Phó Chủ tịch nước Võ Thị Ánh Xuân đón và tặng hoa Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc tại sân bay quốc tế Nội Bài (Hà Nội). Ảnh: Nguyễn Điệp/TTXVN
Chuyến thăm diễn ra trong bối cảnh Việt Nam và Cuba bước sang giai đoạn phát triển mới sau khi tổ chức thành công Đại hội Đảng. Trong khi đó, tình hình thế giới tiếp tục diễn biến rất phức tạp, nhu cầu hợp tác quốc tế về phòng, chống dịch COVID-19 và phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội ngày càng cấp thiết, đặt ra nhiều thách thức lớn, cũng như yêu cầu mới đối với LHQ và các tổ chức, diễn đàn đa phương. Trong bối cảnh đó, chuyến công tác của đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam do Chủ tịch nước dẫn đầu có ý nghĩa sâu sắc, đạt được tất cả mục tiêu đề ra và mang lại kết quả hết sức tốt đẹp, toàn diện, góp phần nâng cao uy tín và vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế.
Chuyến thăm Cuba của người đứng đầu nhà nước là sự khẳng định tình đoàn kết thủy chung, ủng hộ lẫn nhau, hợp tác toàn diện cả qua đối ngoại Đảng, ngoại giao nhà nước và đối ngoại nhân dân giữa Việt Nam và Cuba.
Hai nước đã ra Tuyên bố chung cấp cao với nội dung toàn diện, ký kế hoạch hành động triển khai Chương trình nghị sự kinh tế 2021-2025 và nhiều văn kiện, thỏa thuận hợp tác về nông nghiệp, y tế, tư pháp, thông tin truyền thông, năng lượng, du lịch… Nổi bật nhất là dù nguồn vaccine trong nước chưa đủ cho toàn dân, nhưng Cuba đã cam kết cung cấp 10 triệu liều vaccine Abdala và chuyển giao công nghệ sản xuất cho Việt Nam, trước mắt giao ngay 1 triệu liều vaccine trong chuyến thăm. Đảng, nhà nước và nhân dân Việt Nam dù còn không ít khó khăn, nhưng đã tặng nhân dân Cuba 23.000 tấn gạo từ khi dịch COVID-19 bùng phát, riêng trong chuyến thăm này tặng 6.000 tấn gạo cùng một số thiết bị, vật tư y tế, giống bắp lai, máy tính…
Trong hơn 3 ngày ở New York dự Phiên họp cấp cao khóa 76 Đại hội đồng LHQ, Chủ tịch nước đã gặp gỡ hơn 30 nguyên thủ, người đứng đầu Chính phủ các nước và các tổ chức quốc tế lớn, như: LHQ, WB, IMF cùng với khoảng 20 cuộc gặp, trao đổi với gần 50 tập đoàn hàng đầu thế giới. Lãnh đạo các ban Đảng, bộ, ngành Trung ương trong đoàn cũng chủ động, tích cực gặp gỡ lãnh đạo các đối tác liên quan, góp phần tích cực củng cố cục diện đối ngoại vững chắc, ổn định và thuận lợi cho giữ vững hòa bình, ổn định và phát triển đất nước.
Chúng ta tiếp tục khẳng định mạnh mẽ, rõ ràng với bạn bè quốc tế về nước Việt Nam yêu chuộng hòa bình, khát vọng phát triển và vươn lên, có trách nhiệm, đóng góp tích cực vào xây dựng các vấn đề hòa bình, an ninh và phát triển trên thế giới, đặc biệt là phòng, chống dịch COVID-19 và phục hồi, phát triển bền vững trong và sau đại dịch.
Thế nhưng, trên một vài diễn đàn chống phá, trước và trong chuyến công tác của Chủ tịch nước xuất hiện không ít những thông tin xuyên tạc về chủ trương, đường lối của Đảng và nhà nước Việt Nam, trong đó có chính sách đối ngoại. Các thế lực thù địch và các phần tử chống đối, cơ hội đã tung nhiều thông tin sai lệch, ra sức công kích, xuyên tạc đường lối, chính sách đối ngoại đa phương hóa của Đảng và nhà nước. Xuyên tạc mối quan hệ giữa Việt Nam với các nước, nhất là mối quan hệ của Việt Nam với Hoa Kỳ. Chúng rêu rao: “Chuyến đi của ông Phúc sẽ cho thấy Việt Nam đi dây như thế nào…?”; “ông Phúc xuất hiện, LHQ vắng như chùa bà đanh”… Những luận điệu này thể hiện sự xuyên tạc trắng trợn, một thái độ và cái nhìn thiếu thiện chí, méo mó, sai lệch và thù địch đối với các chủ trương, chính sách của Đảng, nhà nước; chống phá đường lối, chính sách đối ngoại độc lập, tự chủ của Đảng và nhà nước.
Việt Nam là bạn, đối tác tin cậy và là thành viên tích cực, có trách nhiệm trong cộng đồng quốc tế và trên thực tế, chúng ta đã và đang thúc đẩy quan hệ với tất cả các nước lớn cũng như với các tổ chức trên thế giới. Chúng ta chủ động tham gia các cơ chế, diễn đàn khu vực và toàn cầu để vừa thích ứng với các trào lưu, xu thế chung của thế giới, vừa phục vụ một cách tốt nhất các lợi ích quốc gia - dân tộc. Việt Nam có quan hệ ngoại giao với 189/193 nước thành viên của LHQ, trong đó đã thiết lập quan hệ đối tác chiến lược với 17 nước và đối tác toàn diện với 13 nước; là quốc gia có vị thế, vai trò quan trọng trong ASEAN và các tổ chức quốc tế khác mà Việt Nam là thành viên; lần thứ 2 trúng cử thành viên không thường trực Hội đồng Bảo an LHQ với số phiếu kỷ lục…
Sự chống phá đó đặc biệt nguy hiểm, nhất là trong bối cảnh hiện nay khi Việt Nam đang đẩy mạnh quan hệ với các nước trên thế giới, hội nhập ngày càng chủ động, tích cực và sâu rộng vào đời sống chính trị quốc tế. Dù chỉ là những chiêu trò dơ bẩn, lạc lõng, nhưng những luận điệu này có thể gây nhiễu loạn thông tin, khiến một bộ phận người dân cả tin hoang mang, dao động, từ đó suy giảm niềm tin vào đường lối, chính sách đối ngoại của Đảng và nhà nước, gây khó khăn cho Việt Nam trong các hoạt động đối ngoại và xử lý các mối quan hệ quốc tế.
Để có thể đập tan và trở nên “miễn nhiễm” với những thông tin xuyên tạc, rất cần sự nhận thức đúng đắn của mỗi người dân cũng như toàn xã hội.
Kết quả chuyến công tác lần này của Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc và đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam một lần nữa khẳng định đường lối đối ngoại đúng đắn của Đảng và nhà nước, được Đại hội XIII của Đảng đã xác định: độc lập, tự chủ vì hòa bình, hữu nghị, hợp tác và phát triển, đa phương hóa, đa dạng hóa và hội nhập quốc tế toàn diện và sâu rộng.
H.C