Nghệ sỹ viola Nguyệt Thu và những lối đi khác

26/01/2023 - 08:17

Sống ở nước ngoài lâu năm nhưng nghệ sỹ viola Nguyệt Thu vẫn luôn đau đáu nỗi lòng về quê hương, mong muốn bảo tồn văn hóa bản sắc dân tộc. Đồng thời xây dựng hệ sinh thái, nơi các doanh nghiệp gắn kết giao thương mở rộng thị trường. Câu chuyện 'Pneuma – Hơi thở cuộc sống' ra đời từ ý tưởng đó…

Âm nhạc và sự chữa lành

Là con gái của giảng viên âm nhạc Nguyễn Văn Thưởng, Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam, ngay từ nhỏ, Nguyệt Thu đã bộc lộ năng khiếu nghệ thuật. Chị tiếp nối truyền thống gia đình và trở thành học viên xuất sắc của bộ môn đàn violin. Thế nhưng nhờ sự động viên của bố, chị từ bỏ tất cả để đến với cây đàn viola vốn ít nghệ sĩ theo đuổi thời điểm đó.

Nguyệt Thu bảo rằng, chị yêu cây đàn viola bởi thanh âm của nó không quá réo rắt như violin, cũng không quá trầm như cello. Giai âm của nó ở tầm trung, thân đàn to hơn violin nên khó chơi hơn. Thế nhưng, ít người biết nó là một trong những cây đàn quan trọng trong dàn nhạc, đóng vai trò giữ nhịp.

Ngoài ra, rất nhiều câu solo hay viết cho viola vì âm thanh của nó gần giống với tần số trái tim. Chị lại thích những gì thử thách mình, nói hộ trái tim mình. Và càng gắn bó với viola, chị càng yêu cây đàn này. Bởi nó giúp chị biết cách thăng bằng trong giai điệu, để rồi vượt ra mà thăng bằng trong cuộc sống lắm chông chênh, bão tố này.

Những năm cuối thập niên 90 thế kỷ trước, chị trở thành du học sinh đầu tiên của Việt Nam học chuyên ngành viola tại Nhạc viện Tchaikovsky, Nga. Niềm vinh dự lớn lao ấy khiến cô gái Hà Nội bé nhỏ không ngừng khiến bạn bè và thầy cô xứ sở Bạch Dương kinh ngạc khi chị là sinh viên người Việt đầu tiên tốt nghiệp thủ khoa.

Sau khi ra trường, Nguyệt Thu biểu diễn ở nhiều chương trình hòa nhạc lớn khắp châu Âu. Cuộc sống nay đây mai đó ở trời Tây cùng cây đàn viola cuối cùng cũng dừng lại ở bến đỗ đôi lứa bên người chồng đồng hương. Viola đưa chị lên đỉnh cao nghệ thuật nhưng dường như lại đẩy chị vào đường tình duyên trắc trở.

Nhớ lại ngày nào bơ vơ giữa Hà Lan, chị rùng mình: “Tôi cũng không hiểu sao lúc ấy mình có thể vượt qua được. Ngày tôi quyết định thu dọn tất cả để rời căn nhà không mang lại êm ấm cho mình, trời đổ mưa tuyết. Một mình tôi ẵm đứa con hơn một tuổi lang thang giữa trời đêm lạnh giá. Tôi như con chim cô độc, không biết mình đi đâu, về đâu. May thay một người bạn đã cho mẹ con tôi tá túc tạm qua ngày để tôi vừa có thể đi biểu diễn, vừa chăm con”.

Thằng bé lớn lên, đẹp tựa thiên thần. Nhưng ông trời một lần nữa trút bất hạnh lên trái tim người nghệ sỹ. Cậu bé mắc bệnh tự kỷ. Bặm môi chịu những trận đòn, vết cào cấu, tiếng la hét inh tai của con, chị ứa nước mắt. Không, mình không thể gục ngã! Nếu mình gục ngã, con mình biết trông cậy vào ai?

Chị quệt nước mắt mà với tay đến cây đàn viola. Kỳ diệu thay, âm nhạc làm nên sức mạnh xoa dịu thằng bé. Hành trình dài với âm nhạc của bà mẹ đã đưa một đứa trẻ tự kỷ dần trở lại cuộc sống đầy sắc màu. Dẫu đến nay con chị đã trở thành chàng thanh niên khôi ngôi, âm nhạc vẫn là liều thuốc cứu cậu ra những u uẩn của bệnh tự kỷ.

