Quý III/2021, tổng sản phẩm trong nước (GDP) đảo chiều tăng trưởng âm, kéo tăng trưởng chín tháng chỉ đạt 1,42% so cùng kỳ, thấp hơn nhiều so với dự báo. Tuy nhiên, trong bối cảnh đại dịch COVID-19 bùng phát mạnh, lây lan trên diện rộng kéo dài tại nhiều địa phương cùng với đặc điểm nền kinh tế có độ mở cao, việc duy trì được mức tăng trưởng dương trong ba phần tư chặng đường đầy khó khăn của năm 2021 vừa qua là một kết quả đáng khích lệ.
Kinh tế vĩ mô ổn định
Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, điểm tích cực trong bức tranh kinh tế Việt Nam chín tháng qua là kinh tế vĩ mô ổn định, lạm phát được kiểm soát ở mức thấp, các cân đối lớn của nền kinh tế cơ bản được giữ vững. Thu ngân sách nhà nước đạt kết quả tích cực; chi ngân sách đáp ứng kịp thời các nhiệm vụ, ưu tiên bố trí kinh phí cho công tác phòng, chống dịch COVID-19 và hỗ trợ người dân trong khi vẫn thực hiện chính sách miễn, giảm, giãn thuế phí, hỗ trợ doanh nghiệp (DN) và người dân.
Bên cạnh đó, tín dụng đối với nền kinh tế tăng 7,39%, hỗ trợ tích cực cho tăng trưởng kinh tế từ đầu năm; tổng mức huy động vốn trên thị trường chứng khoán cho nền kinh tế cũng tăng ở mức hai con số. Tính chung chín tháng, hoạt động sản xuất, kinh doanh vẫn được duy trì trong bối cảnh chịu tác động mạnh của dịch bệnh. Đáng lưu ý, kết quả khảo sát của Tổng cục Thống kê thực hiện trong tháng 9 ghi nhận hơn 70% số doanh nghiệp (DN) ngành công nghiệp chế biến, chế tạo, lạc quan về tình hình sản xuất, kinh doanh cuối năm.
Dây chuyền sản xuất có vốn đầu tư Trung Quốc tại Công ty TNHH dệt nhuộm Jasan Việt Nam tại Khu công nghiệp Phố Nối B (Hưng Yên). Ảnh: VIẾT CHUNG
Diễn biến đáng chú ý trong bức tranh kinh tế chín tháng năm 2021 là dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) có dấu hiệu hồi phục, tăng 4,4% so cùng kỳ sau nhiều tháng suy giảm. Mặc dù chịu ảnh hưởng tiêu cực của đại dịch COVID-19 nhưng nhà đầu tư nước ngoài vẫn hiện thực hóa các cam kết đầu tư lớn tại Việt Nam. Điển hình là, Công ty TNHH LG Display Việt Nam hai lần điều chỉnh tăng vốn 2,15 tỷ USD tại dự án ở Hải Phòng. Bên cạnh đó còn có dự án mới được cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư như nhà máy điện khí ở Long An, tổng vốn đầu tư 3,1 tỷ USD, dự án Nhiệt điện Ô Môn II ở Cần Thơ, vốn đăng ký 1,31 tỷ USD...
Bà Dorsati Mandani, Chuyên gia kinh tế cao cấp Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam nhận định: Việt Nam vẫn nằm trong các nền kinh tế tăng trưởng tốt, đó là dấu hiệu chính về khả năng phục hồi, cho thấy các nền tảng cơ bản vững chắc của nền kinh tế và nhà đầu tư nước ngoài vẫn tin tưởng vào triển vọng của nền kinh tế Việt Nam.
Tuy nhiên bức tranh kinh tế cũng có nhiều gam màu xám và đang phải đối mặt với những khó khăn chưa từng có do dịch bệnh kéo dài. GDP quý III giảm 6,17%, tiềm ẩn nhiều rủi ro đối với ổn định kinh tế vĩ mô và các cân đối lớn của nền kinh tế. Các trụ cột tăng trưởng là công nghiệp và xây dựng; dịch vụ đều giảm mạnh. Tiến độ giải ngân vốn đầu tư công chưa đạt yêu cầu đề ra. Tình hình hoạt động của khu vực sản xuất, kinh doanh gặp nhiều khó khăn, có thể ảnh hưởng tới động lực phục hồi tăng trưởng trong thời gian tới nếu không có biện pháp hỗ trợ kịp thời. Việc làm, sinh kế, đời sống người dân bị ảnh hưởng nặng nề, nhất là tại khu vực thành thị.
