Ngọt ngào mứt Tết

21/01/2022 - 04:14

 - Tận dụng nguyên liệu sẵn có, qua đôi bàn tay khéo léo của các bà, các mẹ, các chị, những món mứt đầy ắp ngọt ngào. Món ăn vặt ấy tuy dân dã, nhưng rất thơm ngon, hấp dẫn, không thể thiếu ở mỗi gia đình trong ngày Tết cổ truyền.

Hầu như gia đình nào cũng bày nhiều loại bánh kẹo, mứt ở nơi dễ thấy nhất trong nhà. Trước là để đãi khách đến chơi, sau là để các thành viên trong gia đình ngồi quây quần bên nhau, cùng nhâm nhi ly trà, ăn kèm với mứt Tết, trao lời chúc năm mới thuận lợi, may mắn và bình an. Có rất nhiều loại mứt được ra đời, tên của từng loại thường gắn với nguyên liệu làm ra. Tất cả cùng mang ý nghĩa tượng trưng cho điều tốt đẹp nhất đầu năm.

Bà Trần Thị Mai (65 tuổi, ngụ huyện Phú Tân, tỉnh An Giang) cho biết, mứt Tết không khó làm, chỉ cần khéo léo, tỉ mỉ ở mỗi khâu. Tùy vào nguyên liệu, khẩu vị, sở thích của từng người, từng gia đình mà công thức tẩm ướp, chế biến khác nhau. Trong các loại mứt Tết, có lẽ thông dụng nhất là mứt dừa. Nguyên liệu sẵn có, dễ chế biến và hương vị được nhiều lứa tuổi ưa chuộng.

Theo bà Mai, để có được mẻ mứt dừa ngon, đầu tiên phải chọn cơm dừa thích hợp. Muốn ăn mứt dừa giòn thì chọn cơm dừa hơi già, muốn ăn mứt dừa dẻo mềm thì chọn cơm dừa non. Tuy nhiên, nên chọn cơm dừa không quá cứng, cũng không quá mềm. Bởi, cơm dừa cứng quá, mứt dừa ăn “xảm xì”, còn mềm thì sênh đường không thấm, bị gãy.

Sau khi chọn được loại cơm dừa hợp ý, tách cơm dừa ra, gọt bỏ phần màu nâu bên ngoài, cắt sợi dài hoặc miếng vừa ăn (không quá dày cũng không quá mỏng). Cơm dừa rửa sạch, để ráo nước, đem sênh với đường. Đến khi lượng nước đường trong chảo sền sệt thì hạ nhỏ lửa, đảo liên tục để tạo phấn bám trên sợi dừa. Tiếp tục sênh cho đến khi sợi dừa khô, dẻo là hoàn thành món mứt dừa.

Ngoài ra, có thể thêm màu lá dứa, lá cẩm, trái gấc… hoặc thêm sữa đặc để làm mới màu sắc và tăng hương vị, độ béo ngọt của mứt dừa. Trung bình, khoảng 2kg cơm dừa trộn cùng 1kg đường, sau khi chế biến sẽ được 1kg mứt dừa thành phẩm. “Sênh mứt dừa là công đoạn khó nhất, đòi hỏi người làm phải thật khéo tay. Sơ ý một chút, dừa không thấm đường, bị khét hoặc bám quá nhiều đường. Mứt ngọt quá, hay cứng quá đều khó ăn” - bà Mai chia sẻ.

Ngoài mứt dừa, loại mứt khác được ưa chuộng là mứt gừng. Vị cay nồng của gừng xen lẫn vị ngọt dịu của đường làm thay đổi khẩu vị ngày Tết. Cô Nguyễn Thị Bích Phượng (ngụ huyện Thoại Sơn, tỉnh An Giang) chia sẻ, để làm mứt gừng ngon thì cần nhiều kinh nghiệm, cộng với phụ thuộc vào nguyên liệu. Gừng được chọn kỹ từng củ, vừa đủ độ già (để không có xơ), gọt vỏ, cắt miếng theo chiều dọc, ngâm nước lạnh và rửa sạch. Sau đó, luộc sơ cho bớt vị cay nồng, rồi trộn với đường cát trắng, phơi qua nắng trưa, cho đường thấm vào từng miếng gừng. Công đoạn cuối cùng là sênh với lửa nhỏ, đến khi đường kết tinh trắng li ti trên miếng gừng thì tắt bếp.

“Từ việc luộc gừng như thế nào, cho tỷ lệ đường ra sao, lửa lớn nhỏ… rất quan trọng. Luộc gừng không đúng thì sẽ ảnh hưởng đến độ cay và màu sắc của gừng. Ngoài ra, tỷ lệ đường và lửa không hợp lý thì gừng sẽ đen, xem như thất bại. Sau khi sênh xong, xếp từng lát để gừng xòe ra, như vậy mứt gừng mới đẹp”- cô Phượng chia sẻ thêm.

Trước đây, mỗi nhà thường tự làm mứt đón Tết. Ngày nay, kinh tế thị trường phát triển, mọi người dễ dàng mua tại siêu thị, cửa hàng với bao bì đẹp mắt, mẫu mã đa dạng, phong phú từ trong nước đến sản phẩm nhập khẩu. Từ đó, cơ sở sản xuất mứt truyền thống phục vụ Tết cũng đầu tư cải tiến theo hướng công nghiệp hóa, hệ thống máy móc hiện đại hơn, hạn chế khâu sản xuất thủ công theo kiểu truyền thống, giảm chi phí sản xuất. Họ không ngừng nâng cao chất lượng mứt và cải tiến mẫu mã theo hướng đa dạng, thu hút hơn, đảm bảo tiêu chuẩn chất lượng và an toàn vệ sinh thực phẩm, đáp ứng nhu cầu người tiêu dùng.

Cuộc sống ngày càng phát triển, rất nhiều loại bánh, mứt ngoại nhập được bày bán. Nhưng hương vị truyền thống của các loại mứt vẫn luôn quen thuộc, không thể thiếu trong dịp Tết đến, xuân về. Mời nhau chút mứt ngọt ngào, như cầu chúc mọi điều hanh thông, thuận lợi trong năm mới, đó vừa là truyền thống, vừa là nét đẹp Tết cổ truyền của dân tộc.

TRỌNG TÍN