Ngày cuối tuần ở Tiểu đoàn Huấn luyện - Cơ động

09/04/2024 - 06:43

 - Từ thứ 2 đến thứ 6, chiến sĩ mới thuộc Tiểu đoàn Huấn luyện - Cơ động (Bộ đội Biên phòng tỉnh An Giang) có lịch huấn luyện, học tập theo quy định tại hội trường hoặc thao trường. Ngày thứ 7, nhiều hoạt động ngoại khóa, giải trí được tổ chức, nên chiến sĩ rất mong chờ.

Vừa bước chân vào Tiểu đoàn, chúng tôi nhìn thấy một nhóm chiến sĩ đang chăm chú luyện tập 5 vũ điệu trong sinh hoạt tập thể (vũ điệu hành quân, vũ điệu quân dân, vũ điệu niềm tin, vũ điệu hòa bình và vũ điệu lính trẻ). Mới tiếp cận động tác, ai nấy đều cứng nhắc, quên bài liên tục. Hai anh em sinh đôi Nguyễn Văn Nam và Nguyễn Văn Việt cũng thế. Cùng nhập ngũ tháng 2, cùng trung đội, chỉ khác tiểu đội, cả hai hoàn thành phần nào mong ước cống hiến cho quân đội. “Chúng tôi không có năng khiếu nhảy múa, nên việc tập luyện vất vả hơn đồng đội. Nhưng các hoạt động này giúp chúng tôi linh hoạt tay chân, bớt thụ động hơn lúc ở nhà” - cả hai bày tỏ.

Ngoài vườn, một trung đội đang thực hành đào bếp Hoàng Cầm cấp 1. Tất cả đều được giao nhiệm vụ, không ai đứng ngoài quá trình thực hành. Nhóm này đào bếp và các đường dẫn khói; nhóm kia ngụy trang bằng củi, lá dừa, cỏ khô, lấp đất cát cho kín, rồi tưới nước lên. Sau khi bếp hoàn thành, cán bộ huấn luyện bắt đầu giảng giải công năng, cách thức sử dụng và trực tiếp nấu thức ăn trên bếp. Đến lúc nhìn thấy khói tản là đà rất mỏng trên mặt đất, chiến sĩ dần hiểu được công dụng “thần kỳ” của bếp Hoàng Cầm trong chiến tranh.

Học 5 vũ điệu sinh hoạt tập thể

Trước khi nhập ngũ, Chau Tha Quáth đã thuần thục nấu bếp củi giúp mẹ làm bánh bán. Nhập ngũ rồi, được học lý thuyết về bếp Hoàng Cầm, Quáth vẫn chỉ mường tượng phần nào. “Hôm nay, tôi được trực tiếp chứng kiến toàn bộ công đoạn đào bếp, nhớ các thông số cần thiết, tham gia vào nhóm lấp hố ngụy trang. Nhờ vậy, tôi càng hiểu rõ nội dung học tập này, thấy chúng rất gần gũi, thiết thực” - Quáth chia sẻ.

Khác với ấn tượng của mọi người về một doanh trại nghiêm túc, chỉ có huấn luyện và học tập nghiêm khắc, ngày cuối tuần ở Tiểu đoàn sôi động vô cùng. Chiến sĩ chia thành nhiều nhóm, rủ nhau chơi bóng chuyền, vật tay, cờ tướng… thoải mái kết bạn và chia sẻ sở thích cá nhân. Thậm chí, Ban Chỉ huy Tiểu đoàn còn tạo điều kiện, cung cấp thiết bị để chiến sĩ thỏa mãn niềm đam mê ca hát. Tiếng hát có thể chưa hay, âm thanh có thể hơi ồn, nhưng tất cả đều “xí xóa”, tôn trọng phút giây giải trí của chiến sĩ.

