Năng lượng xanh

10/12/2018 - 07:23

 - Việc sử dụng năng lượng mặt trời đã giúp cho nhiều hộ gia đình ở huyện miền núi Tịnh Biên có được nguồn điện để phục vụ sinh hoạt hàng ngày. Từ việc thắp sáng, xem tivi, sạc điện thoại… đến sử dụng máy bơm nước trong nông nghiệp. Nhờ đó đời sống người dân được cải thiện, kinh tế gia đình ngày càng phát triển.

Khó khăn trong sử dụng điện

Với bà con ở nhiều xã thuộc huyện miền núi Tịnh Biên, điện lưới quốc gia là điều xa xỉ. Những đường dây điện nối chuyền từ nhà này sang nhà khác biến thành mối nguy hiểm mỗi mùa mưa bão. Đèn dầu trở thành hình ảnh quen thuộc với trẻ nhỏ khi học bài. Người dân tại đây không có điện để sinh hoạt mà chủ yếu sử dụng bình ắc-quy cho một số nhu cầu cơ bản như: thắp sáng, bán hàng. Chưa hết, họ còn phải vất vả mang chiếc bình xuống núi để sạc.

Để giúp đỡ các hộ dân gặp khó trong việc tiếp cận nguồn điện sinh hoạt, từ tháng 8-2016, Trung tâm Phát triển sáng tạo Xanh (GreenID) phối hợp Ban Quản lý dự án Năng lượng Xanh An Giang (Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn) triển khai dự án “Tăng cường tiếp cận năng lượng cho người nghèo ở các tỉnh ĐBSCL thông qua ứng dụng các giải pháp năng lượng xanh và bền vững” tại 3 xã An Hảo, Tân Lợi và Vĩnh Trung (Tịnh Biên).

Giám đốc Ban Quản lý dự án Năng lượng Xanh An Giang Trần Anh Dũng cho biết, qua 3 năm triển khai, dự án đã đem lại những lợi ích rõ rệt về môi trường, kinh tế, xã hội cho người dân địa phương. Đây là dự án đầu tiên tại tỉnh An Giang cũng như vùng ĐBSCL áp dụng phương pháp tiếp cận “Lập kế hoạch năng lượng địa phương”, với nhiều giải pháp năng lượng bền vững đã được ứng dụng tại cộng đồng.

Tham quan mô hình đèn đường năng lượng ở xã Vĩnh Trung (Tịnh Biên)

Các giải pháp năng lượng bền vững được triển khai gồm: đèn xách tay năng lượng mặt trời; pin năng lượng mặt trời; đèn led tiết kiệm; mô hình biogas; bếp đun cải tiến; đèn đường năng lượng mặt trời…

Ông Trần Văn Hùng (ngụ ấp Tân Hiệp, xã Tân Lợi) cho biết, gia đình ông sử dụng hệ thống đèn led từ tháng 12-2017. Từ ngày sử dụng hệ thống đến nay, độ sáng được cải thiện, giúp tiết kiệm 30% tiền điện.

Đến ấp 100% số hộ sử dụng năng lượng mặt trời

Tính đến nay, ấp Vồ Bà và ấp Tà Lọt (xã An Hảo, Tịnh Biên) trở thành 2 ấp đầu tiên có 100% số hộ sử dụng hệ năng lượng mặt trời trong sản xuất và sinh hoạt.

Hệ thống này gồm 2 phần: 2 tấm pin năng lượng mặt trời; 1 bộ điều khiển sạc, ắc quy dự trữ, inverter, dây sạc điện thoại. Giải pháp này cung cấp đủ nguồn điện cho thắp sáng, xem tivi, sử dụng điện thoại; bơm nước tưới cho sản xuất nông nghiệp…

Ông Đoàn Văn Tiền (ấp Vồ Bà, xã An Hảo) chia sẻ: “Gia đình tôi hiện đang áp dụng mô hình pin năng lượng mặt trời. Chi phí thực hiện là 4,2 triệu đồng, được hỗ trợ 35% tổng chi phí nên phải đóng hàng tháng là 273.000 đồng và trả dần trong 10 tháng. Mô hình hoạt động rất tốt, đáp ứng được nhu cầu sinh hoạt của gia đình. Từ đó giúp chúng tôi cải thiện cuộc sống, tiếp cận được nhiều thông tin bổ ích trong sinh hoạt và sản xuất”.

Ông Đặng Văn Bé (người đầu tiên lắp đặt mô hình pin năng lượng mặt trời) cho biết: “Gia đình tôi là hộ nghèo nên được hỗ trợ trả góp hàng tháng. Lúc trước, mỗi tối gia đình phải đi ngủ sớm; còn hiện nay, có thể thức xem tin tức, nhờ vậy mà cuộc sống vui hơn”.

Có thể thấy mô hình sử dụng năng lượng mặt trời được xem là giải pháp quan trọng trong việc tiết kiệm năng lượng, giảm bớt phụ tải ngành điện, nâng cao chất lượng cuộc sống.

Theo các chuyên gia, việc sản xuất năng lượng mặt trời thân thiện với môi trường hơn. Tuy nhiên, trong quy trình công nghệ chế tạo các tấm pin năng lượng mặt trời sản sinh nhiều loại khí thải nhà kính. Ngoài ra, vấn đề xử lý các tấm pin năng lượng sau khi sử dụng là vấn đề nan giải, gây hại đến môi trường

 

Bài, ảnh: ĐÌNH ĐỨC