
Người dân được dịp hòa mình vào phần hội vui tươi, rộn ràng
Đời sống tinh thần ý nghĩa
Hầu như mỗi vùng đất đều có một vị Thành hoàng - người có công trong việc khai khẩn, gìn giữ vùng đất. Ở nhiều đình thần hiện nay, “Thành hoàng” không chỉ là vị thần “chung chung”, mà họ có thể là nhân vật lịch sử có công lao to lớn bảo vệ dân làng thuở xưa, như: Nguyễn Hữu Cảnh, Thoại Ngọc Hầu… Người dân trong làng theo lệ hàng năm tổ chức lễ cúng đình, còn gọi là lễ cầu an để tưởng nhớ, cảm tạ Thành hoàng, Thần Nông, Thần Hổ… Điển hình, Lễ hội Kỳ yên đình thần Nhơn Mỹ (huyện Chợ Mới) diễn ra từ ngày 16 - 18/4 (âm lịch), với các nghi thức dân gian còn in đậm nét văn hóa truyền thống của vùng đất nông nghiệp đã tồn tại và phát triển cho đến ngày nay.
Ông Nguyễn Hoàng Nhơn, Phó Trưởng ban Quản lý đình thần Nhơn Mỹ cho biết, hàng năm, lệ cúng đình duy trì nhằm mục đích cầu “quốc thái, dân an”, “mưa thuận, gió hòa”, “mùa màng bội thu”, nhà nhà ấm no, hạnh phúc. Đến nay, ban tế tự vẫn giữ nguyên phần lễ truyền thống, như: Thỉnh sắc, cáo Hoàng thiên, tế Thần Nông, túc yết, xây chầu, tiền cổ hương chức… Tuy nhiên, thời gian diễn ra phần lễ có thay đổi đôi chút để phù hợp với điều kiện hiện tại. Trong đó, phần sắc được rước diễu hành qua các con đường ở địa phương nhằm thông báo cho người dân biết ngày chính lễ sắp diễn ra. Trước đây, sắc được giữ tại nhà của người giữ đình, còn hiện tại, sắc được giữ trong đình, thỉnh sắc được thay bằng việc diễu hành.
Ngoài ra, còn có lễ cúng Thần Nông - vị thần có liên quan đến các công việc đồng áng của Nhân dân; lễ tiền cổ hương chức do chính quyền địa phương, ban quản lý đình thần, ban, ngành đoàn thể xã cùng Nhân dân dâng hương, bày tỏ lòng tôn kính, tưởng nhớ công ơn các danh thần, các anh hùng, liệt sĩ, các bậc tiền nhân có công xây dựng, bảo vệ Tổ quốc và quê hương. Sau các phần lễ, người dân cúng bái tự do, cầu bình an cho gia đạo, công việc hanh thông, sức khỏe… Khách thập phương cũng tựu về đông đảo, kể cả ngoài tỉnh, đôi khi là những người từng sinh ra và lớn lên rồi trở về thăm quê, kết hợp đóng góp xây dựng cầu, đường, tặng quà cho người nghèo…
Ngày hội đoàn kết
Không chỉ giữ gìn các giá trị truyền thống, người dân ở các địa phương còn đóng góp kinh phí để tôn tạo, sửa chữa những ngôi đình, miếu sau thời gian xuống cấp, giữ lại công trình có ý nghĩa trong đời sống tinh thần của mình. Những năm qua, ngân sách của tỉnh còn chi một phần lớn để hỗ trợ các địa phương thực hiện sửa chữa, nâng cấp các ngôi đình, miếu, nhất là những công trình được công nhận di tích lịch sử, di tích kiến trúc nghệ thuật cấp tỉnh, cấp quốc gia; trao tặng các bản sao phiên bản sắc phong… Theo thời gian, mái đình thấp thoáng dưới hàng cây cổ thụ vẫn vững chãi, hiện hữu ở đầu làng, bến sông, gợi hình ảnh đặc trưng về quê hương cho mỗi người con sinh ra và lớn lên.
Trong những ngày thường, không gian mát mẻ trong đình trở thành nơi sinh hoạt gần gũi của đông đảo bà con từ già đến trẻ. Quanh gốc bồ đề tỏa bóng mát rộng rãi trong sân đình Vĩnh Nguơn (TP. Châu Đốc), ngày nào cũng có vài bàn cờ tướng, là điểm hẹn của những người mê bộ môn thể thao trí tuệ. Học sinh, thiếu nhi cũng chọn sân đình là nơi để chơi trò chơi dân gian, hoạt náo tập thể, tập múa cho các buổi văn nghệ ở trường.
Đến lệ cúng đình lại càng vui hơn, phần hội được người dân háo hức mong chờ, bởi có rất nhiều nội dung vui tươi, sôi nổi. “Trong hội, tuần tự sẽ diễn ra hội thao, hội thi, trò chơi dân gian; đại bội (hát bội, hát chầu) trước để cúng thần, sau để giúp vui cho dân làng. Những tuồng hát bội được chọn lọc kỹ, mang ý nghĩa trung hiếu, như: San hậu, Tiêu Anh Phụng cứu chúa, Quang Trung đại thắng quân Thanh… Có nơi sẽ tổ chức sinh hoạt đờn ca tài tử, ca tân cổ…” - ông Năm Định, đại diện lớp cao niên ở xã Khánh Hòa, huyện Châu Phú chia sẻ.
Hòa mình vào hội cúng đình còn được xem thi bắt vịt trên sông, trò chơi đập nồi, cờ tướng, đẩy gậy… Các trò chơi không chỉ tạo không khí rộn ràng cho phần lễ, mà góp phần gắn kết làng xóm, nhất là các môn thi đấu tập thể, như: Kéo co, nhảy bao bố, đua xuồng… Các môn thể thao hiện đại cũng được đưa vào thi đấu, phù hợp lứa tuổi thanh niên như bóng đá, bóng chuyền… Một sự giao thoa hài hòa, nơi mà người xưa tự hào giữ lại những giá trị trăm năm và người trẻ nối tiếp đón nhận, bồi đắp thêm tình yêu với quê hương.
Các cuộc thi trong phần hội không chú trọng thắng thua, giải thưởng cao hay thấp, mà bà con vui vẻ vì có dịp gặp nhau, trò chuyện, thăm hỏi về tình hình đời sống, làm ăn. Có những vị khách phương xa đến xem cho biết, hoặc là người xa quê trở về cúng Thành hoàng… Những lúc này, người ở quê rất đỗi tự hào, thấy lễ cúng đình là việc rất ý nghĩa và cần thiết để giáo dục cho các thế hệ về văn hóa địa phương, nhớ về nguồn cội…
HOÀI AN