Bữa ăn ca của công nhân
Công ty Cổ phần thực phẩm Hưng Phúc Thịnh hiện có trên 500 công nhân, tổ chức bữa ăn ca tại chỗ. Phó Tổng giám đốc, Chủ tịch CĐCS Bùi Thế Trang thông tin, từ năm 2016 đến nay, công ty có 3 lần tăng giá trị suất ăn giữa ca cho NLĐ, lần lượt 13.000 đồng (năm 2016) lên 16.000 đồng (năm 2022) và hiện nay 18.000 đồng/suất/người theo yêu cầu của LĐLĐ tỉnh.
Dù DN đang gặp khó khăn, nhưng việc đảm bảo sức khỏe và năng suất làm việc của công nhân được ưu tiên hơn hết. Để cân bằng bài toán kinh phí, công ty tiết kiệm tối đa tiêu thụ điện, văn phòng phẩm, chi phí nhiên liệu khác…
Bữa ăn ca tại công ty được tổ chức hàng ngày, từ thứ 2 đến thứ 7. Đầu bếp được khám sức khỏe định kỳ, đào tạo an toàn vệ sinh thực phẩm. Bếp ăn chia khu vực riêng chứa thực phẩm chín và sống, cách bày trí, quy trình thực hiện đảm bảo theo quy định. Là DN mới thành lập, cơ sở vật chất đang trong quá trình cải tạo, sửa chữa. Công ty đã bố trí không gian để sau giờ làm việc công nhân có nơi ăn uống và nghỉ ngơi thoải mái, tự nhiên, phục hồi sức khỏe một cách tốt nhất.
Chị Kim Loan (công nhân làm việc tại công ty) cho biết, nhà chị cách xưởng làm việc không xa, tiết kiệm được khoản chi phí đáng kể. Chị Loan và các công nhân đều hài lòng với bữa ăn ca, vừa no bụng, vừa ngon miệng. Hàng ngày, thực đơn các món ăn thay đổi phong phú, đảm bảo có đủ món mặn, canh, xào với nhiều rau xanh… Điều an tâm hơn nữa là trong giai đoạn khó khăn, công ty vẫn duy trì việc làm ổn định cho công nhân và đảm bảo các quyền lợi khác.
“Thời gian qua, CĐCS có rất nhiều thuận lợi khi được LĐLĐ TP. Long Xuyên tạo điều kiện hoạt động để chăm lo cho NLĐ về tinh thần, vật chất. Phương châm hướng về cơ sở được thể hiện khi công đoàn thành phố có sự kết nối, hỗ trợ kịp thời các quyền lợi của đoàn viên. Nhiều mô hình thiết thực được đưa vào môi trường DN, như: “3 An”; tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật; thí điểm an toàn vệ sinh lao động trên nền tảng số; tạo điều kiện và hướng dẫn CĐCS thực hiện thủ tục để NLĐ tiếp cận các chính sách của cấp trên nhằm giảm bớt khó khăn…” - ông Bùi Thế Trang chia sẻ.
Đến tháng 10/2023, có 13/94 CĐCS DN có tổ chức bữa ăn giữa ca tập trung cho NLĐ. 81/94 DN còn lại thỏa thuận hỗ trợ tiền ăn vào lương hàng tháng, suất tiền ăn thấp nhất 20.000 đồng/người và cao nhất 50.000 đồng/người. Từ tháng 6 đến nay, có 4 DN tiếp tục tăng suất ăn ca cho NLĐ.
Cụ thể, Công ty TNHH MTV Firstex An Giang tăng từ 16.000 đồng/suất lên 18.000 đồng/suất; Công ty Cổ phần Xây dựng Bách Khoa tăng từ 20.000 đồng/suất lên 25.000 đồng/suất; Công ty TNHH Angimex Kitoku tăng từ 30.000 đồng/suất lên 50.000 đồng/suất; Công ty TNHH đông dược Xuân Quang tăng từ 23.000 đồng/suất lên 25.000 đồng/suất.
Để công đoàn thể hiện rõ nét vai trò ở cơ sở, càng có nhiều quyền lợi cho đoàn viên, LĐLĐ TP. Long Xuyên triển khai, hướng dẫn DN thực hiện nghiêm túc xây dựng thỏa ước lao động tập thể. Đồng thời, yêu cầu các DN thực hiện tốt việc đối thoại tại nơi làm việc, tổ chức hội nghị NLĐ để trao đổi trực tiếp giữa người sử dụng lao động và NLĐ hoặc đại diện tập thể lao động với người sử dụng lao động. Hiện, có 81 DN tổ chức hội nghị NLĐ; 101 cuộc đối thoại giữa DN với NLĐ được tổ chức định kỳ hoặc đột xuất (đạt 140% chỉ tiêu được giao).
Phó Chủ tịch LĐLĐ TP. Long Xuyên Nguyễn Thị Thu Cúc cho hay, kết quả trong năm có 8 DN có tổ chức công đoàn thực hiện xây dựng thỏa ước lao động tập thể ký mới, đạt tỷ lệ 333% so chỉ tiêu tỉnh giao, nâng tổng số hiện có 80 DN có tổ chức công đoàn xây dựng thỏa ước lao động tập thể. DN có tổ chức công đoàn tổ chức thương lượng, ký kết thỏa ước lao động tập thể đã phát sinh nhiều điều khoản quy định có lợi hơn cho NLĐ so quy định của pháp luật. Qua đánh giá thỏa ước lao động đạt loại A chiếm tỷ lệ 35%, loại B chiếm tỷ lệ 53,75%.
Bên cạnh những mô hình hiệu quả trước đây, hoạt động công đoàn có thêm nhiều mô hình mới thiết thực đáp ứng được yêu cầu, nguyện vọng của NLĐ. Điển hình từ năm 2022 triển khai mô hình “3 An” trong CĐCS DN có đông lao động, tình hình nhạy cảm, phức tạp. Mô hình được đánh giá có hiệu quả, đem lại lợi ích cho cả người sử dụng lao động và NLĐ. LĐLĐ đã triển khai thực hiện mô hình ở 7 DN lớn với hơn 10.000 lao động và tiếp tục triển khai ở nhiều DN vừa và nhỏ.
Hoạt động CĐCS là DN được Ban Thường vụ LĐLĐ TP. Long Xuyên đánh giá có nhiều mặt thuận lợi. Việc chăm lo đời sống tinh thần NLĐ từng bước được lãnh đạo DN quan tâm, thể hiện qua việc tạo điều kiện để CĐCS, công nhân lao động tham gia, hưởng ứng. Ngoài kinh phí hoạt động của LĐLĐ thành phố, nguồn xã hội hóa từ hỗ trợ tự nguyện của phía DN và CĐCS đã giúp cho công đoàn thành phố thực hiện tốt vai trò, chức năng của mình, đặc biệt thực hiện tốt các hoạt động chăm lo Tết, Tháng công nhân, ngày hội công nhân…
MỸ HẠNH