Nghề “trang điểm” cho heo đất

15/09/2020 - 04:50

 - Nắm bắt nhu cầu người miền Tây có thói quen bỏ ống heo tiết kiệm, cùng với việc tiếp nối nghề sản xuất heo đất truyền thống của cha nên chị Nguyễn Thị Mai Giàu (sinh năm 1987, ngụ ấp Phú Đông, xã Phú Xuân, Phú Tân, An Giang) nghĩ ra cách kiếm thu nhập bằng việc vẽ trang trí lên heo đất. Chỉ vừa khởi nghiệp 3 tháng nay, nhờ tinh thần học hỏi, lắng nghe phản hồi từ khách hàng và không ngừng nghiên cứu ý tưởng mới giúp chị Giàu nhanh chóng có đầu ra sản phẩm ổn định.

Nằm ở xã vùng sâu heo hút, gian hàng heo đất nhỏ của chị Giàu nép mình khiêm tốn bên đường nhưng rất dễ chú ý. Trong nhà luôn thơm phức mùi nước sơn, bởi ngày nào cũng có lứa heo mới làm theo đơn đặt hàng của khách. Chị Giàu cho biết, khảo sát thị trường và tìm hiểu trên các trang mạng, cửa hàng bán heo đất, chị bị thu hút bởi những mẫu mã bắt mắt được tô điểm khéo léo, tỉ mỉ và sáng tạo của những người thợ. Học theo ý tưởng này, chị mạnh dạn đầu tư 40 triệu đồng đặt mua nguyên liệu heo đất nung từ lò gốm tại tỉnh Đồng Nai.

Có sẵn tay nghề học được từ thời cha còn làm heo đất bán, mỗi sản phẩm gốc mua về chưa qua tô sơn được chị chọn lựa kỹ càng, làm sạch, đánh bóng, gia công phủ màu rồi vẽ trang trí. Khởi đầu với chị không hề dễ dàng, vì chưa nắm bắt thị hiếu khách hàng nên chủ yếu lên ý tưởng tạo hình từ những nét vẽ đơn giản như: điểm thêm hoa, lá, má hồng, chiếc nơ...

Chị Nguyễn Thị Mai Giàu với “cơ ngơi” heo đất trang trí

Để chào hàng, chị gửi sản phẩm ở các tiệm tạp hóa, chợ, văn phòng phẩm và đăng bán trên mạng xã hội. Mỗi đợt đều nhận được lời góp ý về mẫu mã, giá cả, rồi số lượng tăng dần. Do chưa có điều kiện nên chị không ngại chở từng chuyến xe tới lui mỗi ngày. Sản phẩm nào chưa được như ý, chị miệt mài làm đi làm lại cho đến khi cảm thấy hài lòng mới thôi. Do các công đoạn vẽ đều bằng tay nên mỗi chú heo có nét mặt, chi tiết khác nhau, đòi hỏi phải tỉ mỉ, vuốt được những đường cọ trên thân mềm mại, liền nét. Vẫn là hình mẫu những con heo đất truyền thống trước đây, chị Giàu “trang điểm” cho đôi mắt long lanh hơn, hóa trang thành đủ mẫu ngộ nghĩnh, đáng yêu.

Bên cạnh đó, còn sản xuất ra nhiều hình con vật khác như: ong, voi, doraemon… đáp ứng nhu cầu đa dạng của khách hàng. Với công việc này, trong 1 ngày chị Giàu hoàn thành khoảng 50-60 con heo đất các loại, với mong muốn vừa là quỹ tiết kiệm, vừa là đồ trang trí được nhiều người đón nhận.

Tùy kích cỡ, heo đất có giá bán từ 8.000-40.000 đồng/con, trong đó bán chạy nhất là mẫu vẽ 3D. Ngoài số heo đất được trang trí sẵn từ ý tưởng, chị Giàu còn vẽ theo yêu cầu của khách hàng như: khắc tên, logo, lời nhắn, tên ngành, đơn vị… và có giá bán từ 50.000-60.000 đồng/con. Sản phẩm độc đáo và giá thành “mềm” giúp chị ngày càng tăng thêm lượng hàng.

Hiện nay, bình quân mỗi điểm bán hàng chị bán sỉ được 100 con heo đất đủ loại lớn nhỏ, sau thời gian ngắn khởi nghiệp đã phân phối được 1.500-1.600 con heo đất ra thị trường. Để sản xuất kịp số lượng, có thêm 4 lao động giúp chị ở các công đoạn theo hướng dẫn, trừ tất cả chi phí, chị Giàu thu lợi nhuận khoảng 4 triệu đồng/tháng.

Vượt qua giai đoạn đầu, giờ đây với chị Giàu, việc vẽ trang trí heo đất trở nên dễ dàng, mọi quan sát, hình ảnh đẹp bắt gặp ở đâu cũng được chị lưu lại làm ý tưởng.

“Lòng kiên trì, nỗ lực cùng sự đam mê đã giúp tôi có sản phẩm riêng và tự tin bước ra thị trường với nhiều mẫu mã, màu sắc tươi sáng. Những khách hàng đầu tiên cũng là những người hỗ trợ giúp tôi tiếp cận nhiều khách lẻ, cơ sở mới trong và ngoài huyện biết đến. Để sản phẩm ra thị trường cạnh tranh tốt hơn, tôi đang tìm nguồn nước sơn có giá cả phù hợp, nghiên cứu sáng tạo thêm các mẫu mã theo trào lưu, “đón đầu” các sự kiện, mùa cao điểm để trang trí theo chủ đề phù hợp. Sắp tới, tôi dự định mở rộng kinh doanh, giải quyết lao động ở địa phương với nhiều khâu trong quá trình sản xuất” - chị Giàu chia sẻ.

Với ý tưởng khởi nghiệp của chị Giàu, Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ xã Phú Xuân Đặng Thị Thu Thủy đánh giá mô hình đơn giản nhưng rất hiệu quả, góp phần tăng thu nhập và giải quyết lao động tại hộ gia đình. Hội Liên hiệp Phụ nữ xã đã tổ chức cho chị em hội viên đến thăm và tìm hiểu mô hình. Đồng thời, hội sẽ giới thiệu cho chị Giàu tiếp cận nguồn vốn vay giải quyết việc làm để mở rộng quy mô sản xuất, góp phần tạo việc làm cho chị em phụ nữ trên địa bàn xã, nhất là với chị em lao động nhàn rỗi.

MỸ HẠNH