Mở cửa và thích ứng an toàn với COVID-19
Với sự chuyển hướng kịp thời của Chính phủ về chiến lược phòng, chống dịch từ mục tiêu “không có Covid” sang thích ứng an toàn với COVID-19, dịch bệnh dần được kiểm soát tại các tỉnh phía nam từ cuối tháng 9.
Bước ngoặt này giúp hoạt động sản xuất, kinh doanh ổn định và phát triển trở lại theo lộ trình mở cửa nền kinh tế trong trạng thái bình thường mới để phục hồi kinh tế, bắt kịp với xu thế chung của thế giới.
TS Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Trung tâm trọng tài quốc tế Việt Nam cho rằng, ba tháng cuối năm là thời gian vàng của triển vọng phục hồi, khi chúng ta kiểm soát dịch khá tốt, tạo điều kiện thuận lợi để mở cửa nền kinh tế. Công cuộc phục hồi kinh tế cần xuất phát từ quan điểm “mỗi phường xã là một tế bào” trong một cơ thể sống là cả nền kinh tế quốc dân. Nếu “ngăn sống cấm chợ” chia cắt theo địa giới, nền kinh tế và DN sẽ bị ảnh hưởng nặng nề, do đó, cả nước phải chung tay từng bước mở cửa. Và trong quá trình này, DN phải được coi là một chủ thể tham gia vào công tác ứng phó đại dịch, từ đó tin tưởng giao quyền và trang bị nâng cao năng lực y tế tại chỗ cho DN thay vì chỉ coi DN là đối tượng chịu sự quản lý như trước đây.
Theo PGS, TS Trần Đình Thiên, nguyên Viện trưởng Kinh tế Việt Nam, những kết quả tích cực trong công tác phòng, chống dịch cuối tháng 9 vừa qua cùng với động thái mở cửa lại nền kinh tế một cách thận trọng ở nhiều địa phương đang củng cố niềm tin mạnh mẽ để DN tích cực phục hồi sản xuất, kinh doanh. Nhìn rộng hơn, nền kinh tế vẫn chứa đựng nhiều cơ sở cho sự phục hồi mạnh mẽ. Đó là khu vực DN FDI vẫn giữ được sức tăng trưởng tốt trong bối cảnh dịch COVID-19.
Hoạt động đầu tư công được chú trọng khi Thủ tướng Chính phủ lập Tổ công tác đặc biệt thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công, tập trung tháo gỡ những nút thắt trong quy trình đầu tư để dòng vốn mồi từ ngân sách như mạch máu lan tỏa, thẩm thấu vào mọi lĩnh vực của nền kinh tế, tạo động lực cho tăng trưởng. Cùng với đó, các giải pháp hỗ trợ thông qua chính sách tài chính, tiền tệ tiếp tục được Chính phủ nghiên cứu, bổ sung để tiếp sức cho cộng đồng DN vượt qua thời điểm khó khăn này…
Trong tháng 10/2021, Bộ Kế hoạch và Đầu tư sẽ trình Chính phủ đề án phục hồi kinh tế dựa vào ba động lực: Sản xuất, kinh doanh, xuất khẩu, đầu tư. Đây là chương trình tổng thể, đồng bộ với nguồn lực đủ lớn để thúc đẩy quá trình phục hồi kinh tế gắn với cải cách cơ cấu, cải thiện năng lực cạnh tranh và sức chống chịu của nền kinh tế Việt Nam, tránh những cú sốc trong tương lai. Việc phòng, chống, kiểm soát tốt dịch COVID-19 là điều kiện tiên quyết để phục hồi kinh tế, ổn định đời sống nhân dân.
Lạc quan vào triển vọng phục hồi kinh tế ngay từ quý cuối năm, TS Cấn Văn Lực, Kinh tế trưởng Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) kiến nghị Chính phủ những giải pháp rất cụ thể về nguồn lực và thực thi chính sách để tạo sức bật cho nền kinh tế. Đó là, chấp nhận tăng nợ công và thâm hụt ngân sách ở mức độ hợp lý; tăng tín dụng trong tầm kiểm soát, thời gian thực hiện từ nay đến năm 2023.
Cân nhắc phương án phát hành trái phiếu Chính phủ, vay tín dụng quốc tế vì dư địa nợ công vẫn còn và lãi vay đang ở mức thấp như xu hướng của các nước đang phát triển đang thực hiện. Đặc biệt, cần hết sức chú trọng và quyết liệt cải tiến tính hiệu quả, kịp thời của khâu thực thi các chính sách đề ra.
Theo TÔ HÀ (Báo Nhân Dân)