Trong đợt dịch COVID-19 lần thứ 4 bùng phát cuối tháng 4, đầu tháng 5/2021, Bắc Giang là tỉnh chịu ảnh hưởng nặng nề nhất. Mọi lĩnh vực kinh tế - xã hội bị ảnh hưởng; trong đó, doanh nghiệp, doanh nhân được xem là “rường cột” của nền kinh tế cũng lâm cảnh khó khăn chồng chất khó khăn. Thời khắc này lại chính là lúc các doanh nghiệp, doanh nhân chứng tỏ bản lĩnh kiên cường, thích ứng một cách linh hoạt đồng lòng cùng chính quyền địa phương vượt qua đại dịch khôi phục, phát triển kinh tế. Dù khó khăn vậy, doanh nghiệp, doanh nhân vẫn chung tay góp công, góp sức gây quỹ từ thiện, quỹ vaccine đồng hành cùng người dân và chính quyền đẩy lùi dịch COVID-19.
Công ty May Bắc Giang (LGG) dự kiến năm 2021 đạt mục tiêu doanh thu 1.100 tỷ vượt 10-15% kế hoạch. Ảnh: TTXVN
Phó Chủ tịch thường trực Hiệp hội doanh nghiệp tỉnh Bắc Giang, Nguyễn Đức Kha cho biết, thời điểm dịch bùng phát và lan rộng, các doanh nghiệp, doanh nhân của tỉnh đã gặp vô vàn thử thách. Nhiều tình huống khó khăn trong sản xuất, kinh doanh ập tới cùng lúc, chưa từng gặp như: giãn cách xã hội khiến công nhân không thể đi làm dẫn đến tình trạng thiếu lao động, công ty không được mở cửa, thiếu nguyên liệu, các đơn hàng đến hạn phải giao, vốn vay tín dụng đến thời gian trả, tài chính thâm hụt, không có tiền trả lương cho công nhân, sản xuất bị đình trệ, chi phí tăng cao…
Phó Tổng giám đốc Tổng Công ty May Bắc Giang (LGG), Nguyễn Văn Tứ nhớ lại: vào ngày 19/5, số lượng ca mắc COVID-19 tại tỉnh Bắc Giang tăng nhanh, huyện Lạng Giang bị cách ly xã hội cùng với 2 huyện nữa. Công ty nằm trên địa bàn huyện Lạng Giang đã phải ngừng hoạt động do người lao động nằm trong diện bị cách ly, giãn cách… Việc sản xuất bị đột ngột dừng lại trong khi các đơn hàng đang đến hạn, nên toàn thể ban giám đốc đã rất lo lắng. Nhưng chưa hết, khó khăn mới chỉ bắt đầu, khi các nguồn nhập nguyên liệu của công ty từ cảng Hải Phòng bị ách tắc, hàng xuất khẩu bị ùn ứ tại các kho logistics chưa đi được… còn dịch bệnh vẫn đang diễn biến hết sức phức tạp chưa thấy điểm dừng.
Trước tình hình "căng như dây đàn", Ban giám đốc LGG vẫn bình tĩnh, một mặt theo dõi chặt diễn biến dịch bệnh, một mặt theo sát chỉ đạo phòng, chống dịch của tỉnh Bắc Giang.
Mô hình “3 tại chỗ” (sản xuất tại chỗ, ăn uống tại chỗ, nghỉ ngơi tại chỗ) khi đó là cứu cánh, hợp lý nhất trong tình hình dịch bệnh. Xác định mục tiêu chính trước hết là phòng, chống dịch để khôi phục sản xuất, ngay lập tức công ty đã bắt tay vào thực hiện.
Chi phí thực hiện phương án “3 tại chỗ”, khi đó cũng là bài toán đau đầu với công ty, khi xuất hiện hàng loạt các hạng mục tốn kém như: cải tạo nhà xưởng để có nơi làm việc giãn cách, chỗ ở cho người lao động, khu vệ sinh … Ngoài ra còn hàng loạt các chi phí phòng, chống dịch như: xét nghiệm định kỳ, suất ăn miễn phí cho người lao động ở tại công ty, đầu tư trang thiết bị chống dịch, nước sát khuẩn…
Chưa hết, số lượng người lao động làm việc trong thời gian này chỉ khoảng 1/3 (khoảng 1.000 lao động), dẫn tới khó hoàn thành các đơn hàng. Một mặt công ty đã phải thương lượng với đối tác để lui thời gian, mặt khác đẩy mạnh sản xuất như tăng ca... kéo theo chi phí tiền lương tăng cao. Để kịp các đơn hàng giữ chữ tín với khách hàng, công ty cũng mạnh dạn chuyển đổi hình thức vận tải từ hàng hải sang hàng không mặc dù chi phí cao hơn gấp nhiều lần.
