Tăng cường xúc tiến, quảng bá sản phẩm OCOP
Không chạy theo số lượng
Là một người gắn bó với chương trình OCOP, Phó Giám đốc Trung tâm Xúc tiến Đầu tư - Thương mại và Du lịch TP. Hà Nội Nguyễn Thị Mai Anh cảm thấy ấn tượng khi được trực tiếp tham quan, trải nghiệm những sản phẩm OCOP của An Giang. “Tôi thấy rất nhiều sản phẩm OCOP mang nét đặc trưng của vùng đất Tây Nam của Tổ quốc. Đây là cách tiếp cận gần giống với cách làm mang lại hiệu quả của các nước, như: Nhật Bản, Hàn Quốc, Thái Lan… Sản phẩm OCOP thực thụ là phải mang nét tiêu biểu của vùng đất đó mà nơi khác không có được. Tôi thấy An Giang còn sản phẩm rất đặc trưng có thể phát triển thành sản phẩm OCOP là lãnh Mỹ A. Đây là loại lụa rất độc đáo mà nhiều doanh nghiệp (DN) lớn trong ngành thời trang ở miền Bắc tìm đến đặt hàng, nhằm tạo ra sản phẩm thời trang riêng biệt” - bà Mai Anh đánh giá.
Lấy ví dụ như ở Hà Nội, hiện có hơn 1.000 sản phẩm OCOP được công nhận nhưng không có nhiều sản phẩm mang tính đặc thù địa phương, bà Mai Anh cho rằng, trong quá trình xây dựng sản phẩm OCOP, không nên chạy theo số lượng mà phải đi vào chất lượng, phải tạo ra được sức hút cho địa phương. Chính từ những sản phẩm độc đáo, tiêu biểu, truyền thống nhưng với sự sáng tạo của con người hiện tại cho ra sản phẩm mới để phục vụ tiêu dùng trong nước và xuất khẩu, sẽ mang lại giá trị lớn. “Khi đã tạo ra được sản phẩm OCOP, chúng ta phải đẩy mạnh quảng bá sản phẩm gắn với quảng bá văn hóa, du lịch, ẩm thực... Chúng tôi sẵn sàng hỗ trợ các địa phương tổ chức sự kiện tuần hàng OCOP tại TP. Hà Nội, thành lập trung tâm giao dịch sản phẩm của các tỉnh tại thủ đô để quảng bá hiệu quả hơn” - bà Mai Anh nhấn mạnh.
Đồng ý về vai trò quan trọng của công tác quảng bá, Phó Giám đốc Trung tâm Xúc tiến Thương mại - Du lịch và Đầu tư tỉnh Đồng Tháp Huỳnh Kim Khuê cho biết, Đồng Tháp đã phối hợp với các ngành liên quan thành lập trung tâm đặc sản du lịch ở TP. Hà Nội, thành lập trung tâm giới thiệu ẩm thực cũng như các sản phẩm đặc sản của Đồng Tháp tại TP. Phú Quốc (Kiên Giang). “Nhờ vào công tác truyền thông và tham gia các kỳ hội chợ để giới thiệu sản phẩm, nhất là đặc sản vùng miền, DN Đồng Tháp tiếp cận rất nhiều đối tác. Đồng Tháp hiện có trên 160 sản phẩm OCOP. Chúng tôi xác định không chạy theo số lượng, mà làm sao sản phẩm phải trụ vững trên thị trường và phát triển nâng hạng, từ 3 sao phải lên 4-5 sao, là nấc thang để DN phấn đấu. Nhà nước chỉ hỗ trợ bằng những chính sách “mềm”, còn bản thân DN phải thay đổi tư duy trong sản xuất và tiếp cận thị trường” - ông Khuê lưu ý.
