Đây là tín hiệu đáng mừng cho ngành du lịch Việt Nam nói chung và các doanh nghiệp du lịch TP Hồ Chí Minh nói riêng bắt tay vào việc chuẩn bị khôi phục lại thị trường du lịch sau nhiều tháng “ngủ đông”.
Doanh nghiệp chuẩn bị sẵn sàng
Chị Đỗ Thị Hồng Thắm, ngụ phường Cô Giang, Quận 1 cho biết, ngay khi có thông tin người dân có "hộ chiếu vaccine" ("thẻ xanh") là đủ điều kiện để đi du lịch khi hết giãn cách xã hội, chị cảm thấy khá mừng bởi chị đã có "thẻ xanh" từ 3 tuần trước.
Nhiều người dân đã chuẩn bị lên kế hoạch đi du lịch sau khi dịch bệnh được kiểm soát và đã tiêm đủ 2 mũi vaccine phòng COVID-19 (ảnh chụp trước khi dịch bệnh bùng phát).
“Thẻ xanh" đã được các nước sử dụng từ lâu để mở cửa thị trường du lịch, hiện nay TP Hồ Chí Minh đang thực hiện việc phủ kín vaccine nên việc dùng "thẻ xanh" để mở cửa các ngành nghề trong đó có du lịch là rất hợp lý. Tôi đã lên kế hoạch sau khi dịch bệnh được kiểm soát sẽ đi du lịch Phú Quốc vài ngày để thư giãn sau gần 1 năm chỉ biết loanh quanh ở trong nhà”, chị Thắm nói.
Theo khảo sát của nền tảng đặt dịch vụ du lịch trực tuyến Agoda, khi các quy định giãn cách được gỡ bỏ, du khách sẽ ưu tiên lựa chọn những điểm đến biển và gần gũi với thiên nhiên làm nơi đầu tiên ghé thăm sau đại dịch.
Cụ thể, có khoảng 14% du khách cho biết họ đã sẵn sàng cho chuyến du lịch của mình ngay trong tháng đầu tiên sau khi lệnh giãn cách được gỡ bỏ, trong đó 5% nói rằng sẽ “xách ba lô lên và đi ngay lập tức khi được cho phép"; có hơn ¼ người được khảo sát thận trọng hơn cho rằng sẽ chỉ đi trong khoảng 2 - 4 tháng sau khi nhận thấy tình hình dịch đã ổn hơn và có tới 16% khách cho rằng họ sẽ bắt đầu nghĩ đến việc du lịch khi tỉ lệ tiêm vaccine ngừa COVID-19 đạt 80% hoặc Việt Nam đã đạt miễn dịch cộng đồng.
Việc áp dụng "thẻ xanh" chứng nhận tiêm đủ 2 mũi vaccine để có thể di chuyển nội địa đang mở ra cơ hội cho ngành du lịch hồi phục.
Trước thông tin sẽ áp dụng thẻ xanh để mở cửa ngành du lịch, nhiều doanh nghiệp lữ hành tỏ ra khá vui mừng vì ngành du lịch sẽ sớm “tan băng” sau gần 5 tháng đóng băng.
Bà Trần Thị Bảo Thu, Giám đốc Tiếp thị - Truyền thông Công ty Lữ hành Fiditour - Vietluxtour cho biết, thông tin áp dụng "thẻ xanh" trong du lịch đã khiến các doanh nghiệp như "hồi lại", bởi gần 100% nhân viên, người lao động của Lữ hành Fiditour - Vietluxtour đã được tiêm từ 1 - 2 mũi vaccine COVID-19. Ngay khi có thông tin về việc Chính phủ cho phép thu hút khách du lịch đến một số nơi như Phú Quốc, đơn vị cũng đã sẵn sàng đón khách quốc tế với "hộ chiếu vaccine", đồng thời cũng lên kế hoạch phục vụ khách nội địa có “thẻ xanh” (tiêm đủ 2 mũi vaccine hoặc đã khỏi bệnh).
