Để thực hiện hiệu quả mục tiêu cải cách TTHC, từng bước hiện đại hóa ngành thuế, Cục thuế tỉnh thường xuyên phổ biến, quán triệt đến từng công chức trong ngành về các nội dung chỉ đạo, hướng dẫn thực hiện nhiệm vụ liên quan đến cải cách TTHC về thuế. Qua đó, giúp công chức ngành thuế nâng cao nhận thức chính trị, chuyển biến về tư tưởng, đổi mới phương pháp và thái độ làm việc, phục vụ người nộp thuế tốt hơn.
Cục Thuế tỉnh An Giang chỉ đạo các bộ phận chức năng trong ngành đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, giải quyết nhanh chóng các thủ tục đăng ký kinh doanh, thủ tục cấp mã số thuế, miễn giảm thuế, hoàn thuế, thu nộp lệ phí trước bạ… Đồng thời, thường xuyên tổ chức tập huấn, cung cấp thông tin, tháo gỡ vướng mắc, tạo điều kiện cho người nộp thuế dễ dàng tiếp cận các thông tin về thuế, công khai các TTHC để người nộp thuế biết, thực hiện đúng các chính sách, pháp luật thuế.
Năm 2022, Cục Thuế tỉnh An Giang đã tham gia xây dựng, hoàn thiện về cơ chế quản lý và chính sách thuế nhằm nâng cao tính phù hợp trong thực hiện hoạt động sản xuất - kinh doanh của DN và công tác quản lý của cơ quan thuế, tạo điều kiện cho người nộp thuế thực thi tốt pháp luật thuế, góp phần hạn chế, chống lách thuế, gian lận thuế, xây dựng môi trường kinh doanh thuận lợi, bình đẳng cho người nộp thuế.
Để DN và người nộp thuế thực hiện tốt nghĩa vụ thuế, ngành thuế tỉnh đã đổi mới công tác tuyên truyền về chính sách, pháp luật thuế theo hướng chuyển đổi số; thực hiện chuyển đổi số trong cải cách TTHC, ứng dụng công nghệ thông tin, nâng cao hiệu quả công tác quản lý thuế để mang lại sự hài lòng cho người nộp thuế. Hoạt động tuyên truyền về chính sách, pháp luật thuế được thực hiện bằng nhiều phương thức, như: Cổng dịch vụ công quốc gia, Cổng thông tin điện tử Tổng cục Thuế, Trang thông tin điện tử Cục Thuế tỉnh và ứng dụng dịch vụ thuế điện tử (eTax)…
Ngành thuế tỉnh khuyến khích người nộp thuế là cá nhân, hộ kinh doanh sử dụng dịch vụ thuế điện tử trên thiết bị di động (eTax Mobile) để tra cứu, nộp thuế liên quan đến cá nhân. Với ứng dụng này, tất cả nghĩa vụ thuế của cá nhân được tích hợp để tra cứu và nộp thuế điện tử, giúp người nộp thuế dễ dàng tiếp cận thông tin, chủ động, thuận tiện thực hiện nghĩa vụ thuế, tiết kiệm được thời gian thực hiện TTHC, tiết kiệm chi phí đi lại và có thể kết nối trực tiếp 24/7 với cơ quan thuế. Ngoài ra, thông qua các nền tảng mạng xã hội, như: Facebook, Zalo, Youtube và cổng thông tin điện tử, ngành thuế tỉnh đã cung cấp dịch vụ thuế theo đối tượng rộng, hỗ trợ và tương tác liên tục, thường xuyên với người nộp thuế theo nhu cầu.
Cục Thuế tỉnh An Giang cho biết, để đẩy mạnh thực hiện cải cách TTHC thuế bằng phương thức điện tử, ngành thuế đã từng bước đưa giao dịch thuế từ mức độ 1, 2, 3 sang thực hiện giao dịch thuế điện tử trực tuyến mức độ 4. Đồng thời, thực hiện chặt chẽ nhiệm vụ kiểm soát các TTHC thuế, nhằm đảm bảo mục tiêu cải cách TTHC được thực hiện toàn diện, đạt hiệu quả cao, tạo thuận lợi cho người dân và DN. Cục Thuế tỉnh thường xuyên kiểm soát, đơn giản hóa TTHC thuế, duy trì tốt việc thực hiện niêm yết công khai TTHC tại trụ sở Cục Thuế và Trang thông tin điện tử Cục Thuế tỉnh. Công tác giải quyết TTHC theo cơ chế “một cửa”, “một cửa liên thông” tại cục thuế, chi cục thuế được duy trì tốt, giúp tỷ lệ giải quyết TTHC trước hạn và đúng hạn chiếm 99,96%, số hồ sơ trong thời hạn giải quyết chiếm tỷ lệ 0,04%, không có hồ sơ bị trễ hạn.
Trong thực hiện cải cách TTHC, ngành thuế chú trọng thực hiện điện tử hóa, số hóa công tác quản lý thuế, nhất là thực hiện chuyển đổi hóa đơn điện tử. Để thực hiện đúng lộ trình chuyển đổi hóa đơn điện tử, ngành thuế tỉnh đã bố trí đầy đủ nhân lực, hạ tầng kỹ thuật, cơ sở vật chất, trang bị kỹ thuật sẵn sàng tiếp nhận, xử lý các yêu cầu về hóa đơn điện tử của người nộp thuế. Đẩy mạnh tuyên truyền, hỗ trợ người nộp thuế về việc triển khai áp dụng hóa đơn điện tử thông qua nhiều hình thức; rà soát, phân loại các DN, tổ chức sử dụng hóa đơn trên địa bàn và đề ra lộ trình triển khai chuyển đổi hóa đơn điện tử phù hợp.
Cục Thuế tỉnh An Giang cho biết, qua rà soát, có tổng số 6.583 tổ chức, DN, hộ kinh doanh đang hoạt động trên hệ thống quản lý thuế phải đăng ký sử dụng hóa đơn điện tử. Nhờ triển khai quyết liệt nhiệm vụ chuyển đổi hóa đơn điện tử, nên đến cuối tháng 6/2022, tổng số 6.583 tổ chức, DN, hộ kinh doanh trên địa bàn tỉnh đã đăng ký sử dụng thành công hóa đơn điện tử qua hệ thống hóa đơn điện tử của Tổng cục Thuế (hoàn thành 100% kế hoạch theo lộ trình chuyển đổi hóa đơn điện tử giai đoạn II).
Thời gian tới, Cục Thuế tỉnh An Giang phấn đấu triển khai xây dựng kế hoạch thực hiện chiến lược cải cách hệ thống thuế giai đoạn 2021 - 2030 đạt hiệu quả. Tiếp tục rà soát, đẩy mạnh cải cách TTHC thuế, điện tử hóa quản lý thuế ở các khâu để hỗ trợ hoạt động kinh doanh của người nộp thuế, giúp cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2023, gắn với nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh của tỉnh. Đồng thời, đẩy mạnh thực hiện các nhiệm vụ xây dựng Chính phủ điện tử, chuyển đổi số; tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, tiếp tục thực hiện tích hợp cung cấp dịch vụ công trên Cổng dịch vụ công quốc gia, với mục tiêu 100% TTHC mức độ 3, 4 được tích hợp...
MỸ LINH