Nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh, tạo sự hài lòng người dân, doanh nghiệp

11/04/2019 - 07:37

 - Cuối tháng 3-2019, Phòng Công nghiệp Thương mại Việt Nam (VCCI) phối hợp Cơ quan Phát triển quốc tế Hoa Kỳ (USAID) công bố Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) năm 2018. Kết quả, PCI An Giang đạt 63,65 điểm (tăng 1,49 điểm so với năm 2017), đứng thứ 28/63 tỉnh, thành phố, tăng 4 bậc so năm 2017. Với kết quả đó, An Giang đã lọt vào nhóm có chỉ số điều hành “khá” (từ năm 2014-2017 thuộc nhóm trung bình).

PCI An Giang tăng 4 bậc

So 13 tỉnh, thành phố trong khu vực ĐBSCL, năm 2018, PCI của An Giang đứng thứ 6/13, trên các tỉnh: Kiên Giang, Tiền Giang, Bạc Liêu, Hậu Giang, Sóc Trăng, Trà Vinh và Cà Mau. Năm 2017, PCI tỉnh An Giang đạt 62,16 điểm; xếp thứ 32/63 tỉnh, thành phố cả nước và đứng thứ 7/13 tỉnh, thành phố khu vực ĐBSCL. Kết quả này phản ánh rõ nét nỗ lực của Đảng bộ, chính quyền An Giang tích cực điều hành phát triển kinh tế - xã hội, triển khai nhiều chính sách quyết liệt trong cải cách hành chính, vận hành Trung tâm Hành chính công, công bố kết quả giải quyết thủ tục hành chính (TTHC) trên phương tiện thông tin đại chúng…

Tỉnh triển khai nhiều chính sách quyết liệt trong cải cách hành chính, vận hành Trung tâm hành chính công tạo thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp

Một số lĩnh vực môi trường kinh doanh của tỉnh thay đổi tích cực hơn. Chi phí không chính thức được cắt giảm, môi trường kinh doanh cho các doanh nghiệp tư nhân có xu hướng bình đẳng hơn và đẩy mạnh cải cách hành chính. Các doanh nghiệp kỳ vọng chính quyền cần nâng cao tính minh bạch môi trường kinh doanh, tăng chất lượng đào tạo lao động; cải thiện dịch vụ hỗ trợ doanh nghiệp và tạo thuận lợi hơn nữa trong việc thực hiện các thủ tục xin cấp giấy phép kinh doanh, đặc biệt là thủ tục về đất đai, thuế...

So năm 2017, chỉ số PCI An Giang năm 2018 có 5 chỉ số tăng điểm và 5 chỉ số giảm điểm. Các chỉ số tăng điểm, gồm: cạnh tranh bình đẳng 6,89 điểm (tăng 1,9 điểm); tiếp cận đất đai 7,61 điểm (tăng 1,24 điểm); dịch vụ hỗ trợ doanh nghiệp 6,24 điểm (tăng 0,25 điểm). Hai chỉ số được cải thiện gồm: chi phí không chính thức 7,08 điểm (tăng 1,88 điểm); chi phí thời gian 7,57 điểm (tăng 0,69 điểm).

Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Lê Văn Phước chia sẻ, đối với chỉ số cạnh tranh bình đẳng, doanh nghiệp đánh giá tốt hơn về các nhận định cho rằng có sự ưu đãi đối với doanh nghiệp nhà nước và doanh nghiệp FDI. Riêng chỉ số tiếp cận đất đai An Giang đứng thứ 4/63 tỉnh, thành phố trong cả nước và xếp thứ 3/13 tỉnh, thành phố vùng ĐBSCL. Đã có 47,83% doanh nghiệp cho rằng không gặp cản trở về tiếp cận/mở rộng mặt bằng kinh doanh. Đặc biệt, 57,14% doanh nghiệp cho rằng thực hiện TTHC đất đai trong 2 năm qua không gặp khó khăn và tỷ lệ doanh nghiệp lo ngại TTHC rườm rà, cán bộ nhũng nhiễu trong việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đã giảm 3,02%.

Chỉ số dịch vụ hỗ trợ doanh nghiệp tăng điểm, bởi doanh nghiệp khá tin tưởng, có ý định tiếp tục sử dụng các dịch vụ tại tỉnh. Với chỉ số chi phí không chính thức: chỉ 49,91% doanh nghiệp lo ngại tình trạng nhũng nhiễu khi giải quyết TTHC; tỷ lệ doanh nghiệp có chi trả chi phí không chính thức trong thực hiện TTHC về đất đai giảm đến 36,51%. Với nhiều nỗ lực, An Giang đẩy mạnh cải cách hành chính, giảm chi phí, thời gian cho người dân và doanh nghiệp. 76,04% cho rằng thời gian thực hiện TTHC được rút ngắn hơn. Đặc biệt, tỷ lệ doanh nghiệp bị thanh, kiểm tra từ 5 cuộc trở lên trong năm đã giảm. Số giờ trung vị cho mỗi cuộc làm việc với thanh tra, kiểm tra thuế đã giảm chỉ còn 4 giờ so 8 giờ của năm 2017.

Nhiều tồn tại cần khắc phục

Theo ông Phước, bên cạnh những đánh giá khả quan, còn một số đánh giá bi quan đối với các chỉ số này. Tỷ lệ doanh nghiệp cho rằng, không cần phải đi lại nhiều lần để hoàn tất các thủ tục chỉ còn 56,12% trong năm 2018 (giảm 6,24%). Chỉ có 61% cho rằng thủ tục giấy tờ đơn giản (giảm 2,74%). Tỷ lệ doanh nghiệp phải chi hơn 10% doanh thu cho các loại chi phí không chính thức tăng đến 8%. Ngoài ra, 56,52% cho rằng các doanh nghiệp cùng ngành thường phải trả thêm các khoản chi phí không chính thức và 73,61% doanh nghiệp cho rằng, công việc chỉ đạt được kết quả mong đợi sau khi đã trả chi phí không chính thức.

Một số chỉ tiêu cần phải khắc phục liên quan chỉ số chi phí gia nhập thị trường, đặc biệt là cán bộ tại “Bộ phận một cửa các cấp”: cán bộ hướng dẫn rõ ràng, đầy đủ giảm 24,24%; am hiểu chuyên môn giảm 36,08%; nhiệt tình, thân thiện giảm 11,74% và ứng dụng tốt công nghệ thông tin giảm 71,52%. Về tính minh bạch và khả năng tiếp cận thông tin, An Giang xếp 39/63 tỉnh, thành phố trong cả nước và xếp thứ 6/13 tỉnh, thành phố vùng ĐBSCL. 73,33% doanh nghiệp cho rằng, cần có “mối quan hệ” để có được các tài liệu của tỉnh; 57,32% doanh nghiệp cho rằng “thỏa thuận” khoản thuế phải nộp với cán bộ thuế là công việc quan trọng.

Người dân và doanh nghiệp đánh giá rất cao tính năng động, sáng tạo và tiên phong của lãnh đạo trong giải quyết vấn đề mới phát sinh, nhất là vướng mắc, khó khăn của doanh nghiệp được tỉnh tháo gỡ kịp thời thông qua đối thoại. UBND tỉnh vận dụng pháp luật linh hoạt nhằm tạo môi trường kinh doanh thuận lợi cho doanh nghiệp khu vực kinh tế tư nhân. 54,02% cho rằng thái độ của chính quyền tỉnh đối với doanh nghiệp khu vực kinh tế tư nhân là tích cực.

Năm 2019, tỉnh tiếp tục phương châm “Lấy lợi ích của người dân, doanh nghiệp làm mục tiêu, định hướng trong quá trình hoạt động; lấy sự hài lòng của tổ chức cá nhân và doanh nghiệp làm thước đo sự thành công”. “Tỉnh đang tập trung phân tích chỉ số PCI 2018 và đề xuất nhiệm vụ giải pháp 2019, đẩy mạnh khai thác môi trường kinh doanh, tích cực làm việc với cộng đồng doanh nghiệp, đối tác. Từ đó có những cải thiện và cách làm sáng tạo, để nâng cao chỉ số CPI của tỉnh tăng bậc trong năm 2019”- ông Phước cho biết.

HẠNH CHÂU