Nghề làm nhang vào vụ Tết

22/01/2021 - 03:46

 - Tết Nguyên đán Tân Sửu năm 2021 đang đến rất gần. Vào những ngày nay, các hộ làm nhang ở các làng nghề, các địa phương trong tỉnh An Giang đang tất bật sản xuất để kịp đơn hàng phục vụ nhu cầu của người dân trong và ngoài tỉnh.

Nghề làm nhang tạo việc làm cho nhiều lao động địa phương

Tới làng sản xuất nhang Bình Đức (phường Bình Đức, TP. Long Xuyên, An Giang) trong những ngày này, mọi người cảm thấy bầu không khí tất bật của người dân nơi đây với các công đoạn sản xuất những bó nhang thơm nồng phục vụ Tết, nhịp điệu sản xuất ngày càng hối hả nhằm đáp ứng kịp các đơn hàng. Tận dụng những mặt sân trống, người dân phơi nhang khắp mặt sân, trên những con đường, mùi thơm của nhang lan tỏa ra tận ngõ.

Được hình thành và phát triển cách đây khoảng 80 năm, nghề làm nhang phường Bình Đức từ lâu nổi tiếng gần xa. Sản phẩm nhang được nhiều người tin cậy không chỉ đa dạng về mẫu mã, chủng loại mà còn đảm bảo về uy tín, chất lượng. Cô Trần Thị Gỡ (người có kinh nghiệm làm nhang lâu năm ở địa phương) cho biết, nghề này hoạt động quanh năm, nhưng từ đầu tháng Chạp trở đi là tất bật và nhộn nhịp hơn hết.

Hiện nay, các hộ làm nhang địa phương thực hiện song song 2 phương pháp: làm bằng tay truyền thống và làm bằng máy. Đối với việc sản xuất bằng máy, người thợ chỉ cần bỏ nguyên liệu vào ống, tay đút tăm vào máy là hoàn thành 1 cây nhang. Do chủ yếu thao tác trên máy nên người thợ giảm bớt vất vả, năng suất lao động tăng lên rất nhiều lần so với sản xuất truyền thống.

Tuy nhiên, dù đã có máy móc hỗ trợ nhưng người thợ vẫn cần có sự chỉn chu, tỉ mỉ và đôi bàn tay khéo léo để trộn keo. Đối với keo, khi trộn phải đạt được yêu cầu về độ mịn, độ ẩm mới có thể bám chặt vào thân, nếu không nhang sẽ cháy không đều hoặc sẽ tắt giữa chừng.

Còn đối với phương pháp truyền thống, người thợ phải để nguyên liệu trên bàn rồi dùng tay se từng cây nhang. Công việc này mất nhiều thời gian và đòi hỏi người thợ phải có đôi bàn tay khéo léo mới cho ra những sản phẩm đều và đẹp. Tuy có phần vất vả, năng suất không cao, nhưng bù lại, đó là cách mà người dân ở đây lưu giữ giá trị truyền thống do cha ông truyền lại. 

Sản phẩm của làng nghề làm nhang Bình Đức phong phú và đa dạng với nhiều chủng loại, như: nhang thường, nhang có mùi thơm, nhang 3 cây (loại dùng để đón giao thừa, rước ông bà)... Sản phẩm chất lượng, giá cả phải chăng nên được người tiêu dùng ưa chuộng.

Chị Nguyễn Thị Thúy Kiều (chủ cơ sở kinh doanh nhang Bảy Khuê trên địa bàn khóm Bình Đức 4) chia sẻ: “Nhang ở đây được tiêu thụ rộng khắp các tỉnh ĐBSCL, như: TP. Cần Thơ, Cà Mau, Kiên Giang… Ngày thường, cơ sở chỉ hoạt động vừa phải, các mặt hàng sản xuất ra bán lai rai. Vào thời điểm cận Tết, các sản phẩm nhang bắt đầu hút hàng, sản lượng bán ra tăng từ 40-50% so với những ngày bình thường”.

Cũng như nghề làm nhang ở phường Bình Đức, những ngày này, các hộ sản xuất nhang ở xã Mỹ Hội Đông (Chợ Mới) đang bước vào “thời điểm vàng” sản xuất - kinh doanh. Chị Phạm Ngọc Thúy Liễu (chủ cơ sở làm nhang Phước Liễu) cho biết, nghề làm nhang tất bật quanh năm, nhưng giai đoạn cao điểm bắt đầu từ tháng 6-7 trở đi, lúc này bà con làng nghề sẽ tập trung nhân lực, nguyên liệu để sản xuất phục vụ thị trường Tết Nguyên đán.

Nghề làm nhang ở xã Mỹ Hội Đông được hình thành cách đây khá lâu. Nhờ công việc làm nhang này đã góp phần quan trọng trong giải quyết việc làm cho nhiều lao động nông nhàn ở địa phương, đặc biệt là chị em phụ nữ.

Chị Nguyễn Thị Mỹ (một trong những hộ làm nhang tại xã Mỹ Hội Đông) cho biết, nghề làm nhang đơn giản, dễ làm ai cũng có thể làm được. Làm nghề này tuy thu nhập không cao nhưng giúp gia đình chị có thêm thu nhập, nhất là trong thời gian nhàn rỗi. Bình quân mỗi tháng, chị Mỹ kiếm được khoảng 3 triệu đồng, nhờ vậy mà cuộc sống gia đình chị ngày càng ổn định hơn.

Thắp nhang đã trở thành một trong những phong tục văn hóa lâu đời của người dân Việt Nam. Việc thắp nhang thể hiện sự tôn kính đối với những người đã khuất hay để cầu nguyện những điều tốt lành, may mắn trong cuộc sống. Nhờ vậy, nghề làm nhang cũng được dịp “ăn nên, làm ra”. Đặc biệt, trong mỗi dịp Tết, nhang được tiêu thụ thuận lợi, dễ dàng hơn và giá “nhích” dần lên do nhu cầu tiêu thụ tăng cao. Vượt qua những khó khăn do ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19, nhiều hộ dân sản xuất nhang mong muốn sản phẩm làm ra được tiêu thụ dễ dàng để người dân giảm bớt khó khăn trong dịp Tết đến, Xuân về.

ĐỨC TOÀN

 

Liên kết hữu ích