Nga bình luận về ý tưởng thành lập quân đội châu Âu chung

08/01/2024 - 19:29

Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Ngoại giao Italy Antonio Tajani nói rằng EU nên thành lập quân đội của riêng mình, lực lượng này có thể đóng vai trò duy trì hòa bình và ngăn ngừa xung đột.


Binh sĩ Italy tham gia buổi lễ chính thức đánh dấu việc bắt đầu triển khai quân của NATO trên lãnh thổ Bulgaria tại căn cứ quân sự Novo Selo, Bulgaria, ngày 17/10/2022. Ảnh: AFP

Hãng thông tấn RIA Novosti (Nga) dẫn lời người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nga Maria Zakharova ngày 7/1 cho rằng  EU nên giải quyết những vấn đề quan trọng hơn trước khi thành lập quân đội của riêng mình, đề cập về tuyên bố của Phó Thủ tướng Italy Antonio Tajani.

Bà Zakharova đặt câu hỏi về các ưu tiên của EU, gợi ý rằng trước khi thành lập quân đội chung, EU nên tập trung phát triển vắc-xin COVID-19 của riêng mình, đảm bảo vấn đề nhân đạo biên giới theo nghĩa vụ quốc tế và giải quyết vấn đề người tị nạn và di cư.

Bà Zakharova cũng nêu lên những lo ngại thực tế về quân đội EU, cho rằng  trước khi thành lập quân đội EU, khối  này cần hiểu các khía cạnh hậu cần, chẳng hạn như loại nhiên liệu mà các phương tiện quân sự và máy bay sẽ sử dụng.

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nga chỉ ra một kịch bản giả định trong đó Tổng thống Mỹ Joe Biden có thể tận dụng giá nhiên liệu để gây áp lực lên EU nếu họ không đáp ứng được những kỳ vọng nhất định, đồng thời đặt câu hỏi về gánh nặng tài chính đối với thành viên EU khi cũng là các nước NATO phải đóng góp vào những "quỹ chung".

Trước đó, Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Ngoại giao Italy Antonio Tajani đã ủng hộ việc thành lập quân đội EU.

Ông Tajani nhấn mạnh sự cần thiết phải hợp tác quốc phòng mạnh mẽ hơn trong EU để duy trì hòa bình và ngăn chặn xung đột trên toàn cầu.

Trích dẫn các cuộc cuộc xung đột đang diễn ra ở Ukraine và Dải Gaza giữa Israel-Hamas, Ngoại trưởng Tajani lập luận rằng EU, tương tự như những cường quốc như Mỹ, Trung Quốc, Ấn Độ và Nga, phải sở hữu lực lượng quân sự của riêng mình.

Ông Tajani nói: “Nếu chúng ta (EU) muốn trở thành lực lượng gìn giữ hòa bình trên thế giới, chúng ta cần có quân đội châu Âu và đây là điều kiện cơ bản để có một chính sách đối ngoại châu Âu hiệu quả”. 

Ngoại trưởng Tajani cũng kêu gọi thay đổi ban lãnh đạo EU, đề xuất chuyển sang hệ thống chủ tịch duy nhất thay vì sắp xếp như hiện nay với các vị trí riêng biệt cho Chủ tịch Hội đồng châu Âu và Chủ tịch Ủy ban châu Âu. Cải cách được đề xuất này nhằm mục đích hợp lý hóa các quy trình ra quyết định trong EU.

Theo VŨ THANH (Báo Tin tức)