Hỗ trợ kết nối
Giám đốc Siêu thị Tứ Sơn Tạ Minh Sơn cho rằng, được công nhận sản phẩm OCOP đã là khó, để sản phẩm tồn tại và phát triển bền vững càng khó hơn, đòi hỏi chủ thể sản phẩm phải tận dụng tối đa các cơ hội để quảng bá sản phẩm của mình. “Người ta thường nói “bán tên đi trước, bán hàng theo sau”, chúng ta làm ngon, đẹp mà không cho người ta biết thì không hiệu quả. Một số DN nghĩ rằng, khi sản phẩm được công nhận OCOP thì cộng đồng xã hội sẽ tự tìm đến với mình hơn là mình đến với người ta. Đây là suy nghĩ sai lầm. Bản thân các DN đạt sản phẩm OCOP cần phải thay đổi tư duy để dễ dàng cộng hưởng với các siêu thị cũng như tiếp cận thị trường. Sắp tới, Siêu thị Tứ Sơn sẽ hợp tác tổ chức phiên chợ OCOP cuối tuần tại các điểm chợ có tính chất đô thị, giúp sản phẩm OCOP nâng tầm giá trị. Trước mắt, Siêu thị Tứ Sơn sẽ làm việc với đại diện 4 tỉnh, thành phố trong cụm liên kết ABCD Mekong (An Giang, Bến Tre, Cần Thơ, Đồng Tháp) để hợp tác xúc tiến thương mại cho sản phẩm OCOP và trao đổi cách làm để phiên chợ này luân phiên tổ chức xoay vòng giữa 4 địa phương” - ông Sơn thông tin.
Bằng nhiều nỗ lực, đến cuối năm 2020, toàn tỉnh An Giang có 42 sản phẩm OCOP được UBND tỉnh công nhận, gồm: 26 sản phẩm đạt 3 sao, 11 sản phẩm đạt 4 sao và 5 sản phẩm tiềm năng đạt 5 sao đề xuất Trung ương đánh giá, công nhận sản phẩm OCOP cấp quốc gia. Tại cuộc họp đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP đợt 1 năm 2021 (ngày 7-4-2021), Hội đồng đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP tỉnh đã thống nhất đánh giá thêm 12 sản phẩm đạt OCOP 3 sao. Các chủ thể sản phẩm đã được Phó Chủ tịch UBND tỉnh An Giang Trần Anh Thư trao chứng nhận tại lễ khai khai mạc Ngày hội sản phẩm OCOP và hàng hóa đặc trưng các tỉnh, thành phố năm 2021, tổ chức tại TP. Châu Đốc vừa qua.
Giám đốc Trung tâm Xúc tiến - Thương mại và Đầu tư tỉnh An Giang Lê Trung Hiếu cho biết, những sản phẩm OCOP mang nét đặc trưng của tỉnh và có nhiều tiềm năng phát triển. Tuy nhiên, do các sản phẩm OCOP chủ yếu là sản phẩm nông nghiệp, được tạo từ làng nghề truyền thống nên bao bì, nhãn mác chưa đa dạng, khả năng xúc tiến thương mại của chủ thể còn yếu, chưa có chiến lược phát triển sản phẩm. Nhiều DN nhỏ không có điều kiện thuê, mướn hay tổ chức các sự kiện quảng bá, xúc tiến thương mại hoặc tìm kiếm chuỗi siêu thị để tiêu thụ sản phẩm.
“Lúc này, vai trò kết nối của các cơ quan xúc tiến thương mại rất quan trọng. Cần tổ chức hội nghị mời DN và siêu thị cùng đến để trao đổi, đáp ứng yêu cầu đưa sản phẩm vào siêu thị. Trước mắt, siêu thị sẽ dành không gian để trưng bày, cho khách hàng tiếp cận, dùng thử sản phẩm. Bên cạnh đó, việc đào tạo nguồn nhân lực cho DN cũng rất quan trọng. Các trung tâm xúc tiến thương mại phải là nơi phối hợp với các ngành giúp DN tiếp cận được phương pháp đào tạo để quản lý nhân sự, quản trị và quản lý tài chính, kế toán mới giúp DN xây dựng và phát triển bền vững các sản phẩm OCOP” - ông Hiếu phân tích.
Giám đốc Trung tâm Xúc tiến - Thương mại và Đầu tư tỉnh An Giang Lê Trung Hiếu cho biết, sau khi kết nối vào siêu thị Tứ Sơn (TP. Châu Đốc), trung tâm sẽ tiếp tục phối hợp tổ chức hội thảo kết nối, đưa sản phẩm OCOP vào các hệ thống phân phối hiện đại, như: Co.opmart, VinMart, M&M Mega Market, Bách Hóa Xanh… |
Bài, ảnh: NGÔ CHUẨN