Nâng cao ý thức người dân khi tham gia giao thông

02/01/2023 - 07:32

 - Ý thức chấp hành pháp luật về an toàn giao thông (ATGT) của một bộ phận người dân chưa cao, luôn là một trong các nguyên nhân hàng đầu dẫn đến tai nạn giao thông (TNGT). Vì vậy, việc tự nâng cao ý thức chấp hành pháp luật, ứng xử văn hóa, nhường nhịn của mỗi người dân khi tham gia giao thông là giải pháp căn cơ nhất góp phần giảm thiểu TNGT.

Theo phân tích của cơ quan chức năng, ngoài nguyên nhân khách quan, (như: Kết cấu hạ tầng giao thông còn hạn chế, chưa được cải tạo nâng cấp thường xuyên, phương tiện giao thông không đảm bảo an toàn kỹ thuật, thời tiết xấu…) thì nguyên nhân chính trực tiếp dẫn đến TNGT vẫn do ý thức chấp hành pháp luật của người dân chưa cao.

Người điều khiển phương tiện tham gia giao thông sau khi đã sử dụng rượu, bia quá nồng độ quy định, phóng nhanh, vượt ẩu, lạng lách, đánh võng, lấn làn, chuyển hướng tùy tiện, không đội nón bảo hiểm khi ngồi trên xe gắn máy, vượt đèn đỏ, đi ngược chiều, trẻ em chưa đủ tuổi tham gia điều khiển phương tiện giao thông…

Từ đầu năm đến nay, toàn tỉnh An Giang xảy ra 53 vụ, làm chết 47 người, bị thương 9 người. So với cùng kỳ năm 2021, tăng 19 vụ, tăng 16 người chết, tăng 3 người bị thương.

Điển hình, một trong những lỗi về ý thức chấp hành pháp luật ATGT là không chấp hành đèn tín hiệu giao thông. Đây là thiết bị quan trọng giúp giảm ùn tắc giao thông vào giờ cao điểm.

Việc chấp hành nguyên tắc hoạt động của chốt đèn thể hiện thái độ ứng xử văn hóa và ý thức cơ bản của người tham gia giao thông. Thế nhưng, vẫn có nhiều trường hợp thấy đèn vàng đã bật lên, nhưng cố gắng tăng tốc, thậm chí vượt đèn đỏ gây nguy hiểm cho bản thân và người khác.

Người dân tham gia giao thông

Anh Nguyễn Văn Hậu (ngụ TP. Long Xuyên) cho biết: “Tôi nhiều lần thấy người điều khiển xe gắn máy không chấp hành tín hiệu đèn. Có lần, 1 thanh niên vượt đèn đỏ, cũng may mắn là người qua đường chạy chậm và dừng lại kịp lúc, không thì đã xảy ra TNGT”.

Chị Lê Thị Thanh Thúy (ngụ TP. Long Xuyên) chia sẻ: “Tại ngã tư, xe máy luôn được rẽ phải. Tuy nhiên, nhiều người dừng xe không đúng làn đường, cản trở người cần rẽ phải nên mới xảy ra tình trạng ùn tắc xe, nhất là trong giờ cao điểm sáng, trưa và chiều. Các xe muốn rẽ phải bấm kèn liên tục, hoặc chạy lách tới lách lui rất nguy hiểm. Có người khi được nhắc nhở “đây là làn dành cho xe rẽ phải” thì bị cự cãi, lớn tiếng chửi lại”.

Hay, việc sử dụng đèn xi-nhan giúp người tham gia giao thông biết được người cùng lưu thông muốn rẽ hướng nào để nhường đường, phòng tránh tai nạn. Tuy nhiên, không ít người sử dụng đèn xi-nhan vô tội vạ. Có trường hợp rẽ trái, rẽ phải nhưng không bật đèn xi-nhan để xin đường. Đôi khi bật đèn xin rẽ trái, nhưng lại rẽ phải, sau đó quên tắt đèn; hoặc vừa bật đèn xi-nhan là băng qua đường ngay, làm cho người chạy phía sau rất khó xử lý, xảy ra va quẹt, tai nạn.

Anh Trần Trung Chánh (ngụ huyện Phú Tân) cho biết: “Tôi thấy nhiều người chưa biết cách sử dụng đèn xi-nhan. Có lần, tôi đang chạy cùng chiều thì người phía trước bất ngờ bật đèn xi-nhan rồi ngay lập tức rẽ qua đường. May là tôi chạy chậm, thắng kịp nhưng xém chút va quẹt với xe đó. Không nhận được lời xin lỗi, mà tôi còn bị “ăn chửi” là chạy xe không nhìn đường, không thấy đèn xi-nhan qua đường”.

Bên cạnh đó, dạo quanh các trường học, dễ thấy tình trạng phụ huynh không đội nón bảo hiểm cho con khi tham gia giao thông. Dù đã có quy định trẻ từ 6 tuổi trở lên khi ngồi trên xe gắn máy phải đội nón bảo hiểm, nhưng nhiều bậc phụ huynh vẫn thờ ơ, bất chấp nguy hiểm có thể xảy ra.

“Người lớn chở theo trẻ nhỏ mà chỉ đội nón bảo hiểm cho bản thân, còn các cháu thì không đội. Họ dường như chỉ quan tâm tới sự an toàn của mình, mà quên đi rằng, trẻ em mới là đối tượng dễ bị tổn thương, nếu xảy ra TNGT” - chị Nguyễn Thị Trúc Đào (ngụ TP. Long Xuyên) chia sẻ.

Trên đây chỉ là một số lỗi thường gặp, vi phạm pháp luật ATGT. Và đừng bao giờ xem nhẹ bất kỳ lỗi nào khi tham gia giao thông, dù là nhỏ nhất. Tết Nguyên đán Quý Mão 2023 đang đến gần, mật độ người và phương tiện lưu thông trên tuyến đường gia tăng. Vì vậy, mỗi người tham gia giao thông cần nâng cao ý thức trách nhiệm cao nhất về ATGT, chấp hành nghiêm luật giao thông.

Đặc biệt, khi tham gia giao thông cần kiên nhẫn, nhường nhịn, chú ý quan sát, đảm bảo an toàn. Đồng thời, xây dựng văn hóa giao thông chuẩn mực, góp phần đẩy lùi nỗi đau TNGT, giữ gìn cuộc sống an lành, hạnh phúc cho chính bản thân, gia đình, bạn bè, cộng đồng và toàn xã hội.

Từ đầu năm đến nay, lực lượng cảnh sát giao thông toàn tỉnh tổ chức 11.506 ca tuần tra kiểm soát, kiểm tra 77.393 phương tiện, phát hiện và lập biên bản 17.950 trường hợp vi phạm. Đã xử phạt 19.652 trường hợp, với số tiền 39,6 tỷ đồng; tước có thời hạn 3.136 giấy phép lái xe; phạt cảnh cáo 534 trường hợp; tạm đình chỉ 8.587 phương tiện.

 

TRỌNG TÍN