Bánh trái ở quê dù vào thời nào cũng đơn giản, mộc mạc và chân chất nhưng không kém phần khéo léo của những người thợ. Chiếc bánh chứa đựng tình cảm của người bà, người mẹ cho con cháu mình. Dù biết công đoạn làm bánh vất vả, nhưng ai cũng muốn truyền nghề lại cho hậu bối. Chiếc bánh đơn giản mà gắn bó nghĩa tình, gây nhớ nhung vì hương vị thân thương, thơm ngọt.
Mới hơn 30 tuổi, chị Hồ Thị Lý (ngụ xã Bình Hòa, huyện Châu Thành) đã có trên 10 năm gắn bó với nghề làm bánh quê. Qua đôi bàn tay khéo léo của chị Lý, bánh bông lan, bánh bột đậu, bánh in nước cốt dừa, bánh in sầu riêng, bánh đậu mỡ, bánh bột đậu chay… ngày ngày được ra lò, nóng hổi, thơm phức. Phần được bỏ sỉ cho đầu mối, phần chị Lý làm theo đơn hàng của khách quen để đãi đám tiệc hoặc đơn giản để dùng trong gia đình. Nghề làm bánh của chị Lý do mẹ chồng truyền lại, từng loại bánh sẽ có công thức và bí quyết riêng.
Thoạt nhìn, bánh quê thường chỉ xoay quanh vài nguyên liệu thông dụng, như: Bột gạo, bột mì, trứng, sữa, đường… Chỉ cần biến tấu cách làm đã có thêm một loại bánh mới. Tuy nhiên, để mỗi mẻ bánh thành công, người thợ phải cẩn thận đong đo từng loại nguyên liệu, chỉ cần sai một chút là xem như thất bại. Với người thợ làm bánh lành nghề, đôi khi chỉ cần nhìn sơ qua là đã biết bột đủ “dậy” để đổ bánh chưa, hoặc có cần ủ thêm giờ để bánh khi nướng, hấp có độ bông, xốp như mong muốn. Chẳng hạn, bánh bông lan thì khi chuẩn bị bột, đánh trứng xong là phải đổ ra khuôn nướng liền; còn bánh bột đậu cần thời gian ủ tầm 2 giờ sau mới bắt đầu bắt bột, nướng bánh.
Chị Lý cho biết, mẹ chồng làm bánh rất cực, hầu như các công đoạn đều được làm thủ công, tốn thời gian và công sức. Nướng bánh bông lan là phải đánh bột bằng tay trong nhiều giờ, đổ bánh bằng khuôn đồng trên bếp than đỏ lửa. “Những loại bánh quê này không lời lãi bao nhiêu, phần nhiều lấy công làm lời. Phụ nữ ở nhà vừa làm bánh, vừa coi sóc con cái, kiếm thêm thu nhập, phụ kinh tế gia đình. Hồi trước được mẹ truyền nghề, làm cùng đến lúc mẹ già rồi mất đi, tôi càng muốn giữ nghề gia truyền này” - chị Lý chia sẻ. Nghề còn giúp chị Lý thêm thu nhập. Đặc biệt, những tháng cận Tết Nguyên đán, đơn đặt hàng bánh quê được chị Lý nhận liên tục. Biết là sẽ cực, nhưng đó còn là niềm vui của người thợ chân quê.
Trước đây, bà Nguyễn Thị Lẹ (ngụ phường Mỹ Phước, TP. Long Xuyên) là thợ làm bánh cam. Bánh làm xong ngày nào là bà Lẹ đội mâm đi bán khắp các con đường ở TP. Long Xuyên. Mấy năm nay, do đã có tuổi nên bà tạm ngưng làm bánh, chỉ đặt bánh cam làm sẵn ở lò để đẩy xe đi bán. Mỗi ngày, bà bán trên 200 chiếc bánh cam ngọt, mặn, bánh vòng… tiền lời đủ trang trải kinh tế cho gia đình.
“Mỗi chiếc bánh cam đơn giản vậy thôi, nhưng khi bắt tay vào làm phải trải qua rất nhiều công đoạn, cái nào cũng đúng từng li từng tí. Nếu bột đặc quá thì lúc chiên bánh không nở, thành phẩm sẽ cứng; còn khi bột lỏng chiên ra cái bánh cũng chai ngắt, mất khách như chơi” - bà Lẹ giải thích. Mấy chục năm nay, bà vẫn giữ được nghề làm, rồi bán bánh cam truyền thống, với những khách hàng thân thiết, đón đợi xe bánh mỗi ngày. Điều đó chứng tỏ, giữa xã hội phát triển và hội nhập, giữa hàng vạn điều mới mẻ, bánh quê vẫn có chỗ đứng rất riêng trong lòng người thưởng thức.
Từ 6 giờ sáng là những chiếc bánh khoai mì nướng đã được chị La Thị Nhàn (ngụ phường Mỹ Thạnh, TP. Long Xuyên) cho ra lò, vừa nóng hổi, vừa thơm nức mũi. Để có bánh bán sớm, chị Nhàn phải thức từ 12 giờ đêm để hấp trên 10kg khoai mì, rồi tán nhuyễn, trộn thêm dừa nạo, sữa đặc, sau đó thì ép ra khuôn khoảng 400 bánh. Bánh được làm thủ công, không thêm bột hay bất kỳ phụ phẩm gì, dù chưa nướng vẫn giữ được đến xế chiều.
Đón những khách hàng đầu tiên, chị Nhàn chia sẻ: “Mỗi cái bánh có giá 5.000 đồng, hợp túi tiền của người dân ở địa phương. Có người mua ăn chơi, cũng có người ăn thay bữa sáng, bởi vậy dọn hàng ra sớm sẽ hết sớm. Nhờ làm bánh ngon, vừa miệng nên có khách đặt cả trăm bánh để xách tay đem đi Hàn Quốc”.
Hình ảnh chiếc bánh quê ở lòng phố thị tấp nập nhắc về tuổi thơ yên ả của biết bao người, đã từng mong ngóng, đợi bà, đợi mẹ đi chợ về mang theo quà là: Bánh cam, bánh khoai mì nướng, bánh ú, bánh phục linh... Hội đủ tinh túy trong sản vật địa phương, rồi qua bàn tay khéo léo của người thợ mà các loại bánh quê trở nên thơm ngon, tròn vị.
ÁNH NGUYÊN