Viola mang đến thăng bằng cho con chị thì cùng cứu vớt chính cuộc đời người mẹ lắm đa đoan ấy. Đường tơ duyên đứt gánh với hai người chồng sau không khiến nỗi buồn phiền đốn gục chị. Chị vẫn yêu đời, đến với âm nhạc và mọi người với tất cả lòng say mê hồn nhiên. Tình duyên coi như nợ hồng trần đã trả và đã trả xong. Bôn ba khắp năm châu, chị chợt nhận ra không đâu bình yên bằng quê nhà, nơi có mẹ, có cha. Vậy là chị về ở hẳn Việt Nam.

Từ trường hợp của con trai mình, về Việt Nam, nghệ sĩ Nguyệt Thu mở trung tâm nghệ thuật dành cho trẻ tự kỷ. Thời điểm đó, đây là điều rất mới mẻ ở nước ta. Người ta tò mò không biết Nguyệt Thu sẽ dạy trẻ tự kỷ như thế nào.

Vốn có bằng thạc sĩ về giáo dục nghệ thuật, chị đào tạo giáo viên cách làm việc, giảng dạy cho những học sinh đặc biệt này. Thay vì nói chuyện, đưa ra cử chỉ bình thường thì mọi thứ đều bắt nguồn từ tiếng hát, điệu đàn, nhịp múa. Những thanh âm dìu dặt, đầy sảng khoái dìu dắt các em dần hòa nhập với thế giới, với bạn bè.

Chị vui đến rơi nước mắt khi thấy các học trò tiến bộ từng ngày. Nó đâu khác gì niềm hân hoan muốn vỡ òa lúc chị dìu dắt cho đứa con đầu lòng. Sự thành công của lớp học đặc biệt này đã khuyến khích chị mở rộng thêm nhiều chi nhánh khác nhau tại TP HCM. “Tôi tâm niệm người nghệ sĩ ngoài đam mê của bản thân còn phải nhận lãnh trách nhiệm với cộng đồng. Hành trình tôi đi luôn chứa đầy tâm niệm đó như một khát vọng mình hướng tới. Tôi tin hành trình của mình tuy hẹp nhưng không bao giờ đơn độc vì luôn có những trái tim cùng nhịp đập. Mình đi trên đường độc đạo sẽ khó khăn hơn rất nhiều người. Nhưng khi đến được cái đích thì giống như mình là người đem đến thứ giá trị cho cuộc sống”, nghệ sĩ viola Nguyệt Thu chia sẻ.

Nghệ thuật làm cầu nối

Đặt chân về Việt Nam cũng là lúc nghệ sĩ Nguyệt Thu hòa mình vào các công tác thiện nguyện. Chị cùng bạn bè, đồng nghiệp lập ra tổ chức thiện nguyện Thiên Sứ để mang đến món quà tinh thần và vật chất cho những mảnh đời khó khăn trên dải đất chữ S.

Nghệ thuật là “ngôn ngữ” của tâm hồn, giúp con người xích lại gần nhau hơn, Pneuma ra đời với sứ mệnh bảo tồn nét đẹp văn hóa hợp tác xúc tiến thương mại, tạo giá trị lâu bền. Chỉ khi có nền tảng vững chắc, sự phát triển bay bổng mọi sáng tạo mới không sợ làm biến dạng hoặc làm mất đi bản sắc, hồn cốt của văn hóa dân tộc.

Các gian hàng tiếp cận khách hàng thông qua dự án Pneuma.

Dự án Pneuma được Nguyệt Thu và các cộng sự phát triển nhằm tạo nhịp cầu thương mại kết nối doanh nghiệp bảo tồn di sản tốt của từng vùng miền và khai thác được giá trị kinh tế. Hiện chị đang là Chủ tịch Câu lạc bộ Doanh nhân bảo tồn di sản văn hóa và mạng xã hội - hệ sinh thái liên kết kinh doanh Pneuma.

Trong thời kỳ chuyển đổi số phát triển mạnh mẽ, dự án Pneuma chính thức ra đời, hoạch định ra một thời kỳ chuyển đổi, hợp tác mới. Dự án hỗ trợ sự phát triển cho xã hội cũng như cộng đồng doanh nghiệp. Thông qua các sự kiện, tạo ra một sân chơi lớn, phục vụ cho sự kết nối giao lưu - lan tỏa những giá trị tốt đẹp cho xã hội trong công cuộc xây dựng và phát triển văn hóa, du lịch và kinh tế; tôn vinh niềm tự hào văn hóa, di sản của từng vùng miền, những vẻ đẹp tâm hồn con người, lan tỏa những hành động đẹp trong xã hội.