“Đơn vị đang cập nhật liên tục thông tin mới để khách nắm rõ các chính sách mới nhất của ngành và sẽ có những quyết định phù hợp, an toàn nhất cho du khách. Tuy nhiên, muốn mở cửa trở lại ở ngành du lịch thực sự hiệu quả cần tính đến phương án an toàn, bền vững và có lộ trình chứ không thể vội vàng; trong đó việc bổ sung nguồn nhân lực, điểm đến an toàn là rất quan trọng”, bà Trần Thị Bảo Thu cho biết thêm.
Ngành du lịch TP Hồ Chí Minh đã "đóng băng" từ nhiều tháng qua và đang chuẩn bị hồi phục khi có "thẻ xanh".
Tương tự, ông Nguyễn Minh Mẫn, Trưởng phòng Truyền thông - Marketing của công ty TST Tourist cũng cho biết, công ty vừa tiêm vaccine COVID-19 mũi 2 cho 100% cán bộ, nhân viên… để chuẩn bị hoạt động trở lại. Thực tế, suốt thời gian “ngủ đông”, doanh nghiệp vẫn duy trì hoạt động ở tất cả các khối kinh doanh, điều hành, phòng chức năng theo chế độ trực tuyến để khi thị trường được phép mở cửa thì đã sẵn sàng hồi phục trở lại. Dự kiến khi thị trường áp dụng quy định "thẻ xanh", trước mắt công ty sẽ khai thác thị trường nội địa với 8 sản phẩm du lịch tại thành phố, trong đó chủ yếu đưa khách đến các "vùng xanh" như: huyện Cần Giờ, Củ Chi…
Cần lộ trình cụ thể
Theo các doanh nghiệp lữ hành, khi đưa vào ứng dụng hộ chiếu sức khỏe điện tử sẽ tăng khả năng phục hồi cho ngành du lịch, tuy nhiên vẫn có không ít doanh nghiệp tỏ ra lo lắng khi đối diện với tình trạng thiếu hụt nhân lực, thiếu vốn sau khi tái khởi động sau thời gian “ngủ đông” quá dài.
Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch đã có kế hoạch thí điểm đón 40.000 khách quốc tế đến Phú Quốc từ tháng 10 khi du khách có hộ chiếu sức khỏe (ảnh chụp trước khi có dịch COVID-19).
Bà Trần Thị Bảo Thu cho biết, để có thể mở cửa du lịch trở lại cần chuẩn bị các vấn đề về nguồn nhân lực đã có "thẻ xanh", điểm đến an toàn là điểm đến đó là "vùng xanh"… Đối với vấn đề nhân sự, doanh nghiệp cũng cần cơ cấu lại toàn bộ theo điều kiện mới và ưu tiên nhân sự đã tiêm đủ 2 mũi vaccine COVID-19 và đang sinh sống tại TP Hồ Chí Minh. Tuy nhiên, đơn vị vẫn lo thiếu hụt nhân lực để tái khởi động, bởi trải qua các đợt dịch bệnh, nhiều nhân viên đã nghỉ việc và để tuyển lại nguồn nhân lực này cũng không phải dễ khi người đã về quê, người đã chuyển nghề...
Tương tự, ông Nguyễn Minh Mẫn cho biết, doanh nghiệp đã có kế hoạch khôi phục trở lại nhưng điều lo lắng hiện nay là phải bổ sung nguồn nhân lực. Mặt khác, doanh nghiệp còn lo về điểm đến đó có an toàn hay không và sau nhiều tháng "đóng băng" có không ít cơ sở lưu trú đã xuống cấp và thiếu nhân sự phục vụ nên cũng khó khăn cho doanh nghiệp khi xây dựng các tour trở lại.
Trong khi đó, anh Phạm Quý Huy, Giám đốc Công ty Kiwi Travel cho biết, công ty không hoạt động thời gian dài do ảnh hưởng dịch bệnh nên nguồn quỹ dự trữ đã cạn kiệt, vì vậy muốn doanh nghiệp hoạt động trở lại doanh nghiệp rất cần sự hỗ trợ về vốn để hồi phục.
