Nâng cao ý thức người dân "Đã uống rượu, bia thì không lái xe"

19/03/2024 - 22:21

 - Việc điều khiển phương tiện giao thông khi đã uống rượu, bia là một trong những nguyên nhân chủ yếu dẫn đến tai nạn giao thông (TNGT). Sau thời gian các cơ quan chức năng đẩy mạnh công tác tuyên truyền, tăng cường tuần tra, kiểm soát, kiên quyết xử lý nghiêm đối với các trường hợp vi phạm, ý thức của người dân "Đã uống rượu, bia thì không lái xe" được nâng lên rõ rệt.

Thói quen uống bia, rượu đã trở thành tập tục từ lâu của nhiều người, thậm chí là một phần trong nét văn hóa ẩm thực. Đã uống bia, rượu, rồi điều khiển phương tiện giao thông, vi phạm quy định pháp luật, tiềm ẩn, gián tiếp hoặc trực tiếp nguy cơ gây TNGT cho bản thân và người khác. Thay đổi một thói quen lâu ngày và từng được một bộ phận số đông thừa nhận là rất khó, nhưng để hình thành thói quen mới "Đã uống rượu, bia thì không lái xe" còn khó hơn nhiều.

Thời gian qua, các cơ quan chức năng đã vào cuộc rất quyết liệt, thường xuyên tổ chức các đợt tuần tra, kiểm soát cố định và lưu động trên các tuyến đường về trật tự an toàn giao thông (ATGT). Trong đó, tập trung kiểm tra nồng độ cồn của người điều khiển phương tiện tham gia giao thông. Cùng với đó, việc kiên quyết xử phạt hành chính, không có “vùng cấm” với đối tượng vi phạm đã và đang lan tỏa tích cực, được dư luận ủng hộ. Từ đó, ý thức chấp hành pháp luật về trật tự ATGT của người dân có nhiều chuyển biến tích cực, đúng với thông điệp “Đã uống rượu, bia thì không lái xe”.

Cảnh sát giao thông kiểm tra, xử lý vi phạm quy định về nồng độ cồn. Ảnh: KHÁNH HƯNG

Ông Lê Thanh Nhàn (huyện Phú Tân, tỉnh An Giang) chia sẻ: “Theo quan sát của tôi, ý thức người tham gia giao thông có nhiều thay đổi theo hướng tích cực, nhất là việc chấp hành nghiêm quy định về nồng độ cồn. Qua nghe báo, đài tuyên truyền mức xử phạt hành chính về vi phạm giao thông, nhất là vi phạm quy định về nồng độ cồn, tôi luôn chấp hành nghiêm các quy định về ATGT. Dịp Tết Nguyên đán Giáp Thìn vừa qua, xác định đi chúc Tết là sẽ có uống rượu, bia nên tôi để người thân chở đi cho an toàn. Tôi vận động người thân, bạn bè, bà con hàng xóm cùng chấp hành nghiêm pháp luật về giao thông, đảm bảo an toàn cho bản thân và người cùng tham gia giao thông”.

Anh Trần Văn Khoa (huyện Châu Phú, tỉnh An Giang) chia sẻ: “Đa số mọi người chấp hành khá tốt việc “Đã uống uống rượu, bia thì không lái xe". Riêng bản thân tôi, khi dự tiệc hay đám cưới, nếu ở gần thì tôi đi bộ, nếu chạy xe đi xa, tôi chỉ uống nước lọc. Còn có sử dụng rượu, bia thì tôi điện thoại nhờ người nhà đến đón, vừa đảm bảo an toàn, vừa tránh bị xử phạt do vi phạm nồng độ cồn”.

Anh Nguyễn Trung Kiên (chủ nhà hàng ở TP. Long Xuyên, tỉnh An Giang) cho biết: “Nhà hàng mới hoạt động trở lại gần 1 năm nay. Với mong muốn khách đến nhà hàng được ăn ngon và an toàn khi trở về, chúng tôi kết nối với các hãng taxi đưa, đón. Trường hợp khách đã có phương tiện (như xe máy, ôtô), chúng tôi nhận giữ miễn phí qua đêm, đồng thời cử nhân viên đưa về bằng phương tiện sẵn có của nhà hàng” - anh Kiên chia sẻ.

Là chủ doanh nghiệp xây dựng ở TP. Long Xuyên, anh Phạm Tấn An  thường xuyên có những cuộc gặp gỡ, giao lưu với đối tác và sau đó, việc sử dụng bia, rượu là khó tránh khỏi. Thời gian gần đây, sau cuộc nhậu, anh An gọi taxi hoặc dịch vụ lái xe hộ để về nhà an toàn. “Thời gian đầu, khi cảnh sát giao thông mạnh tay xử lý nồng độ cồn, tôi thấy có phần bất tiện, nhất là khi tiếp khách, nhưng rồi cũng quen. Bây giờ, mỗi khi uống rượu, bia, tôi không dám tự chạy xe nữa, mà phải có người chở về, bản thân thấy yên tâm, mà vợ con cũng vui vẻ ủng hộ” - anh An chia sẻ.

Cũng lựa chọn dịch vụ taxi di chuyển sau mỗi lần đã sử dụng bia, rượu, anh Dương Minh Tân (TP. Long Xuyên) cho rằng: "Khi đã có cồn trong người thì khó đảm bảo được các hành vi của mình. Việc lái xe khi đã uống bia, rượu không chỉ nguy hiểm cho bản thân mình, mà còn cho cả những người tham gia giao thông khác”.

Bên cạnh sự vào cuộc quyết liệt của các cơ quan chức năng, bản thân mỗi người dân khi tham gia giao thông cần nâng cao ý thức, không điều khiển phương tiện giao thông sau khi sử dụng rượu, bia vẫn là quan trọng nhất nhằm từng bước hình thành thói quen “Đã uống rượu, bia thì không lái xe”... Từ đó, nâng cao ý thức, hành động của người tham gia giao thông, hạn chế TNGT xảy ra do sử dụng rượu, bia, góp phần đảm bảo trật tự ATGT.

TRỌNG TÍN