Khi những cơn gió Lào bắt đầu xao xác rặng tre gầy, cái ran rát đã cảm nhận được trên da thịt cũng là lúc ngày nghỉ hè chính thức bắt đầu.
AA
Cánh đồng làng mới tháng trước còn loáng nước như một tấm gương đặt ngửa giữa trời giờ mỗi ngày cứ mỗi rộc đi. Những khoảnh lúa sớm lần lượt nhuốm vàng cũng là lúc lũ cá lóc (quê tôi gọi là cá tràu) bắt đầu quẫy rộn.
Với sự nhạy cảm trời cho, biết rằng không bao lâu nữa những chân ruộng cạn sẽ còn trơ đáy, chúng bắt đầu tìm lối thoát xuống ruộng sâu. Khi một con tìm được lối đi, các con khác cũng theo một lối. Chẳng khó khăn gì để nhận ra vết trườn của các chú qua bờ. Một chiếc hố sâu sẽ được đào ngay vị trí đó.
Minh họa: HUYỀN TRANG
Đêm đến, khi cánh đồng mênh mông đã chìm trong tĩnh lặng, đàn cá bắt đầu kéo nhau đi. Vậy là 1 rồi 2-3 con… cứ thế nối nhau chúi đầu xuống hố. Cá lóc tuy có khả năng phóng mình lên rất cao nhưng chỉ khi chúng ở trong nước. Còn trong chiếc hố sâu, con này đè lên con khác thì chỉ còn biết nằm im chịu chết. Chao ôi, có những hố chúng tôi lượm được cả rổ. Những chú cả lóc đen trùi trũi chẳng biết đã qua bao chân ruộng cạn, ruộng sâu, bao mùa mưa nắng. Có những con già đến độ rêu bám cả trên đầu.
Trong các giống cá đồng thì cá lóc khỏe, dẻo dai và tinh ranh nhất. Rất khó bắt được chúng nếu chỉ dùng tay không. Ấy thế nhưng trong cuộc tìm kiếm môi trường để sinh tồn, chúng vô tình lại biến mình thành kẻ khờ khạo thế.
Tốn công sức hơn nhưng niềm vui lấm láp của tuổi thơ khó gì sánh được, ấy là tát cá. Khi những chân ruộng chỉ còn trơ gốc rạ, vài vũng nước lam nham như mảnh gương vỡ dưới nắng mặt trời thì những con mương thủy lợi, những hố bom, đìa cũng là nơi các loài cá lũ lượt theo về.
Tháng trước, chúng tôi đã hợp sức chặt cành duối bỏ chuôm. Dưới cái nắng hè lồng gió Lào như quạt lửa, những cụm chuôm bỗng chốc trở thành ngôi nhà lý tưởng cho lũ cá. Khi mực nước thấp để be bờ được cũng là lúc “chiến dịch” tát cá bắt đầu. Một quãng mương chừng 5-6 m lần lượt được chắn lại rồi cứ 2 đứa 1 chiếc gàu dai hì hụi tát. Ngấn nước vừa hạ xuống chừng một gang tay, đàn cá thấy động đã nhảy dựng lên. Những mống nước nhỏ xíu cũng bắt đầu xoay tròn trên mặt nước. Dấu hiệu nhiều cá khiến chúng tôi không kìm được phấn khích hét váng lên.
Nhịp gàu chậm dần. Khi đáy mương chỉ còn xăm xắp nước cũng là lúc một thế giới sản vật đồng quê lần lượt hiện ra: này là những chú cá diếc trắng như bạc thoi lách mình đành đạch; những con rô “cụ” mang trên mình lớp vảy màu đồng thau và hàng vi sắc như dao, ngoe ngoảy trên lớp bùn đặc sánh. Này là những chú cá trê da vàng như phết nghệ, lũ cá ngạnh bụng trắng hếu, giương cặp ngạnh cứng như đinh…
Chưa hết. Dưới làn nước ngầu bùn kia còn là thế giới của các loài bé nhỏ: những chú cá bạc loi choi thân trắng như dát bạc; những chú cá lòng tong mang trên mình lớp vảy trong suốt như thủy tinh. Những chú tôm mang đôi càng quá khổ, ngoe nguẩy búng mình tanh tách. Còn đàn cá lia thia khoác tấm áo sặc sỡ, tha thướt chiếc đuôi đỏ mỏng manh. Có cả cua đồng và những chú rạm chắc nịch nữa. Với cái thế giới nhỏ bé ấy, cá lia thia là thứ duy nhất chúng tôi mang về. Chọi cá lia thia là một thú vui của chúng tôi trong những ngày nghỉ hè.
Bao mùa hè lấm láp vị bùn ngỡ như mới đó mà đã rất xa. Cánh đồng làng bây giờ không còn là cánh đồng của thế giới tuổi thơ bởi gần như chẳng còn đâu tôm cá. Da diết nhớ niềm vui bé nhỏ sau những buổi đi tát cá về; nhớ món canh chua nấu khế, món cá đồng sánh vàng màu nghệ mẹ om trong trấu bao nhiêu lại càng đồng cảm bấy nhiêu với nhà thơ Chế Lan Viên: “Canh cá tràu mẹ thường hay nấu khế/Khế trong vườn thêm một tí rau thơm/Ừ thế đó mà một đời xa cách mẹ/Ba mươi năm trở lại nhà, nước mắt xuống mâm cơm”.
Theo Báo Gia Lai
Mọi phản ánh, ý kiến, tin, bài và hình ảnh cộng tác của độc giả có thể gửi đến Báo An Giang theo địa chỉ: