Cần tạo sinh kế, việc làm ổn định hơn cho lao động nông thôn
Trong quá trình tác nghiệp nhiều năm, phỏng vấn hàng trăm hộ gia đình trong tỉnh, chúng tôi nhận về câu trả lời nghề nghiệp hiện tại của họ đa số là “ai kêu gì làm nấy”. Nghĩa là họ sẵn sàng làm thuê cho bất cứ ai, bất cứ công việc gì cần đến cơ bắp, sức lao động. Ở nông thôn, việc phổ biến nhất đối với đàn ông là sạ phân, phun xịt thuốc bảo vệ thực vật, làm cỏ, làm đất, khuân vác lúa gạo, làm phụ hồ cho các công trình xây dựng dân dụng… Đối với phụ nữ có thể nhận công việc nhẹ hơn, như: Thu hoạch nông sản, nhổ cỏ, rửa chén, phụ quán ăn, giúp việc nhà, giữ trẻ…
Công việc được trả công theo ngày và yêu cầu của chủ lao động. Do vậy, nguồn thu nhập vô cùng bấp bênh và không thể ổn định. Chưa kể, những ngày mưa bão, không vào mùa vụ, lao động thất nghiệp, ngày làm được phải bù đắp chi tiêu cho ngày không có việc làm. Đó là những lúc cuộc sống diễn ra bình yên. Còn nếu trong cảnh nhà đông con, độ tuổi đi học, chồng hoặc vợ đau bệnh, cha mẹ già hết tuổi lao động, đau bệnh triền miên, bản thân hoặc người thân trong gia đình bị tai nạn bất ngờ… thì họ không tài nào xoay xở với công việc làm thuê đơn thuần, buộc lòng phải đi vay mượn. Cảnh nghèo khó, đời làm thuê bắt đầu xoay vòng sang con cháu.
Mái nhà mục nát nhiều năm, anh Tăng Tan (ngụ thị trấn Óc Eo, huyện Thoại Sơn) dành dụm được chút tiền, định sửa lại mái nhà lành lặn. Không may, trong lúc lao động, anh bị té từ mái nhà xuống đất, gãy chân. Số tiền dành dụm đành phải “đội nón ra đi” cho vụ tai nạn lao động. Ông Chau Lai (ngụ xã Văn Giáo, huyện Tịnh Biên) có nghề lấy thốt nốt thuê, bị té từ đài leo xuống đất, gãy xương đùi. Không có tiền phẫu thuật, ông phải nằm nhà, mong chờ vết thương tự lành để có thể đi làm. Ông Lương Văn Chi (ngụ xã Định Thành, huyện Thoại Sơn) mang trong mình căn bệnh ung thư lưỡi. Dẫu con cái đi làm thuê cỡ nào cũng không thể đưa ông đi điều trị theo đúng phác đồ hàng tháng. Ông chỉ còn cách nằm chờ số phận. Anh Tăng Hữu Nghĩa (ngụ xã Vĩnh Thành, huyện Châu Thành) ngày đầu tiên đi làm nghề lái xe cần cẩu, không may bị phỏng bởi nguồn điện cao thế…
Điều đáng quan tâm, nghề lao động tự do vốn khó khăn, vất vả, lại bấp bênh, dễ dàng bị tác động bởi tình hình thời tiết, dịch bệnh, tai nạn lao động. Ngoài ra, công việc nhà nông dần chuyển đổi sang cơ giới hóa nên lao động nông thôn khó tìm được việc làm phù hợp. Do vậy, việc họ dịch chuyển sang đô thị, nơi có nhiều khu công nghiệp là điều tất yếu. Tuy nhiên, vốn mang trong người tư duy “ai kêu gì làm nấy”, có việc đâu làm đấy, một số lao động không nghĩ cách dành dụm, tích cóp cho những ngày không có việc làm. Đến khi gặp cảnh dịch bệnh, doanh nghiệp sa thải do giảm đơn hàng, NLĐ lâm vào cảnh khốn đốn. Trở lại quê hương, càng khó tìm được việc làm, họ phải loay hoay tìm nơi bám trụ.
Chị Mai Thanh Tuyền (33 tuổi) phải lên xuống thường xuyên giữa huyện Chợ Mới và TP. Hồ Chí Minh, bởi công ty giảm giờ làm. Không đủ tiền nuôi 2 con, chị đành về quê xin phụ việc ở quán ăn. Làm được 1 tháng, quán ăn đóng cửa, chị đành quay trở lại tìm việc ở thành phố đề tìm kiếm công việc phù hợp. Chị Tuyền chia sẻ: “Thật ra, tôi mong muốn cùng chồng có nơi ở ổn định, công việc mua bán nhỏ lẻ ổn định cuộc sống. Ai muốn bôn ba, làm việc trong cảnh lo sợ bị tai nạn bởi dây chuyền sản xuất bất cứ lúc nào, hay phải vất vưởng trên những chuyến xe khách lên xuống từ quê nhà đến chỗ làm. Nhưng vì cuộc sống còn nhiều nỗi lo, tôi không còn chọn lựa nào khác”.
Lao động thôn quê không qua đào tạo nghề, vốn dĩ đã quen thuộc với hình thức lao động giản đơn, đến khi chuyển sang làm việc ở khu công nghiệp, nhà máy, xí nghiệp họ phải đối mặt với nhiều khó khăn, từ hiểu biết công việc, thiếu tính cẩn trọng dễ dẫn đến tai nạn lao động, chưa có tác phong làm việc công nghiệp cho đến các khoản chi phí sinh hoạt hàng ngày… Bài toán về việc làm, thu nhập mãi là khó đối với họ, bởi về quê sẽ như thế nào mà ở lại cũng không xong, vì không có việc làm.
Thời gian qua, chính quyền địa phương, các tổ chức đoàn thể không ngừng tuyên truyền, nỗ lực vận động thanh niên, NLĐ tham gia đào tạo nghề nông nghiệp, phi nông nghiệp, hỗ trợ vay vốn giải quyết việc làm... Thế nhưng, mức độ gắn bó với nghề nghiệp ở thôn quê không cao. Nguyên nhân đến từ tâm lý NLĐ, muốn nhanh chóng kiếm nguồn thu nhập cao như trước đây. Họ không hiểu rằng, làm bất kể việc gì, bất cứ nơi đâu cũng cần sự chịu khó, đầu tư công sức đến trí tuệ, không ngừng học hỏi, tiến bộ để thích ứng với công việc. Kèm theo đó là biết cách chi tiêu hợp lý, tích lũy mới mong chuyển đổi và tìm được việc làm, khởi nghiệp một cách bền vững. Có như thế, tương lai mới thu được “quả ngọt”, để cuộc sống được thay đổi.
Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ xã Bình Phước Xuân (huyện Chợ Mới) Trương Thị Thu Em cho biết: “Địa phương ghi nhận nhiều trường hợp lao động trở về quê tìm việc làm, nhưng không thể nắm rõ số lượng vì NLĐ thay đổi chỗ ở liên tục. Tìm hiểu một số gia đình, chúng tôi nhận ra NLĐ sau một thời gian trở về quê nhà lại mong muốn đi nơi khác tìm việc làm, để có thu nhập trang trải cuộc sống. |
NGỌC GIANG