Mỗi người dân là một chiến sĩ
Từ khi đợt dịch lần thứ 4 bùng phát, công tác phòng, chống dịch COVID-19 được các cấp ủy Đảng, chính quyền từ tỉnh đến cơ sở xác định là nhiệm vụ hàng đầu, nhất là công tác kiểm tra, kiểm soát dịch bệnh; thực hiện nghiêm túc, triệt để công tác phòng, chống dịch bệnh; xác định mỗi người dân là trung tâm, là chủ thể trong phòng, chống dịch; xã, phường, thị trấn là “pháo đài”, mỗi người dân là “chiến sĩ”.
Lãnh đạo địa phương, nhất là cấp cơ sở quán triệt sâu sắc, thấm nhuần tinh thần chỉ đạo, tổ chức thực hiện nghiêm quy định tại Nghị quyết 86/NQ-CP, văn bản chỉ đạo của Trung ương, tỉnh và địa phương. Các cấp, ngành, địa phương đẩy mạnh công tác tuyên truyền trên phương tiện thông tin đại chúng, băng-rôn, áp-phích… để tuyên truyền, nâng cao nhận thức người dân về phòng dịch vẫn là chính, là cơ bản, chiến lược, lâu dài; tuyệt đối không lơ là, chủ quan, mất cảnh giác.
Đặc biệt, hệ thống phát thanh, cơ quan báo chí trong tỉnh tăng cường đăng tải những bài viết, thông tin kịp thời liên quan đến tình hình dịch bệnh; các biện pháp cấp bách về phòng, chống dịch trên địa bàn tỉnh; kịp thời tuyên truyền nội dung các văn bản chỉ đạo của Chính phủ, Bộ Y tế, của tỉnh, huyện đến với đông đảo người dân. Đồng thời, khuyến cáo người dân hạn chế tối đa việc đi đến vùng có dịch nếu không thật sự cần thiết; vận động người thân không di chuyển từ các vùng có dịch về địa phương theo tinh thần “ai ở đâu ở đó”.
MTTQ, đoàn thể chính trị - xã hội, tổ chức xã hội, hiệp hội, hội đồng hương, tổ chức tôn giáo… vận động, thuyết phục và kêu gọi người dân kiên trì hưởng ứng “ai ở đâu ở đó”; có biện pháp tuyên truyền phù hợp, hiệu quả để người dân hiểu công tác phòng, chống dịch là trách nhiệm, nghĩa vụ và quyền lợi của mỗi người dân, tự giác bảo vệ cho mình, cho gia đình, góp phần bảo vệ cộng đồng.
Phóng viên tham gia tuyên truyền các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19
Ông Bùi Tuấn Kiệt (ngụ phường Mỹ Xuyên, TP. Long Xuyên) chia sẻ: “Qua hệ thống loa phát thanh của phường, xem báo, đài, tôi hiểu trước tình hình dịch bệnh như hiện nay, phòng dịch tốt nhất là nhà ai nấy ở, chỉ đi ra ngoài khi thật sự cần thiết và tuân thủ thông điệp “5K”, phải thể hiện vai trò “mỗi người dân là một chiến sĩ” trong cuộc chiến chống “giặc COVID-19” này”.
Thực hiện tốt thông điệp “5K”, “5T”
Với phương châm “đi từng ngõ, gõ từng nhà, rà từng đối tượng”, lực lượng chức năng từ tỉnh đến cơ sở đã huy động mọi nguồn lực, nhanh chóng xác định cụ thể từng trường hợp tiếp xúc trực tiếp và gián tiếp với người bệnh, ngăn chặn sự lây lan ra cộng đồng.
Nhiều cán bộ, chiến sĩ, đội ngũ y, bác sĩ không quản ngại khó khăn, thức thâu đêm để khoanh vùng, dập dịch, thực hiện nhiều biện pháp sàng lọc, truy vết, phong tỏa, chữa trị, lập chốt... với quyết tâm chiến thắng dịch COVID-19. Những nỗ lực đó được xã hội ghi nhận, ủng hộ, người dân đồng lòng, đồng hành làm theo hướng dẫn của cơ quan chuyên môn và chính quyền địa phương.
Tuy nhiên, tâm lý chủ quan, lơ là vẫn tồn tại ở một bộ phận người dân thiếu ý thức. Họ phản ứng, bất hợp tác, không chấp hành nghiêm khuyến cáo của chính quyền, cố tình vi phạm, như: khai gian trong hồ sơ khai báo y tế, trốn cách ly, tụ tập đông người. Một bộ phận người dân vẫn ra đường khi không cần thiết, không đeo khẩu trang… điều này gây rất nhiều áp lực cho công tác phòng, chống dịch. Đó là một thực tế đáng suy ngẫm và lên án.
Bà Nguyễn Thị Điệp (ngụ phường Mỹ Long, TP. Long Xuyên, tỉnh An Giang) cho biết: “Tôi mong người dân hãy nâng cao ý thức phòng, chống dịch, hạn chế ra đường để dịch bệnh sớm được đẩy lùi, trả lại cuộc sống bình thường mới cho mọi người”.
Để công tác phòng, chống dịch đạt hiệu quả cao nhất và giữ vững thành quả chống dịch đã đạt được, phụ thuộc chủ yếu vào ý thức và hành động của mỗi người chúng ta. Theo đó, người dân cần thực hiện tốt thông điệp “5K”, “5T” theo khuyến cáo của Bộ Y tế, đồng thời hãy là tuyên truyền viên tích cực, nhắc nhở người xung quanh cùng thực hiện biện pháp phòng, chống dịch, sẵn sàng nhắc nhở ngay khi có người xung quanh chưa thực hiện nghiêm; có chế độ sinh hoạt lành mạnh giúp nâng cao sức đề kháng của cơ thể; tuyệt đối không được lơ là, chủ quan, nhưng cũng không quá hoang mang, gây mất an ninh trật tự.
“Để phòng, chống dịch COVID-19 hiệu quả, các cấp ủy Đảng, ngành, địa phương cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao ý thức người dân tuân thủ nghiêm thông điệp “5K” (khẩu trang - khử khuẩn - khoảng cách - không tập trung - khai báo y tế) và “5T” (thực phẩm đủ tại nhà - thầy, thuốc đến tại gia - test COVID tất cả - tiêm chủng tại phường, xã). Việc thực hiện nghiêm “5K” và “5T” chính là cụ thể hóa quan điểm của Thủ tướng Chính phủ về lấy xã, phường, thị trấn làm “pháo đài”, người dân là trung tâm, chủ thể để phòng, chống dịch từ sớm, từ xa, từ cơ sở” - Chủ tịch UBND tỉnh An Giang Nguyễn Thanh Bình yêu cầu.
|
THU THẢO