Mặc dù khó khăn là vậy, các doanh nghiệp, doanh nhân của tỉnh Bắc Giang vẫn không ngừng hỗ trợ, giúp đỡ người dân qua cơn “bĩ cực”, chung sức đồng lòng cùng chính quyền tỉnh, địa phương thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch.
Phó Chủ tịch thường trực Hiệp hội doanh nghiệp tỉnh Bắc Giang, Nguyễn Đức Kha cho biết, doanh nghiệp, doanh nhân trong Hiệp hội doanh nhân của tỉnh Bắc Giang đã đóng góp 50 tỷ đồng; trong đó 20 tỷ đồng cho Quỹ vaccine phòng, chống dịch của tỉnh. Ngoài ra, nhiều doanh nghiệp cũng đóng góp nhu yếu phẩm, trang thiết bị, vật tư phòng, chống dịch trị giá hàng chục tỷ đồng.
Chưa kể nhiều doanh nghiệp, doanh nhân âm thầm trợ giúp người lao động; cung cấp bữa ăn miễn phí cùng nhiều nhu yếu phẩm hàng ngày cho người dân trong các khu cách ly.
Nhờ có sự hỗ trợ, đồng lòng của các doanh nghiệp, doanh nhân cùng với quyết tâm chống dịch, dịch bệnh đã được đẩy lùi. Và các doanh nghiệp, doanh nhân trên địa bàn tỉnh lại tất bật hơn với mục tiêu kép “Sản xuất để chống dịch, chống dịch để sản xuất”.
Nhà máy sản xuất hàng may mặc xuất khẩu của Tổng Công ty May Bắc Giang lại rộn ràng tiếng máy của hơn 4.000 công nhân.
Phó Tổng giám đốc Tổng Công ty May Bắc Giang, Nguyễn Văn Tứ vui mừng chia sẻ, hiện công ty đã tiếp nhận nhiều đơn hàng từ Mỹ, Nhật, châu Âu…, nhờ đó năm nay, công ty vẫn dự kiến đạt doanh thu 1.100 tỷ đồng, vượt chỉ tiêu 10%-15%.
Chia sẻ thêm niềm vui, Phó Tổng giám đốc Nguyễn Văn Tứ cho biết, công ty đã được vay đợt 2 với tổng số tiền 27 tỷ đồng từ Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh Bắc Giang theo Nghị quyết số 68/NQ-CP và Quyết định số 23/2021/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về thực hiện một số chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch COVID-19. Đây là nguồn vốn quý báu thể hiện sự quan tâm, động viên kịp thời từ Chính phủ đối với doanh nghiệp, giúp doanh nghiệp mau chóng phục hồi sản xuất, kinh doanh.
Phó Chủ tịch thường trực Hiệp hội doanh nghiệp tỉnh Bắc Giang, Nguyễn Đức Kha cho biết, đã có nhiều doanh nghiệp ở tỉnh đăng ký đạt và vượt mục tiêu sản xuất kinh doanh của năm nay.
Kết quả này đã thể hiện rõ nét trong báo cáo kết quả tình hình kinh tế 9 tháng năm 2021 của tỉnh Bắc Giang. Dù gặp khó khăn do dịch COVID-19, tăng trưởng kinh tế (GRDP) của tỉnh vẫn đạt 5,5%, tăng cao nhất là quý III đạt 6,7% bù đắp sự sụt giảm của quý II/2021. Đây là thành quả lớn của toàn dân và chính quyền tỉnh Bắc Giang; trong đó doanh nghiệp, doanh nhân luôn đóng vai trò tiên phong. Qua gian khó mới thấy được bản lĩnh thép của mỗi doanh nghiệp, doanh nhân.
Theo LÊ DANH LAM (TTXVN)