Thượng úy Phạm Hải Việt (Chính trị viên phó Tiểu đoàn) thông tin: “Mỗi cuối tuần, Đảng ủy, Ban Chỉ huy Tiểu đoàn tổ chức luân phiên hoạt động cho chiến sĩ, đảm bảo tất cả chiến sĩ đều được tiếp cận đầy đủ nội dung ngoại khóa. Các chi đoàn phối hợp Đoàn thanh niên địa phương tổ chức giao lưu văn hóa - văn nghệ, thể dục - thể thao, trò chơi dân gian, đêm sinh nhật đồng đội… Nhờ vậy, tình đồng đội giữa chiến sĩ mới, giữa chiến sĩ và đoàn viên, thanh niên địa phương được thắt chặt hơn. Cũng từ các hoạt động ngoại khóa, chiến sĩ cảm thấy vui vẻ, hòa nhập nhanh với môi trường quân ngũ, tự tin hơn trước rất nhiều”.

Cuối tuần cũng là thời điểm chiến sĩ trông đợi nhất, vì người nhà, bạn bè được phép vào thăm. Tranh thủ ít phút nghỉ giải lao hoặc hoàn thành xong phần ngoại khóa, chiến sĩ mừng vui gặp gỡ, trò chuyện, ăn uống với người thân trong khuôn viên Tiểu đoàn. Chiến sĩ Nguyễn Minh Chiến đang phụ nấu bếp, nghe tin người nhà đến thăm, vội chạy ra gặp.

Ba mẹ mất từ nhỏ, Chiến ở với ông bà nội. Đến tuổi, Chiến viết đơn tình nguyện thi hành nghĩa vụ quân sự. Mấy tuần trước, ông nội từ phường Núi Sam (TP. Châu Đốc) đến thăm. Tuần này, người bác ruột Nguyễn Văn Dũng có việc đi ngang, mua hộp cơm và ly trà sữa ghé ngang thăm Chiến. Ông Dũng vừa dặn dò cháu ráng học tập, rèn luyện, nghe lời chỉ huy đơn vị, vừa gửi gắm cán bộ Tiểu đoàn: “Cháu tôi hoàn cảnh côi cút, người lớn bận rộn công việc nên ít có điều kiện quan tâm chăm sóc. Nay cháu vào đơn vị, mong các anh quan tâm kiềm cặp, hướng dẫn cháu tận tình, gia đình tôi rất cám ơn!”.

Thoáng chốc, buổi sáng thứ 7 trôi qua gần hết, giờ ăn trưa đã điểm. Đây cũng là lúc nồi cơm lá dứa, nồi canh chua được nấu trên bếp Hoàng Cầm tỏa mùi thơm cồn cào bụng đói. Thấy chúng tôi ngạc nhiên, thượng úy Nguyễn Văn Vũ Linh (Đại đội trưởng Đại đội huấn luyện 1) giải thích: “Chúng tôi không chỉ giới thiệu cấu tạo, cách thức đào bếp Hoàng Cầm, mà còn giúp chiến sĩ thấy rõ hiệu quả của bếp. Dù chỉ là bài tập thực hành, nhưng bếp vẫn có thể nấu nướng không khác gì bếp thật”.

Tiếp nối nội dung dã ngoại thú vị này, chiến sĩ còn được ăn bữa cơm trưa trong vườn, gần bếp Hoàng Cầm vừa nấu lúc nãy. Mỗi người tự cầm theo chén, đũa cá nhân, xúm xít dọn món từ bếp ra chỗ ăn. Trên chiếc bạt xanh trải rộng, giữa khung cảnh mát mẻ của vườn cây, chiến sĩ quây quần cùng nhau ăn bữa cơm thật vui, khác với không khí ăn cơm tập thể trong bếp ngày thường. Bữa ăn ấy chắc chắn để lại ấn tượng khó quên trong đời quân ngũ của từng chiến sĩ, nhắc họ nhớ đến tầm quan trọng của việc học - thực hành - tận hưởng thành quả do chính mình làm ra.

GIA KHÁNH