Nghệ thuật lân sư rồng

16/01/2020 - 00:17

 - Những ngày Tết đến, xuân về, bất kể ai cũng cảm thấy nô nức khi nghe tiếng trống lân rộn ràng đâu đó. Lân sư rồng mang trong mình nét đẹp truyền thống lẫn tính nghệ thuật, trở thành biểu tượng cho sự hanh thông, thịnh vượng trong năm mới.

Với mỗi người, tiếng trống lân đã trở thành biểu tượng của mùa xuân, mang đến sự rộn ràng, hứng khởi trong những ngày đầu năm.

Cuộc sống phát triển, nhu cầu xã hội ngày càng cao thì bộ môn lân sư rồng cũng có nhiều bài biểu diễn đậm tính nghệ thuật hơn. Là người gắn bó với bộ môn này hơn nửa thế kỷ, ông Thái Kính Chánh xem đây là một phần quan trọng của cuộc đời mình.

Sinh trưởng trong một gia đình người Hoa ở TP. Châu Đốc (An Giang), ông tham gia Đội lân sư rồng Quan Đế Miếu từ những ngày đầu thành lập (năm 1967). Vì là người gắn bó lâu dài với bộ môn này, nên ông đang là Đội trưởng đội lân sư rồng Quan Đế miếu, dẫn dắt lớp em cháu đi biểu diễn phục vụ nhiều nơi, đặc biệt là trong thời điểm đầu năm mới.

Đội lân sư rồng Quan Đế miếu TP. Châu Đốc

Ông Thái Kính Chánh chia sẻ, bộ môn lân sư rồng mang đậm tính biểu diễn nên đòi hỏi rất cao về nghệ thuật trong từng động tác. Vì vậy, người múa phải có niềm đam mê và trải qua quá trình luyện tập công phu nhiều năm mới thực hiện được bài múa đẹp mắt.

Với lân sư tử, người múa phải tải được “cái hồn” của con lân, phải mô phỏng cho đúng điệu bộ, dáng dấp con sư tử nhưng thể hiện được tính vui tươi, mang đến niềm hân hoan cho người xem.

Về động tác, người múa phải tập nhiều ngày mới thuộc một bài cơ bản. Họ phải làm quen với việc nghe tiếng trống để xác định đến đoạn nào của bài biểu diễn và phải phối hợp nhuần nhuyễn với đồng đội. Về phần này, ông Chánh giải thích nếu 2 người múa bước sai 1 nhịp trong bộ pháp sẽ đánh mất ngay hình ảnh con sư tử, khiến bài biểu diễn không hoàn hảo.

Với những bài biểu diễn phức tạp như: lân qua cầu, lân nhảy mai hoa thung còn đòi hỏi tính nghệ thuật, khéo léo cũng như sự gắn kết giữa 2 người múa cao hơn nữa.

Để thực hiện được các bài biểu diễn này, người múa phải tập luyện nhiều tháng, thậm chí nhiều năm mới có thể thuần thục. Khi nhìn các con lân nhảy tới, nhảy lui trên những chiếc cọc cao vài mét, khán giả xuýt xoa, tán thưởng nhưng ít ai biết rằng, những bài biểu diễn đó phải mất nhiều năm tập luyện mới đạt đến trình độ như vậy.

Ông Thái Kính Chánh bật mí, trước tiên người múa phải thực sự đam mê, yêu thích múa lân thì mới có thể đeo đuổi bộ môn nghệ thuật này. Muốn nhảy mai hoa thung, ông cho các em cháu tập bộ pháp dưới đất trước, chúng cứ nhảy tới, nhảy lui kết hợp đọc khẩu quyết cho thật nhuần nhuyễn và quá trình đó mất vài tháng.

Khi đã thuộc bài dưới đất, người múa sẽ lên giàn nhảy tập mà không đội đầu lân thêm một thời gian khá lâu. Tất nhiên, quá trình tập luyện sẽ phát sinh sai số và việc té ngã không phải lạ với những người đam mê múa lân. Quá trình đó phải đánh đổi bằng mồ hôi, nước mắt và cả máu.

Những bài biểu diễn phức tạp đòi hỏi sự gan dạ và chính xác của người múa lân

Khi đã quen với việc di chuyển trên giàn, người múa mới bắt đầu đội đầu lân để tập nhảy cho đúng bài bản. Đây là bước chuyển tiếp quan trọng vì việc đội thêm chiếc đầu lân sẽ phát sinh nhiều khó khăn hơn, nhất là tầm nhìn hạn chế.

Nó đòi hỏi người múa phải có bộ pháp vững, kỹ thuật chắc chắn và nhất là sự tính toán lực nhảy sao cho phù hợp với quá trình tiếp đầu cọc. Bất cứ một sai số nhỏ nào cũng sẽ dẫn đến tình huống nguy hiểm.

Sau khi tập luyện nhuần nhuyễn, ông Chánh mới cho đi múa phục vụ. Vì bài biểu diễn phức tạp, đòi hỏi tính gan dạ nên trong hơn 30 thành viên của Đội lân sư rồng Quan Đế miếu TP. Châu Đốc, ông Chánh chỉ tìm được 4 người thực hiện được bài múa lân nhảy mai hoa thung.

Đối với bộ môn múa rồng dù không đòi hỏi cao về tính phức tạp nhưng chú trọng yếu tố đồng điệu của các thành viên trong đội lân. Khi biểu diễn, người cầm trái châu sẽ đóng vai trò “hướng đạo” cho các thành viên còn lại, bởi con rồng sẽ uốn lượn theo trái châu, từ đó tạo thành bài múa đẹp mắt.

Về kỹ thuật, các thành viên phải thuộc khẩu quyết để đảm bảo con rồng vận hành đúng bài bản, nếu một thành viên sai động tác, cả đội sẽ bị rối ngay lập tức. Hiện nay, Đội lân sư rồng Quan Đến miếu TP. Châu Đốc đang tập luyện bài múa chào mừng năm mới để phục vụ trong dịp xuân Canh Tý năm 2020.

Xuân này, ông Thái Kính Chánh đã bước sang tuổi 72 nên đang có ý định nhường vị trí cho người trẻ hơn dẫn dắt các thế hệ tiếp nối truyền thống Đội lân sư rồng Quan Đế miếu TP. Châu Đốc. Với ông và các thành viên khác, lân sư rồng là một phần trong cuộc đời, góp phần mang đến niềm vui, tô điểm mùa xuân thêm rộn ràng, nồng ấm cho tất cả mọi người. 

THANH TIẾN