Nét đẹp qua những mô hình nhà sàn miền Tây thu nhỏ

23/01/2023 - 08:11

 - Sinh ra và lớn lên ở An Giang, một trong những tỉnh miền Tây sông nước, hình ảnh ngôi nhà sàn đọng lại sâu sắc trong anh Nguyễn Hùng Cường (xã Lương Phi, huyện Tri Tôn, tỉnh An Giang), với vẻ đẹp vô cùng bình dị và thân thương. Xuất phát từ tình cảm mộc mạc đó, với những vật liệu đơn giản, gần gũi với cuộc sống hàng ngày, như: Tăm tre, bìa carton, thanh củi… anh Cường đã thổi hồn vào những tác phẩm, tạo thành những ngôi nhà độc đáo, đậm chất quê.

Những căn nhà miền Tây thu nhỏ được anh Cường thể hiện tinh tế, chân thật

Lưu giữ hình ảnh thân thương

Về miền Tây nói chung, An Giang nói riêng, hình ảnh những ngôi nhà sàn in bóng xuống dòng kênh là điều không khó để tìm thấy. Những ngôi nhà sàn đơn sơ, cất bằng ván, gỗ, lợp tole... mang nét đặc trưng rất riêng. Theo thời gian, những ngôi nhà đơn sơ dần được thay thế bằng nhà tường bê-tông kiên cố. Tuy nhiên, hình ảnh thân thương từ những ngôi nhà sàn trên sông thôi thúc anh Nguyễn Hùng Cường mày mò, phục chế những ngôi nhà sàn để trưng bày, trang trí…

 “Mình bắt đầu làm nhà mô hình thu nhỏ cách đây khoảng 1 năm, cụ thể là trong đợt dịch COVID-19 bùng phát. Thời điểm này, do địa phương hạn chế việc đi lại nên mình lên mạng xã hội để tìm kiếm công việc làm thêm phù hợp. Tình cờ thấy giới thiệu những ngôi đền, chùa… thu nhỏ của các anh, chị ngoài miền Bắc, mình nảy sinh ý định làm những ngôi nhà theo phong cách miền Tây, từ những vật liệu dễ tìm, phổ biến tại địa phương” - anh Cường chia sẻ.

Nguyên liệu làm nhà mô hình này rất dễ tìm và đơn giản, như: Bìa carton, que kem, que gỗ, keo dán. Tuy nhiên, muốn có được tác phẩm hoàn chỉnh, ấn tượng là điều không dễ dàng. Anh Cường cho biết, cái khó khi thực hiện những tác phẩm này là công đoạn lên ý tưởng. Khi lên được ý tưởng thì bắt đầu đo tỷ lệ ngôi nhà ngoài đời thực với nhà mô hình, giống với thực tế. Do mỗi chi tiết đều nhỏ nên đòi hỏi rất nhiều vào sự khéo léo, tỉ mỉ và kiên trì...

Vì cố gắng tái hiện những chi tiết thật nhất, đúng nhất với bản mẫu và giữ trọn vẹn hồn cốt của công trình thực ngoài đời... nên mỗi tác phẩm mất nhiều thời gian và công sức mới. Bình quân mỗi tác phẩm mất khoảng 3-4 ngày mới hoàn thành.

“Khi đã có ý tưởng trong đầu, tôi tiến hành đo đạc tỷ lệ chiều cao và chiều dài, rộng phù hợp. Sau đó cắt, ghép, nối các thanh gỗ để dựng thành khung nhà. Xé bìa carton, dùng lớp gợn sóng ở phần giữa để tạo mô phỏng những tấm tole... Sau đó, sơn lên vật liệu rồi làm ra các vật dụng trong nhà sao cho đầy đủ và giống nhất. Cuối cùng là phủ một lớp sơn chống thấm để sản phẩm không bị thấm nước” - anh Cường thông tin .

