Sứ mệnh này mang tên Thử nghiệm Chuyển hướng Tiểu hành tinh Đôi (DART) trị giá 330 triệu USD và thuộc chương trình "bảo vệ hành tinh" quy mô lớn nhằm phóng một tàu vũ trụ để tiếp cận tiểu hành tinh cách Trái đất khoảng 10,8 triệu km.
Mô tả tàu vũ trụ DART tiếp cận tiểu hành tinh Didymos. Nguồn: NASA.
Lịch trình dự kiến là tàu vũ trụ sẽ được đặt lên tên lửa SpaceX Falcon 9 phóng từ California ngày 24/11 và dự kiến tiếp cận tiểu hành tinh mục tiêu vào cuối tháng 9/2022.
Con tàu di chuyển với vận tốc 24.000 km/giờ và sẽ đâm vào tiểu hành tinh 4,5 tỷ năm tuổi có tên Dimorphos. Tiểu hành tinh này có đường kính 160m và xoay quanh hành tinh lớn hơn Didymos có đường kính tương đương chiều cao của tòa nhà Burj Khalifa (Các tiểu Vương quốc Arab thống nhất) hiện giữ kỷ lục cao nhất thế giới.
So sánh kích thước tàu vũ trụ DART với tiểu hành tinh Đôi. Nguồn: ESA
Tàu thăm dò có kích thước 1,22 m, nặng 550kg, chỉ như một viên sỏi so với tiểu hành tinh khổng lồ mà nó đang nhắm tới. Nhưng va chạm sẽ tạo cho viên đá không gian này một lực đẩy đủ để thay đổi đường đi của nó quay quanh tiểu hành tinh Didymos lớn hơn.
Mặc dù vụ va chạm sẽ xảy ra cách Trái đất, nhưng các nhà thiên văn sẽ quan sát bằng kính thiên văn để xem sự thay đổi quỹ đạo của tiểu hành tinh.
Tiểu hành tinh Dimorphos đường kính 160 m so với Đấu trường La Mã, Rome. Nguồn: ESA
Thử nghiệm lần này của NASA nhằm kiểm tra xem liệu một ngày nào đó, một cú đâm tương tự có thể chuyển hướng một tảng đá không gian hướng về Trái đất hay không. Phản ứng của tiểu hành tinh đối với cú va chạm sẽ giúp NASA xác định kích thước của các tàu thăm dò trong tương lai để chuyển hướng tiểu hành tinh.
Các nhà thiên văn ước tính hiện có khoảng 25.000 tiểu hành tinh gần Trái đất, đủ lớn để gây ra sự tàn phá khu vực nếu chúng va vào Trái đất.
Theo LÊ LÂM (Báo Nhân Dân)