Trước diễn biến đột biến của dịch bệnh, nhu cầu chi cho phòng chống dịch, chi an sinh xã hội, chi hỗ trợ phục hồi phát triển kinh tế - xã hội đều tăng đột biến.
Trong đó, Trung ương đã chi 24.880 tỷ đồng, bao gồm 18.130 tỷ đồng từ dự phòng ngân sách Trung ương (NSTW) năm 2021 để mua vaccine và chi cho công tác phòng chống dịch; mua gạo dự trữ quốc gia xuất cấp cho người dân gặp khó khăn do dịch COVID-19 và hỗ trợ người lao động, người sử dụng lao động gặp khó khăn theo Nghị quyết số 68/NQ-CP của Chính phủ.
Thủ tướng Chính phủ đã quyết định xuất 7.940 tỷ đồng từ Quỹ vaccine phòng COVID-19 để mua vaccine; xuất cấp vật tư, trang thiết bị dự trữ quốc gia cho công tác phòng, chống dịch; xuất cấp 137.090 tấn gạo dự trữ quốc gia cho 31 địa phương để hỗ trợ người dân bị ảnh hưởng của dịch COVID-19.
Cập nhật trên thống Hệ thống thông tin Quản lý ngân sách và Kho bạc (Tabmis) cho biết: Thu NSNN 10 tháng năm nay đạt 1.224.300 tỷ đồng, bằng 91,1% dự toán (NSTW đạt 87% dự toán; ngân sách địa phương - NSĐP đạt 96,7% dự toán).
Theo Bộ Tài chính, do tiến độ chi thấp hơn tiến độ thu ngân sách nên về tổng thể cân đối NSNN 10 tháng năm nay có thặng dư; trong đó, cân đối NSTW bội chi, NSĐP có thặng dư lớn.
Bộ Tài chính đã chủ động điều hành việc phát hành trái phiếu Chính phủ để vừa sử dụng có hiệu quả ngân quỹ nhà nước, vừa đảm bảo nguồn thanh toán, chi trả kịp thời các khoản nợ gốc đến hạn và góp phần định hướng sự phát triển của thị trường, cơ cấu lại nợ công. Lũy kế đến ngày 28/10/2021 đã thực hiện phát hành được 253.860 tỷ đồng trái phiếu Chính phủ, với kỳ hạn bình quân 13,34 năm, lãi suất bình quân 2,27%/năm.
Liên quan tới công tác quản lý tài chính doanh nghiệp và cổ phần hóa, thoái vốn doanh nghiệp Nhà nước, đại diện Bộ Tài chính cho biết: Trong 10 tháng đầu năm, đã thoái vốn Nhà nước tại 13 doanh nghiệp với giá trị sổ sách là 287 tỷ đồng, thu về 2.166,4 tỷ đồng. Bên cạnh đó, Bộ Tài chính nhận được báo cáo phê duyệt phương án cổ phần hóa 3 doanh nghiệp thuộc Tổng công ty Lương thực Miền Bắc và Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam với tổng giá trị doanh nghiệp là 252 tỷ đồng, trong đó phần vốn của các tập đoàn, tổng công ty là 151 tỷ đồng.
Trong bối cảnh dịch bệnh kéo dài, một số chuyên gia tài chính cho biết: Thách thức đối với ngành Tài chính vẫn còn lớn. Trước hết, thu từ nền kinh tế sẽ khó khăn vì doanh nghiệp chưa phục hồi được một sớm một chiều, trong khi các biện pháp chi kích thích tăng trưởng, chi an sinh xã hội vẫn phải thực hiện và chi phí cho công tác phòng dịch cũng không thể giảm. Do đó, thách thức trong điều hành cân đối thu - chi vẫn khó khăn.
Tuy nhiên, nhiều chuyên gia kinh tế kỳ vọng: Việt Nam có nền tảng tài chính cho đến giai đoạn này tương đối vững chắc. Nguồn thu từ nền kinh tế chiếm tỷ trọng tương đối lớn, phụ thuộc vào xuất khẩu giảm nhưng năm nay Việt Nam xuất khẩu tương đối tốt; thu không phụ thuộc vào giá dầu nhưng giá dầu hiện nay cũng tương đối tốt. Như vậy, áp lực thu là có song sẽ không quá nặng nề.
Theo MINH PHƯƠNG (Báo Tin Tức)