Bên cạnh đó, dự án hướng tới việc nâng cao chất lượng sống bằng cách chăm sóc tinh thần bằng nghệ thuật; xúc tiến thương mại - giao thương chéo giữa các doanh nghiệp toàn quốc, cùng nhau hỗ trợ, bảo tồn và phát triển các sản phẩm Việt chất lượng cao ra thế giới. Pneuma thực hiện đào tạo trên quy mô rộng về chuyển đổi số thông qua các hệ sinh thái – mạng xã hội liên kết kinh doanh công nghệ thế hệ mới. Mục tiêu thu hút hàng chục nghìn người tham gia từng sự kiện trong chuỗi sự kiện trải dài qua các tỉnh, thành trên cả nước. Nhằm mục đích phát triển du lịch cũng như tạo nguồn doanh thu lớn cho doanh nghiệp trong quá trình kết nối giao lưu.

Song song với đó, các sự kiện mang tính nghệ thuật cao sẽ giúp cho mọi người hiểu sâu sắc về giá trị lịch sử văn hóa của dân tộc, quan tâm đến việc bảo tồn. Đặc biệt, kết nối giao lưu xúc tiến thương mại giữa các doanh nghiệp trên 63 tỉnh, thành, giúp doanh nghiệp lưu thông hàng hóa và định dạng thương hiệu. Đào tạo chuyển đổi số, xây dựng và phát triển những chương trình giáo dục nhân cách sống cho thế hệ trẻ hiểu và yêu quê hương.

Nữ nghệ sĩ viola quốc tế Nguyệt Thu chia sẻ: “Đã lâu rồi tôi mới quay lại sân khấu tại Việt Nam. Nhưng khi đã quay lại, ngoài đam mê của bản thân còn là trách nhiệm của người nghệ sĩ với khán giả, với quê hương mình. Đó là lý do tôi quyết tâm thực hiện dự án này. Tôi tin mình không đơn độc, dù trong bất cứ cuộc chơi nào, bạn đều nhận được những cánh tay hoặc ôm lấy mình hoặc những cái quay lưng không lời từ biệt, giải thích. Nhưng đó chính là đời sống. Tôi vui vì được vui - buồn - hạnh phúc cùng đời sống này. Bên cạnh đó, dự án mà chúng tôi thực hiện cũng sẽ đào tạo, chia sẻ nhằm nâng cao nhận thức về chuyển đổi số quốc gia để kịp hội nhập với xu thế phát triển công nghệ toàn cầu, giúp các doanh nghiệp Việt cùng vươn ra thế giới”.

Lễ hội văn hóa nghệ thuật, xúc tiến thương mại chuyển đổi số Pneuma - Hơi thở cuộc sống nhằm nâng cao nhận thức về văn hóa, bảo tồn đồng thời hỗ trợ doanh nghiệp tiêu thụ được sản phẩm, đóng góp cho sự phát triển nền kinh tế Việt Nam và đặc biệt thực hiện được việc chuyển đổi số thông qua mạng xã hội liên kết kinh doanh.

Nhiều sản phẩm thương hiệu có chất lượng cao từ các vùng miền của Tổ quốc được giới thiệu tại đây. Các sự kiện tại dự án sẽ được thực hiện ở cả 63, tỉnh, thành phố. Mỗi sự kiện được tổ chức trong 3 ngày, 2 đêm dưới hình thực cả online (thực tế ảo) và offline. Tùy địa điểm có thể lên tới 100 - 200 gian hàng hàng và sản phẩm. Theo lịch trình, trong 3 tháng cuối năm 2022 dự án thực hiện giai đoạn 1 ở 7 tỉnh, thành phố. Ở giai đoạn 2, năm 2023, mỗi tuần dự án thực hiện 1 chương trình ở 1 tỉnh. Chương trình được thiết kế công phu, chi tiết với nhiều hoạt động thiết thực. Có thể kể đến như các hoạt động giao lưu, kết nối doanh nghiệp bảo tồn di sản với với lãnh đạo địa phương, giữa các doanh nghiệp với nhau. Ngoài ra là các hoạt động kết hợp đào tạo, lễ hội, hội chợ, triển lãm, biểu diễn nghệ thuật, trình diễn thời trang, âm nhạc đường phố, hội chợ…

Theo Báo Pháp Luật