Cũng theo anh Cường, khâu đi màu để mô hình chân thực và có hồn nhất là công đoạn khó nhất. Bởi, để có thể phối đúng như mẫu thật, từ tấm tôn gỉ sét, rồi màu của cột gỗ thấm nước lâu năm… đều phải phối trộn thật chuẩn. Nếu đi màu xấu, không đúng thì sản phẩm xem như thất bại.

Anh Cường đã thể hiện sinh động nét đơn sơ, bình dị của những căn nhà sàn miền Tây từ những vật liệu vô cùng đơn giản

Gợi nhớ hình ảnh quê hương

Chỉ với những vật dụng đơn giản, như: Tăm tre, bìa carton, thanh củi... và dùng keo dán lại, anh Nguyễn Hùng Cường đã cho ra đời những ngôi nhà mi-ni mang đậm phong cách miền Tây với hình dáng, tỷ lệ giống như ngôi nhà thật. Ngoài việc tái hiện nhà sàn, từng chi tiết, đồ vật thường xuất hiện trong ngôi nhà cũng được anh Cường bày trí tỉ mỉ, đầy đủ và thể hiện rất có hồn. Từ hình ảnh chiếc ti-vi, radio, bộ bàn ghế, tủ thờ… cho đến những vật dụng thông thường khác, như: Xào phơi đồ, lò củi… đều được anh thể hiện vô cùng chi tiết và sinh động.

Hiện, anh Cường đã làm ra hàng trăm mô hình nhà sàn miền Tây. Mỗi sản phẩm được bán với giá từ vài trăm ngàn đồng đến vài triệu đồng, tùy theo kích thước và số lượng chi tiết cho căn nhà nhiều hay ít.

Nhờ đó, anh có thu nhập hàng chục triệu đồng trong mùa dịch COVID-19 vừa qua, dù đây được xem là nghề “tay trái”, những lúc ở nhà chống dịch. Anh Cường cho biết, ngôi nhà sàn miền Tây có thể trưng bày trong hồ thủy sinh, hồ cạn, trang trí tiểu cảnh hay trưng bày trong nhà đều rất phù hợp.

“Lúc đầu, mình làm để trang trí trong nhà. Sau khi hình ảnh được chia sẻ lên mạng xã hội, được nhiều nhóm đam mê chơi tiểu cảnh thích thú và đặt mua. Thế là mình quyết định sản xuất - kinh doanh sản phẩm này đại trà” - anh Cường thông tin.

Hiện, các sản phẩm nhà miền Tây thu nhỏ của anh Cường có mặt ở khắp nơi và được khách hàng đón nhận nhiệt tình, với sự yêu thích đặc biệt. Ngoài ra, các sản phẩm còn được tiêu thụ ở thị trường nước ngoài.

“Nhiều khách hàng là người Việt Nam, đang sinh sống và làm việc ở nước ngoài đã yêu cầu mình thể hiện lại căn nhà của họ khi sinh sống ở Việt Nam, vơi bớt nỗi nhớ quê hương của người con xa xứ. Nhiều người đã không kiềm được nước mắt khi nhìn thấy được hình ảnh ngôi nhà gần gũi, thân thương của mình hiện ra trước mắt sau nhiều năm xa cách” - anh Cường nhớ lại.

Không chỉ đơn thuần là thú chơi, những mô hình tiểu cảnh theo hình ảnh nhà sàn trên sông còn góp phần lưu giữ nét văn hóa độc đáo của người dân sông nước. Hiện nay, những tác phẩm của anh Nguyễn Hùng Cường được những người đam mê tiểu cảnh đón nhận. Họ yêu quý bởi sự gần gũi, hoài niệm về cuộc sống của người dân miền sông nước.

Đặc biệt, những tác phẩm của anh Cường từng được sử dụng tại một số trường học trên địa bàn huyện Tri Tôn. Thông qua những tác phẩm này, giáo viên sẽ giới thiệu cho các em học sinh biết về cuộc sống của thế hệ đi trước, để các em hiểu thêm về nét văn hóa đặc trưng của người dân miền sông nước nói chung, tỉnh An Giang và huyện Tri Tôn nói riêng.

ĐỨC TOÀN