văn hóa, Thông tin, Thể thao và Du lịch tỉnh Bạc Liêu cùng Sở TT&TT 18 tỉnh, thành phía Nam chủ trì, phối hợp cùng các cơ quan, đơn vị liên quan của tỉnh để hỗ trợ, tạo điều kiện cho Vietnam Post và Viettel Post thực hiện hiệu quả việc tiêu thụ các sản phẩm của địa phương.
Các Sở cũng có trách nhiệm chỉ đạo đơn vị trực thuộc của 2 doanh nghiệp nêu trên tại địa phương xây dựng phương án cụ thể hỗ trợ tiêu thụ nông sản. Đồng thời, theo dõi, đôn đốc và hỗ trợ tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp để tiêu thụ nông sản đã đăng ký qua các sàn TMĐT và các kênh phân phối khác.
Trước đó, tại cuộc họp trực tuyến ngày 30-7 về thúc đẩy tiêu thụ nông sản trên các sàn TMĐT, Thứ trưởng Bộ TT&TT Phạm Anh Tuấn đã yêu cầu các Sở TT&TT nghiên cứu kỹ và lên phương án cụ thể để triển khai 2 kế hoạch: “Bảo đảm cung cấp hàng hóa thiết yếu của doanh nghiệp bưu chính lớn tại các tỉnh, thành phố đang thực hiện giãn cách xã hội”, “Hỗ trợ đưa hộ sản xuất nông dân lên sàn TMĐT, thúc đẩy phát triển kinh tế số nông nghiệp, nông thôn” theo đặc thù của tỉnh mình.
“Các Sở TT&TT phải coi hỗ trợ tiêu thụ nông sản là việc của mình. Các Sở cũng cần tham mưu cho UBND tỉnh những giải pháp đảm bảo duy trì chuỗi cung ứng hàng hóa”, Thứ trưởng đề nghị.
Trao đổi với ICTnews, đại diện Vietnam Post cho biết, đơn vị đang hỗ trợ tiêu thụ các loại nông sản đặc trưng của từng tỉnh phía Nam như nhãn Đồng Tháp, An Giang; thanh long, chanh của Long An…
Các mặt hàng như bưởi và cam xoàn Vĩnh Long, nhãn xuồng Sóc Trăng, mít Tiền Giang, dừa Bến Tre, gạo Kiên Giang… sẽ tiếp tục mở rộng thêm thời gian sắp tới. Hiện đã có hơn 3.000 hộ dân các tỉnh phía Nam được đưa lên sàn Postmart để bán nông sản, đặc sản.
“Chúng tôi lập phương án chi tiết với từng loại nông sản theo từng tỉnh và tính toán sản lượng tiêu thụ phù hợp. Đồng thời, xây dựng giá thành, quy trình vận chuyển và giao nhận để nông sản có thể nhanh chóng đến tay người tiêu dùng, song vẫn đảm bảo quy định phòng dịch”, đại diện Vietnam Post chia sẻ.
Để giải quyết khó khăn trong hoạt động vận chuyển tại các tỉnh phía Nam đang giãn cách, các doanh nghiệp bưu chính đã thay đổi luồng logistics.
Với Viettel Post, được xác định là kênh tiêu thụ nông sản chủ lực, sàn Vỏ Sò hiện cũng đã có 3.000 gian hàng của các hộ nông dân 19 tỉnh phía Nam. Đơn vị đang lấy danh sách từ Sở, ngành tại địa phương để tiếp tục hỗ trợ đưa các hộ sản xuất nông nghiệp lên sàn, qua đó dự kiến sản lượng tiêu thụ cho mỗi sản phẩm tại từng tỉnh.
Đơn vị này dự kiến ưu tiên chọn các hộ sản xuất nông nghiệp uy tín, có sản phẩm chất lượng là đặc sản nổi tiếng của địa phương để hỗ trợ mở gian hàng trên Vỏ Sò. Các hộ sản xuất cũng sẽ được hỗ trợ gắn thương hiệu riêng vào sản phẩm để góp phần nâng tầm giá trị sản phẩm.
Để giải quyết khó khăn trong hoạt động vận chuyển tại các tỉnh phía Nam đang giãn cách, các doanh nghiệp bưu chính đã thay đổi luồng logistics, sắp xếp 1 xe trung chuyển chuyên chạy trong khu vực giãn cách để kết nối với các tuyến xe khác ngoài khu vực giãn cách. Nhờ đó, lưu thông hàng hóa nói chung và tiêu thụ nông sản nói riêng vẫn được đảm bảo.
Theo VÂN ANH (Vietnamnet)