Ngày về…

12/10/2021 - 06:12

 - Chuyến xe của Đội K90 (Quân khu 9) hôm ấy chạy xuyên đêm từ TP. Hồ Chí Minh về An Giang. Trên xe chở 24 “hành khách” đặc biệt. Hành trang của họ là chính họ, cùng với mảnh giấy xác nhận hỏa táng sau khi tử vong vì COVID-19. Lần về quê này của họ là lần cuối cùng trong hành trình “Ra đi gửi yêu thương, trở về trong tưởng nhớ”.

Bà Đặng Thị Tuyết L. (sinh năm 1966, ngụ xã Thạnh Mỹ Tây, huyện Châu Phú, tỉnh An Giang) là một trong 24 “hành khách” ấy. Chồng mất gần 20 năm, một tay bà làm thuê nuôi con. Con lớn rồi, mà cảnh nghèo vẫn đeo bám, nghề thợ may của bà chẳng vá nổi đời mình. Làm mướn ở đâu cũng là làm mướn, bà chặc lưỡi, theo các con đi đến tỉnh Bình Dương. Lớn tuổi, khó xin việc, các con đi làm công nhân, bà ở nhà trọ giữ cháu, đỡ đần việc nhà.

Lần gần nhất bà về quê đã là chuyện của 1 năm trước. Những lời hứa hẹn “bữa nào thu xếp về” với người mẹ già Lê Thị Sét (sinh năm 1931) bị cuốn trôi theo cơn bão dịch COVID-19. “Đầu tháng 7-2021, con gọi về, cho hay “bị nóng, ho, chắc tại trời trở gió, nhưng uống thuốc thấy bớt”. Lúc này, trong nhà có người bệnh, tôi lu bu chăm sóc, không điện thoại hỏi thăm con. Cả tuần sau, tôi rụng rời nghe tin con đã mất, không còn dịp nào được nhìn thấy, nghe thấy nó nữa!” - bà Sét khổ sở kể lại.

Vận chuyển tro cốt người tử vong vì COVID-19 đến An Giang

Kể từ ngày con gái qua đời, không đêm nào bà Sét ngủ trọn giấc. Trong 5 đứa con, cháu đi làm xa, có 3 đứa bị nhiễm COVID-19. Sức trẻ vượt qua được, còn người con gái bà lớn tuổi, mắc bệnh tiểu đường, đành bỏ mình. Bà thương con lưu lạc đất khách, bà thương mình đầu bạc tiễn đầu xanh. Đôi mắt bà đục ngầu, đỏ hoe: “Ở nhà, mấy đứa nhỏ lập bàn thờ, làm đám tang cho L., còn tro cốt không biết khi nào mới được nhận. Tôi già cả, mù mịt thông tin, đi đâu để nhận con bây giờ? Hôm trước, nghe nói bộ đội sẽ đưa tro cốt người mất về, tôi mừng trong bụng. Càng gần tới ngày con về, tôi càng không ngủ được. Đêm nào cũng thức tới 1-2 giờ sáng”.

Sau khi Đội K90 bàn giao tro cốt người mất do COVID-19 cho Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh, vài giờ sau, chính quyền địa phương, Ban Chỉ huy Quân sự xã Thạnh Mỹ Tây cẩn thận ôm hộp tro cốt của bà L. về tận nhà. Hôm ấy, cũng vừa tròn 49 ngày mất của bà. Con, cháu ở tỉnh Bình Dương vừa về tới nhà, kịp thắp nhang, quỳ lạy trước linh cữu. Còn gì xót xa hơn, khi đi 5 người, mà chỉ có 4 người bình an trở về. Trong khói nhang, trong nước mắt, họ sum họp với nhau, quyết định không rời xa nữa! Lời cám ơn “mấy anh, mấy chú” cứ nghẹn ngào. Đoàn công tác lặng lẽ chia buồn với họ, nặng lòng khi tận mắt chứng kiến tang thương mà đại dịch gieo rắc cho con người…

Để chia sẻ, làm vơi đi đau thương, mất mát và hoàn thành tâm nguyện của thân nhân người tử vong do dịch COVID-19, nhiều cấp, ngành đã chung tay tiếp nhận, bàn giao tro cốt người đã khuất về trao tận tay gia đình. Đại tá Lê Minh Quang, Chính ủy Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh chia sẻ: “Lực lượng vũ trang tỉnh và Sở Lao động - Thương binh và Xã hội được giao nhiệm vụ đặc biệt này. Đơn vị xem đây là trách nhiệm cao cả của “Bộ đội Cụ Hồ”, phấn đấu hoàn thành với kết quả cao nhất. Chúng tôi sẽ hết sức nỗ lực, khắc phục mọi khó khăn, phối hợp chặt chẽ với chính quyền, đoàn thể địa phương tổ chức bàn giao tro cốt trang trọng, phù hợp phong tục, chấp hành nghiêm quy định phòng, chống dịch. Rất mong, các gia đình vượt qua nỗi đau, chung tay chiến thắng đại dịch COVID-19, sớm đưa quê hương An Giang trở lại cuộc sống bình thường mới”.

Bàn giao tro cốt bà L. về cho gia đình

“Đa số nạn nhân tử vong do dịch COVID-19 lần này có hoàn cảnh hết sức khó khăn, phải đi làm ăn xa, không may mắc bệnh và qua đời. Do đó, chúng tôi xây dựng kế hoạch chặt chẽ, chu đáo với cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương, làm sao đưa tro cốt đến tận nhà, giảm bớt gánh nặng, khó khăn của họ. Đây là nghĩa cử cao đẹp của dân tộc Việt Nam nói chung, lực lượng vũ trang nói riêng. Mỗi gia đình nạn nhân được nhận hỗ trợ 3,5 triệu đồng (gồm tiền mặt và quà viếng). Chúng tôi đề nghị Ban Chỉ huy Quân sự cấp huyện phối hợp địa phương, ngành liên quan tiếp tục theo dõi, hỗ trợ theo khả năng đối với gia đình có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, giúp bà con ổn định cuộc sống trong lúc này” - đại tá Nguyễn Văn Hiền, Chủ nhiệm Chính trị Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh thông tin thêm.

Mỗi hoàn cảnh, mỗi câu chuyện liên quan đến COVID-19 đều gây xúc động, trăn trở cho xã hội. Dù cố gắng xoa dịu thế nào đi chăng nữa, vẫn không thể xóa nhòa tổn thương mà đại dịch đã in hằn lên cuộc sống chúng ta. Tuy nhiên, nhà văn A. Matrado từng viết: “Mọi thứ đều trôi qua và mọi thứ đều còn lại. Nhưng số phận chúng ta là đi mãi không ngừng. Vừa đi vừa mở đường - mở đường đi trên mặt biển”. Hãy để hành trình “trở về” của người đã khuất hôm nay thật nhẹ nhàng, thanh thản. Chúng ta gói ghém yêu thương dành cho họ, làm động lực để tiếp tục sống, “mở đường” cho cuộc sống mới mai sau…

Đến An Giang sáng sớm, chỉ trong buổi trưa, các lực lượng chức năng đã vượt khó khăn về thời tiết và quãng đường để đưa 20 “hành khách” trở về trong vòng tay người thân một cách an toàn, nhanh chóng. Còn 4 trường hợp, người thân chưa thể nhận được hoặc địa chỉ chưa rõ, địa phương sẽ tạm gửi tro cốt vào chùa Lan Nhã Kỳ Viên (xã Vĩnh Trạch, huyện Thoại Sơn) để thờ cúng, chờ ngày liên hệ được gia đình.


Bài, ảnh: GIA KHÁNH