Xây dựng thiết chế VH-TT ở cơ sở đóng vai trò quan trọng, góp phần nâng cao đời sống văn hóa tinh thần cho nhân dân, đồng thời góp phần xây dựng văn hóa nông thôn mới (NTM) hiện nay. Thực hiện chỉ thị, nghị quyết của Đảng, nhà nước, những năm qua, việc xây dựng các thiết chế văn hóa cơ sở trên địa bàn tỉnh đã được quan tâm, đầu tư xây dựng.
Đến nay, 11/11 huyện, thị xã, thành phố ở An Giang có trung tâm VH-TT. Nhiều huyện, xã đã tích cực triển khai chính sách hỗ trợ xây dựng và huy động xã hội hóa từ nhân dân, doanh nghiệp, tổ chức để xây dựng cơ sở vật chất và mua sắm phương tiện hoạt động văn hóa. Hệ thống thiết chế VH-TT các cấp, nhất là ở khóm, ấp, tổ dân phố góp phần quan trọng trong việc đáp ứng nhu cầu giao lưu, sinh hoạt, hưởng thụ văn hóa tinh thần của người dân, tạo diện mạo mới ở khu dân cư, nâng cao chất lượng phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” địa phương.
TP. Châu Đốc là địa phương được Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch An Giang đánh giá cao về hiệu quả hoạt động của các thiết chế VH-TT cơ sở. Thời gian qua, công tác triển khai thực hiện nội dung tiêu chí văn hóa đã từng bước thay đổi, cơ sở vật chất ngày càng hoàn thiện, góp phần nâng cao tiêu chí trong Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM tại địa phương. Những năm gần đây, địa phương đầu tư trang thiết bị góp phần đẩy mạnh công tác tuyên truyền chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của nhà nước đến với nhân dân, phục vụ các sự kiện chính trị, nâng cao phong trào VH-TT tại địa phương.

Thi đấu kéo co. Ảnh: TRUNG HIẾU (Ảnh chụp trước khi giãn cách xã hội)
Phó Giám đốc Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch An Giang Trương Bá Trạng cho biết, nhìn chung hệ thống thiết chế VH-TT cơ sở trên địa bàn tỉnh đã và đang phát huy công năng sử dụng; phục vụ tốt nhiệm vụ chính trị của địa phương; đáp ứng nhu cầu sinh hoạt và nâng cao đời sống văn hóa tinh thần cho nhân dân; tạo môi trường văn hóa lành mạnh. Từ đó, thúc đẩy phong trào văn hóa - văn nghệ, thể dục - thể thao phát triển; đóng góp cho sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh trong tình hình mới. Việc nâng cao chất lượng, hiệu quả của hệ thống thiết chế VH-TT tại cơ sở đã đáp ứng nhu cầu sáng tạo, hưởng thụ của người dân; từng bước khắc phục tình trạng chênh lệch về mức hưởng thụ VH-TT giữa các địa phương; tạo nền tảng xây dựng đời sống văn hóa cơ sở, xây dựng NTM.
Bên cạnh đó, chất lượng tổ chức các hoạt động VH-TT cơ sở ở tỉnh An Giang có sự phát triển vượt bậc, nội dung và hình thức tổ chức hoạt động thường xuyên được đổi mới, góp phần làm phong phú và nâng cao đời sống văn hóa, tinh thần cho người dân. Phong trào văn nghệ, thể thao quần chúng phát triển rộng khắp, phục vụ có hiệu quả ngày lễ kỷ niệm, nhiệm vụ chính trị của địa phương và việc rèn luyện, nâng cao thể chất, tinh thần của nhân dân. Tuy nhiên, bên cạnh kết quả đạt được thì vẫn còn tồn tại những khó khăn, hạn chế, như: nhà văn hóa, trang thiết bị hoạt động, khánh tiết, quy mô chỗ ngồi, công trình phụ trợ… ở một số địa phương đã lạc hậu, quy mô nhỏ, không đáp ứng nhu cầu tổ chức hoạt động.

Ảnh: THANH HÙNG (Ảnh chụp trước khi giãn cách xã hội)
Để tiếp tục phát huy hiệu quả hoạt động của hệ thống thiết chế VH-TT cơ sở, thời gian tới, ngành Văn hóa - Thể thao và Du lịch An Giang phối hợp các ngành, địa phương, tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền để nâng cao nhận thức của cấp ủy Đảng, chính quyền, MTTQ, các ban, ngành, đoàn thể và nhân dân về vai trò, vị trí của việc xây dựng thiết chế, đời sống VH-TT cơ sở. Đưa mục tiêu xây dựng, nâng cao hiệu quả hoạt động của hệ thống thiết chế VH-TT ở cơ sở vào nghị quyết Đảng, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, nhằm tập trung nguồn lực, tăng cường công tác lãnh, chỉ đạo triển khai thực hiện. Tăng cường vai trò quản lý nhà nước về xây dựng, quản lý và sử dụng thiết chế VH-TT cơ sở.
Ngành Văn hóa - Thể thao và Du lịch An Giang còn chú trọng đổi mới nội dung, phương thức hoạt động tại các thiết chế VH-TT ở cơ sở; gắn nội dung hoạt động với nhiệm vụ chính trị của từng địa phương và lợi ích của cộng đồng, khu dân cư. Đẩy mạnh hoạt động xã hội hóa văn hóa, thực hiện cơ chế “nhà nước và nhân dân cùng làm” đối với việc xây dựng và tổ chức các hoạt động tại thiết chế VH-TT ở cơ sở. Động viên, khuyến khích người dân hiến đất, hiến tài sản, góp sức xây dựng thiết chế VH-TT và tham gia tổ chức các hoạt động văn hóa - văn nghệ, thể dục - thể thao. Qua đó, góp phần nâng cao chất lượng phong trào văn hóa cơ sở, xây dựng môi trường văn hóa phong phú, lành mạnh, giàu bản sắc dân tộc, tạo động lực thúc đẩy phát triển bền vững.
MINH THƯ