Ngôi chùa mang dấu tích lịch sử cách mạng

29/04/2024 - 19:31

 - Chùa Snayđonkum thuộc hàng những ngôi chùa có lịch sử lâu đời trên địa bàn tỉnh An Giang. Chùa mang đậm nét đặc trưng nền văn hóa truyền thống Khmer, là trung tâm sinh hoạt văn hóa, nơi tổ chức lễ hội truyền thống. Đặc biệt, chùa còn là địa điểm chứa đựng và gắn liền với nhiều sự kiện lịch sử cách mạng địa phương.

Tọa lạc tại ấp Phước Thọ (xã Ô Lâm, huyện Tri Tôn), cách khu di tích đồi Tức Dụp vài trăm mét, chùa Snayđonkum là nơi nuôi chứa, cất giấu tài liệu, tiếp tế lương thực, thực phẩm, thuốc cho tổ chức và cán bộ cách mạng suốt 2 thời kỳ kháng chiến của quân, dân Tri Tôn cùng các lực lượng vũ trang. Theo lời kể của à cha và các bô lão, chùa Snayđonkum do sư cả Kru Chau Sô vận động phật tử đóng góp công sức, tiền của khởi dựng năm 1718, bằng cây lá đơn sơ trên gò cao gần chân đồi Tức Dụp.

Chùa nằm trên triền núi cao hoang vắng, cây mọc um tùm, dân cư thưa thớt, không thuận lợi cho người dân trong phum, sóc đến cúng bái, nên khoảng năm 1945, chùa được dời về vị trí hiện nay, cách chùa cũ 1km. Năm 1968, chiến trường Bảy Núi diễn ra ác liệt, đặc biệt tại căn cứ địa cách mạng đồi Tức Dụp. Mỹ đã dùng các loại bom đạn đánh vào Tức Dụp, trong đó có quả bom B52 rơi xuống trước sân chùa, đánh sập hoàn toàn ngôi chùa, để lại hố “khủng” (dài 12,5m, rộng 15m, cao 0,9m, dày 0,3m).

Từ đó, mỗi khi cần liên hệ hay chỉ địa điểm liên lạc cơ sở cách mạng, cán bộ từ cấp Trung ương đến địa phương đều gọi tên chùa Snayđonkum là “Chùa B52”. Dấu tích này hiện vẫn còn, trở thành ao nước lớn trước cửa chùa, được Nhân dân, sư trong chùa góp sức kè đá núi, trồng sen lưu lại.

Đường vào cổng chùa B52

Trong kháng chiến, chùa Snayđonkum là cầu nối, điểm trung chuyển, “thu nhận” và “truyền tin” của các đơn vị, lực lượng cách mạng địa phương. Mỗi đồng bào dân tộc thiểu số Khmer, không phân biệt già trẻ, trai gái đều hăng hái tham gia cách mạng bằng nhiều hình thức. Những việc làm thông minh, sáng tạo, có sự phối, kết hợp giữa việc tham gia sinh hoạt tín ngưỡng dân tộc ở chùa với hoạt động cách mạng, những nhà sư, đồng bào, góp phần quan trọng làm nên thành tích đáng tự hào của lịch sử huyện Tri Tôn anh hùng.

Trước khi cán bộ cách mạng đến chùa làm việc, liên lạc với sư cả; cá nhân, tập thể đơn vị muốn đến trú ẩn, hội họp, dừng chân... thì phải ở hầm bí mật ngoài vườn. Chờ đến lúc đêm xuống, họ nhá ống quẹt làm tín hiệu. Nếu trong chùa vẫy đèn lại, cán bộ mới vào chùa.

Đặc biệt, những ngày lễ lớn, hay theo thông lệ chùa, 6 ngày trong tháng được phật tử mang lương thực đến cúng... là cơ hội để quần chúng nhân dân tiếp tế thêm lúa, gạo, khoai, thuốc men và giao nhận văn thư liên lạc.

Ngoài ra, trong các trận đánh thắng hoặc buổi mít-tinh, biểu tình, thường có đoàn văn công phục vụ văn nghệ, tạo nguồn sinh khí vui tươi, phấn khởi. Sau năm 1975, chùa được bà con, phật tử trong phum, sóc đóng góp tiền của xây dựng lại khang trang cho tới ngày nay.

Chùa Snayđonkum nằm trong khuôn viên rộng rãi thoáng đãng, cảnh quan thiên nhiên đẹp, xung quanh nhiều cây cao to xum xuê cành lá, vừa tỏa nhiều bóng mát, vừa tôn vẻ cổ kính trang nghiêm cho ngôi chùa. Chùa có bề dày lịch sử, chứa đựng nhiều sự kiện đấu tranh cách mạng tại địa phương, gắn liền với thăng trầm lịch sử kháng chiến huyện Tri Tôn. Đến nay, trải qua hơn 15 đời sư sãi trụ trì, nhưng mọi người luôn quan tâm chăm sóc, bảo vệ tốt ngôi chùa.

Hố bom B52 phía trước khuôn viên chùa

Từ những nét văn hóa đặc trưng, giá trị lịch sử cách mạng, chùa Snayđonkum được UBND tỉnh xếp hạng Di tích lịch sử cách mạng của tỉnh, theo Quyết định 2235/QĐ-UBND, ngày 29/10/2013. Để giữ gìn tốt nét kiến trúc truyền thống ấy, ngành văn hóa các cấp phối hợp chính quyền địa phương thành lập Ban Quản lý di tích. Từ đó, các kỳ lễ hội của chùa thật sự trở thành ngày hội truyền thống của đồng bào dân tộc thiểu số Khmer, mở rộng giao lưu với đồng bào trong và ngoài tỉnh.

Chiến tranh đã qua đi, huyện Tri Tôn không ngừng “thay da đổi thịt” từng ngày. Những người con huyện Tri Tôn vẫn đang ra sức xây dựng, phát triển kinh tế, cải thiện đời sống, củng cố tình đoàn kết các dân tộc. Hãy một lần đến với huyện Tri Tôn, đi qua xã Ô Lâm, bắt gặp ở vùng đất anh hùng này những cánh đồng xanh mướt, vẻ đẹp thiên nhiên thơ mộng, đồng bào dân tộc thiểu số Khmer chất phác, mến khách.

Ghé thăm chùa Svayđonkum để tự hào, hãnh diện về ngôi chùa cổ anh hùng, để thấy ở đó tình đoàn kết thủy chung, sắt son giữa người Kinh và Khmer, giữa đạo và đời, cùng xây đắp quê hương hòa bình, tươi đẹp.

NGUYỄN HƯNG