Dự án do Công ty TNHH MTV Xây lắp An Giang, Công ty TNHH MTV Môi trường Vạn Hưng Tùng và Công ty Cổ phần Đầu tư Xây dựng Thương mại Tấn Thắng làm chủ đầu tư. Theo các chủ đầu tư, phạm vi nạo vét tuyến luồng là toàn bộ nhánh trái sông Hậu, từ đầu đến cuối cù lao Mỹ Hòa Hưng, tổng chiều dài nạo vét 8.900m. Nạo vét đến cao độ -15m (chiều sâu nạo vét từ 2-6m tùy từng vị trí); vị trí nạo vét cách bờ hơn 100m. Tổng khối lượng nạo vét gồm 7.785.806m3 cát, 4.441.512m3 bùn sét. Đây là 1 trong 12 tiểu dự án thuộc Dự án chỉnh trị dòng chảy sông Hậu đoạn qua TP. Long Xuyên thích ứng với biến đổi khí hậu, được Bộ Tài nguyên và Môi trường, UBND tỉnh phê duyệt thực hiện.
Bí thư Tỉnh ủy Võ Thị Ánh Xuân khảo sát sạt lở tại xã Mỹ Hòa Hưng
Cơ quan chuyên môn khẳng định với người dân: kết quả tính toán dự báo sạt lở (SL) cho thấy, nhờ các giải pháp công trình sau 3 năm, các mặt cắt bên nhánh phải chảy qua khu vực TP. Long Xuyên có mức độ xói lở giảm đáng kể so với hiện trạng khi không có giải pháp công trình. Mức độ giảm xói cho nhánh phải từ 0,5-1,5m tùy từng mặt cắt, xói lở lòng dẫn gần như không xuất hiện ở nhánh này nếu so với hiện trạng.
Đối với khu vực chảy qua bờ Mỹ Hòa Hưng và bờ Chợ Mới, sau 3 năm mô phỏng tính toán thì lòng dẫn không bị xói thêm nhiều, hai bên bờ ổn định không bị SL, một số mặt cắt có hiện tượng bồi tụ. Khi áp dụng các phương án mở rộng và nạo vét nhánh trái, chiều dài đoạn SL trên sông Hậu được dự báo sẽ giảm. Trong quá trình thực hiện, các chủ dự án sẽ phải tuân thủ nghiêm các quy định về nạo vét thông luồng, bảo vệ môi trường, hạn chế ảnh hưởng đến đời sống, quyền lợi của người dân.
Hầu hết người dân xã Mỹ Hòa Hưng bày tỏ sự đồng tình cao với dự án, bởi họ “ngán” cảnh SL đất bờ sông lắm rồi. Chẳng ai muốn sống thấp thỏm trên “miệng tử thần”, nhìn từng khoảnh đất quê nhà trôi theo con nước. Điều họ cần là giải pháp hiệu quả, khả thi, như những thông tin dự án được các chủ đầu tư đưa ra tại buổi tham vấn. Tuy nhiên, họ vẫn còn một số băn khoăn: nạo vét đến độ sâu 15m có an toàn không? Cát, bùn nạo vét được sẽ xử lý thế nào? Làm sao để tránh ảnh hưởng đến bè cá của người dân?
Những thắc mắc ấy đã được ngành chuyên môn trả lời thỏa đáng. Thứ nhất, độ sâu 15m tính từ mặt đất trở xuống lòng sông là an toàn, nơi nào sâu từ 15m trở lên thì sẽ không tiến hành nạo vét. Bên cạnh đó, sẽ không nạo vét sát bờ. Trước khi thi công, đơn vị thi công phải công bố bản đồ, vị trí, thời gian, phạm vi nạo vét từng khu vực cụ thể để bà con nắm. Thứ 2, cát nạo vét xong sẽ được tận dụng làm vật liệu xây dựng, bùn được vận chuyển đúng nơi quy định của tỉnh, không đưa lên 2 bên bờ sông. Thứ 3, bè cá nằm trong phạm vi ảnh hưởng của việc nạo vét sẽ được di dời tạm đến khu vực an toàn, theo tiến độ và phạm vi cụ thể (sẽ được công bố sau).
Người dân phát biểu ý kiến tại buổi tham vấn
Phó Chủ tịch UBND TP. Long Xuyên Nguyễn Bảo Sinh khẳng định: “Thời gian qua, SL gây ảnh hưởng lớn đến đời sống bà con xã Mỹ Hòa Hưng. Tất cả ý kiến của người dân đều được ghi nhận đầy đủ để báo cáo về tỉnh. Qua phần giải đáp, trả lời của đơn vị tư vấn, có thể khẳng định việc nạo vét sẽ mang lại nhiều lợi ích thiết thực cho địa phương và đời sống người dân, góp phần hạn chế SL nơi đây. Khuôn khổ dự án sẽ bao gồm chi phí hỗ trợ người dân di dời bè cá (đến nơi an toàn khi thực hiện dự án và quay trở về vị trí cũ sau khi thực hiện), đảm bảo quyền lợi cho bà con”.
Có thể thấy, sự đồng thuận cao của người dân địa phương là tín hiệu vui để khởi động dự án “Nạo vét chỉnh trị dòng chảy khu vực nhánh trái sông Hậu” thuộc địa bàn xã Mỹ Hòa Hưng. Quá trình thực hiện dự án không tránh khỏi gây xáo trộn, bất tiện cho người dân trong sản xuất - kinh doanh, sinh hoạt. Tuy nhiên, dự án là một trong những giải pháp hiệu quả, thể hiện rõ quyết tâm của con người ứng phó với thiên tai, biến đổi khí hậu. Vì thế, cần lắm sự đồng thuận của mỗi người dân, cân nhắc hài hòa giữa lợi ích cá nhân trước mắt và lợi ích cộng đồng trong tương lai, để dự án đi đến thành công.
Bài, ảnh: GIA KHÁNH