Nâng chất đời sống phụ nữ dân tộc thiểu số

29/12/2022 - 07:01

 - Là tỉnh đa dân tộc, đa tôn giáo, những năm qua, An Giang luôn quan tâm thực hiện các chương trình hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội, góp phần nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của người dân, trong đó có đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS).

Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) tỉnh An Giang Lê Bích Phượng cho biết, thực hiện đề án “Hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp giai đoạn 2017-2025” (Đề án 939), hội tổ chức 3 khóa đào tạo về nâng cao năng lực hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp trong định hướng, phát triển dịch vụ gắn với Chương trình OCOP (Chương trình mỗi xã một sản phẩm); nâng cao năng lực cho thành viên ban quản lý hợp tác xã, tổ hợp tác, có 130 chị tham dự; tổ chức ngày hội “Phụ nữ An Giang khởi nghiệp năm 2022”, 15 gian hàng trưng bày và bán sản phẩm đạt chuẩn OCOP, sản phẩm đặc trưng của tỉnh... Hội LHPN tỉnh tổ chức 9 điểm giao lưu đối thoại với 540 lượt phụ nữ nông thôn vùng DTTS, tôn giáo. Đồng thời, phát huy vai trò của phụ nữ DTTS, tôn giáo trong giữ gìn bản sắc dân tộc; nâng cao kiến thức về vấn đề gia đình, lao động việc làm, giảm nghèo, xóa nhà tạm, phát triển kinh tế.

Nhiều sản phẩm khởi nghiệp độc đáo trong đồng bào dân tộc

Hội phụ nữ các cấp đổi mới công tác tuyên truyền, vận động, hỗ trợ phụ nữ DTTS, tôn giáo xây dựng gia đình ấm no, hạnh phúc, tiến bộ, văn minh, trọng tâm là cuộc vận động xây dựng gia đình “5 không, 3 sạch”. Chủ động xây dựng chương trình, dự án trọng điểm vùng DTTS, tôn giáo, như: “Đồng hành cùng phụ nữ biên cương”, đề án hỗ trợ thông tin tuyên truyền về dân tộc, tôn giáo; xây dựng mô hình hỗ trợ sinh kế... nhằm tập trung nguồn lực cần thiết, huy động sự tham gia của các cấp, ngành và toàn xã hội trong nâng cao nhận thức, chất lượng đời sống và thúc đẩy sự phát triển của phụ nữ DTTS.

Đặc biệt, các cấp hội chú trọng, đầu tư đúng mức trong hoạt động hỗ trợ khởi nghiệp, phát triển kinh tế. Điển hình như thành lập “Tổ phụ nữ Giáo xứ Định Mỹ” (huyện Thoại Sơn), “Tổ phụ nữ Công giáo họ đạo Rạch Sâu” (huyện Chợ Mới), “Tổ phụ nữ Ban Chỉnh đạo” (TX. Tân Châu)...

Chủ tịch Hội LHPN xã An Cư (huyện Tịnh Biên) Lương Thị Hoàng Kim chia sẻ: “An Cư là xã thuộc vùng dân tộc nghèo đặc biệt khó khăn, đông đồng bào DTTS Khmer sinh sống, chiếm 76,6% dân số. Hội thành lập 3 mô hình phát triển kinh tế: Tín dụng tiết kiệm mua cổ phần (3 tổ với 78 thành viên, trong đó có 55 phụ nữ DTTS), mỗi năm tiết kiệm từ 200-250 triệu đồng, giúp hơn 60 lượt hội viên, phụ nữ. Mô hình “Giúp phụ nữ nghèo phát triển kinh tế” giúp 15-20 chị/năm, số tiền từ 3-5 triệu đồng/chị hỗ trợ buôn bán nhỏ, trồng trọt, chăn nuôi. Mô hình “Giúp phụ nữ khởi nghiệp”, vận động 10 triệu đồng/năm hỗ trợ mua bò. Ngoài ra, Chi hội Khuyến học hàng năm vận động nhà hảo tâm hỗ trợ từ 10-15 suất tiếp bước đến trường, trên 5.000 quyển tập và sách giáo khoa cho học sinh; mô hình góp gạo (từ 50-70kg/tháng) xét hỗ trợ 5kg/hội viên, phụ nữ khó khăn. Nhiều chị em hội viên DTTS trở thành tấm gương tiêu biểu trong xây dựng gia đình “No ấm, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc”, phát triển kinh tế, giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới…

Từ năm 2020 đến nay, tỉnh đầu tư dự án tuyến dân cư DTTS Chăm xã Đa Phước; dự án bố trí ổn định dân cư di dân tự do, thiên tai khu vực ấp Thạnh Phú, xã Khánh An (huyện An Phú) và dự án bố trí ổn định dân cư di dân tự do, thiên tai biên giới khu vực lộ 20, xã An Nông (huyện Tịnh Biên).

Tặng quà cán bộ, hội viên phụ nữ đồng bào dân tộc thiểu số Khmer

Đến nay, khu vực nông thôn tập trung đông đồng bào DTTS đã có bước chuyển mình rõ nét. 100% xã có đường ôtô đến trung tâm xã, ấp; 100% xã có trạm y tế, công trình thủy lợi, nhà bưu điện văn hóa, trạm truyền thanh, lưới điện quốc gia hoặc điện nông thôn (100% hộ có điện sinh hoạt); hộ sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh tăng (hơn 96%). Đến nay, các tuyến đường chính vùng DTTS đều được bê-tông, nhựa hóa, góp phần nâng cao sản xuất, tạo việc làm, cải thiện đời sống, giảm nghèo vùng đồng bào DTTS, góp phần đẩy nhanh tiến trình xây dựng nông thôn mới của tỉnh.

Phụ nữ DTTS luôn tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng, thực hiện tốt chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của nhà nước; tích cực hưởng ứng chương trình, phong trào hội, đóng góp không nhỏ vào sự phát triển của tổ chức hội và phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh của địa phương.

Theo kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021-2030, tỉnh phấn đấu nâng mức thu nhập bình quân của đồng bào DTTS tăng từ 2 lần so năm 2020; tỷ lệ hộ nghèo trong đồng bào DTTS mỗi năm giảm từ 3-4%/năm; phấn đấu 50% xã, ấp ra khỏi địa bàn đặc biệt khó khăn. Đẩy mạnh phát triển kinh tế, đảm bảo an sinh xã hội; giảm nghèo nhanh, bền vững, thu hẹp dần khoảng cách về mức sống, thu nhập của vùng đồng bào DTTS; phát triển toàn diện giáo dục và đào tạo, y tế, văn hóa...


HẠNH CHÂU