Gắn kết cộng đồng, phát triển kinh tế
Chương trình OCOP tập trung phát triển các sản phẩm đặc trưng, có lợi thế của từng địa phương. Việc triển khai chương trình giúp tạo ra các sản phẩm hàng hóa, dịch vụ có chất lượng, mang tính cạnh tranh cao, góp phần tăng thu nhập cho người dân nông thôn. Đồng thời, thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông thôn theo hướng phát triển sản xuất hàng hóa gắn với thị trường.
Mặt khác, việc triển khai thực hiện Chương trình OCOP giúp phát triển du lịch (DL) nông thôn thông qua việc gắn kết phát triển sản phẩm OCOP với DL nông thôn, tạo ra các sản phẩm DL độc đáo, hấp dẫn du khách. Thúc đẩy phát triển các dịch vụ DL cộng đồng, DL sinh thái. Đặc biệt, góp phần thực hiện các tiêu chí xây dựng nông thôn mới, nhất là các tiêu chí về kinh tế và tổ chức sản xuất. Nâng cao năng lực cộng đồng, phát huy vai trò chủ thể của người dân trong phát triển kinh tế - xã hội.
Theo Sở Nông nghiệp và Môi trường, thời gian qua, Chương trình OCOP của tỉnh nhận được sự quan tâm chỉ đạo sâu sát từ các cấp, ngành, cùng với sự tham gia tích cực của cả hệ thống chính trị từ tỉnh đến cơ sở. Đặc biệt, vai trò của các sở, ban, ngành, đoàn thể cấp tỉnh được thể hiện rõ nét trong công tác đánh giá và phân hạng sản phẩm OCOP. Năm 2024, hội đồng đánh giá và phân hạng sản phẩm OCOP các cấp trên địa bàn tỉnh tổ chức 18 đợt đánh giá, phân hạng. Qua đó, công nhận 66 sản phẩm đạt chứng nhận “sản phẩm OCOP” từ 3 sao trở lên, thuộc sở hữu của 49 chủ thể kinh tế.

Lãnh đạo tỉnh tham quan gian hàng trưng bày sản phẩm OCOP An Giang
Đến tháng 2/2025, toàn tỉnh có 182 sản phẩm OCOP được đánh giá và công nhận từ 3 sao trở, thuộc sở hữu của 125 chủ thể kinh tế. Trong đó có 5 sản phẩm đạt 5 sao, 14 sản phẩm đạt 4 sao và 163 sản phẩm đạt 3 sao. Cơ cấu các ngành hàng tham gia Chương trình OCOP tại An Giang, gồm: Ngành sản phẩm thực phẩm chiếm tỷ lệ cao nhất với 82,78%, ngành đồ uống chiếm 13,25%, ngành thủ công mỹ nghệ chiếm 3,31%, ngành dịch vụ DL cộng đồng và DL sinh thái, điểm DL chiếm tỷ lệ 0,67%. Đặc biệt, tại Diễn đàn sản phẩm OCOP vùng ĐBSCL, tỉnh An Giang có 2 sản phẩm của 2 chủ thể đạt giải “Sản phẩm OCOP tiêu biểu tại Diễn đàn kết nối sản phẩm OCOP vùng ĐBSCL năm 2024” là: Mắm cá linh chưng, thuộc Công ty Cổ phần Rau quả thực phẩm An Giang và Mật thốt nốt bột, thuộc Công ty Cổ phần Palmania. Những kết quả này cho thấy sự nỗ lực và hiệu quả của việc triển khai Chương trình OCOP tại An Giang, đồng thời khẳng định tiềm năng phát triển đa dạng của các sản phẩm địa phương.
Sản phẩm địa phương, chất lượng quốc gia
Nhằm thúc đẩy mạnh mẽ Chương trình OCOP và nâng cao giá trị sản phẩm địa phương, tỉnh An Giang đặt mục tiêu đến cuối năm 2025, có thêm 50 - 60 sản phẩm được đánh giá và phân hạng “Sản phẩm OCOP” đạt từ 3 sao trở lên. Đặc biệt, An Giang chú trọng phát triển các sản phẩm thuộc nhóm ngành dược liệu, sinh vật cảnh, dịch vụ DL cộng đồng, DL sinh thái và điểm DL, nhằm khai thác tối đa tiềm năng và lợi thế của địa phương. Tỉnh đặt mục tiêu có ít nhất 5 sản phẩm được đề xuất đánh giá và phân hạng “Sản phẩm OCOP” từ 4 sao trở lên, khẳng định chất lượng và giá trị vượt trội của các sản phẩm OCOP An Giang.
Để đảm bảo sự phát triển bền vững và hiệu quả của Chương trình OCOP, tỉnh chú trọng rà soát, tuyên truyền và vận động các chủ thể kinh tế có sản phẩm OCOP hết thời gian công nhận trong năm 2025 tham gia đánh giá, phân hạng lại theo quy định. Ưu tiên phát triển sản phẩm OCOP gắn với xây dựng thương hiệu và phát triển dịch vụ DL nông thôn, nhằm tạo ra giá trị gia tăng cao hơn cho sản phẩm. Tỉnh đặt mục tiêu hỗ trợ 100% chủ thể OCOP tham gia vào các kênh bán hàng hiện đại, như: Hệ thống siêu thị, cửa hàng tiện lợi và sàn thương mại điện tử. Bên cạnh các hình thức xúc tiến thương mại truyền thống, tỉnh tiếp tục tạo cầu nối, liên kết, quảng bá và xúc tiến thương mại, hỗ trợ các chủ thể kinh tế tiếp cận với các kênh bán hàng, sàn giao dịch điện tử, trang thương mại điện tử, kênh bán hàng trực tuyến và bán hàng tương tác trực tiếp (livestream), nhằm mở rộng thị trường tiêu thụ cho sản phẩm OCOP. Phấn đấu phát triển điểm bán hàng và giới thiệu sản phẩm OCOP gắn với phát triển DL địa phương, tạo ra điểm đến hấp dẫn cho du khách...
“Việc triển khai hiệu quả Chương trình OCOP nhằm nâng cao chất lượng các sản phẩm của các địa phương trên địa bàn tỉnh, góp phần cơ cấu lại ngành nông nghiệp gắn với tiểu thủ công nghiệp, ngành nghề và DL nông thôn nhằm phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập của người dân; bảo tồn các giá trị văn hóa, bảo vệ cảnh quan môi trường nông thôn và chuyển đổi số góp phần hoàn thiện một số chỉ tiêu, tiêu chí trong xây dựng nông thôn mới một cách bền vững. Phát huy và nâng cao các sản phẩm đặc trưng, truyền thống, dịch vụ có lợi thế đạt tiêu chuẩn, có khả năng cạnh tranh, đáp ứng yêu cầu của thị trường và người tiêu dùng, không ngừng nâng cao chất lượng, hiệu quả của sản phẩm OCOP hướng đến ổn định và phát triển bền vững với mục tiêu phát triển sản phẩm OCOP gắn với phát huy tài nguyên bản địa, trên cơ sở chất lượng, uy tín, cạnh tranh và vươn xa cho Chương trình OCOP An Giang năm 2025” - Phó Chủ tịch UBND tỉnh An Giang Ngô Công Thức cho biết.
THU THẢO