“Hiện nay, nguồn vốn hỗ trợ chưa được tiếp cận nhưng lãi ngân hàng vẫn phải trả hàng tháng, dù doanh nghiệp không có nguồn thu trong mấy tháng nay. Vừa qua, để hỗ trợ doanh nghiệp gặp khó khăn do ảnh hưởng dịch COVID-19, Chính phủ đã có nhiều gói hỗ trợ, như gói 26.000 tỷ đồng, tuy nhiên gói hỗ trợ có quá nhiều tiêu chí nên doanh nghiệp du lịch không đáp ứng được. Mặt khác, một số ngân hàng cũng thông báo giảm lãi cho doanh nghiệp từ 1 - 1,5%/năm, nhưng đến nay vẫn chưa thấy áp dụng. Đây là những rào cản khiến các doanh nghiệp du lịch khó khăn chồng chất khó khăn khi hồi phục trở lại sau dịch chứ chưa cần bàn tới các quy định có khách hàng đáp ứng "thẻ xanh” hay không", ông Phạm Quý Huy nói.
Du khách có nhu cầu đi du lịch khắp cả nước nên người dân các tỉnh cũng cần tiêm đủ vaccine 2 mũi (ảnh chụp trước khi dịch bệnh bùng phát).
Trong khi đó, ông Trần Đoàn Thế Duy, Tổng Giám đốc Vietravel cho biết, điều kiện cần nhất lúc này chính là lộ trình của "hộ chiếu vaccine" ra sao; các, bộ ngành cần cho kế hoạch cụ thể để các doanh nghiệp có thể xây dựng các kế hoạch chi tiết cho phù hợp. Vừa qua, dù dịch bệnh nhưng đối tác nước ngoài vẫn làm việc trực tuyến với Vietravel để nắm bắt thông tin về COVID-19 tại Việt Nam, từ đó họ cũng có hướng đưa đón khách trong thời gian tới.
“Chỉ cần ngành du lịch thống nhất phương án, có văn bản hướng dẫn cụ thể, doanh nghiệp có thể kích hoạt trở lại ngay. Tuy vậy, nhìn chung ngành du lịch vẫn trông chờ vào việc kiểm soát dịch bệnh trên cả nước, nhất là việc người dân đã hoàn thành tiêm vaccine diện rộng, không chỉ dừng ở TP Hồ Chí Minh mà cần phủ vaccine cho tất cả điểm đến trên cả nước. Bởi ngành du lịch là ngành liên kết với các tỉnh thành và du khách có nhu cầu đi khắp cả nước, thậm chí đi du lịch nước ngoài nên việc áp dụng "thẻ xanh" vẫn cần một kế hoạch, một lộ trình phù hợp”, ông Trần Đoàn Thế Duy nói thêm.
Bà Nguyễn Thị Khánh, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch TP Hồ Chí Minh cho biết, việc thí điểm hộ chiếu sức khỏe điện tử ("hộ chiếu vaccine") hay "thẻ xanh" đối với du khách đến Phú Quốc sẽ mở ra hàng hoạt cơ hội cho ngành du lịch của nước ta.
Theo đó, Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch cũng có kế hoạch thí điểm đón 40.000 khách quốc tế đến Phú Quốc, dự kiến từ tháng 10. Thực tế, các nước phát triển đã thí điểm "thẻ xanh" từ lâu, Việt Nam cũng nên nhập cuộc dù tùy vào tình hình thực tế ở nước ta. Trước mắt, có thể đặt ra yêu cầu đối với người dân muốn đi du lịch trong nước cần tiêm đủ 2 mũi vaccine, song song với việc kiểm soát dịch bệnh ở các điểm du lịch trên cả nước để có điểm đến an toàn.
Theo HOÀNG TUYẾT (Báo Tin Tức)