Bức Ngũ hổ từ chất liệu in phun, cắt CNC, giấy dó bồi trên gỗ của họa sỹ trẻ Xuân Lam tại đình Nam Hương (quận Hoàn Kiếm-Hà Nội), lấy cảm hứng từ chính tác phẩm gốc cùng tên của dòng tranh Hàng Trống. (Ảnh: Minh Anh/Vietnam+)
Khi nói đến tranh dân gian, không thể không nhắc đến tác phẩm Ngũ Hổ của dòng tranh Hàng Trống với hình ảnh "ông Ba Mươi” thần thái uy phong, dũng mãnh nổi bật với năm gam màu rực rỡ đầy ấn tượng, có sức tương phản cao...
Tuy nhiên, không phải ai cũng hiểu được ý nghĩa của bức tranh, cách bố cục và hàm ý từ những màu sắc trên đó.
Nhân dịp Xuân Nhâm Dần 2022, xin mời độc giả cùng Báo điện tử VietnamPlus tìm hiểu thêm về ý nghĩa của bức tranh Ngũ Hổ Hàng Trống qua những chia sẻ của chuyên gia, học giả và họa sỹ đương đại.
Ngũ Hổ - Ngũ Hành
Hình tượng hổ có ở khắp nơi, trong thế giới tâm linh, tín ngưỡng và trong đời sống tinh thần của người Việt. Từ hổ ngồi trên bức tường ngoại viện ở các ngôi chùa, đền miếu; hổ vờn dưới chân các Bồ Tát, thánh thần cho đến các chi tiết trang trí hiện đại ngày nay.
Những nét miêu tả hổ phần lớn đều thể hiện chung một quan niệm dân gian về “ông Hổ,” mà theo những chuyên gia về văn hóa dân gian, chính là biểu tượng cho sự dũng mãnh, quyền lực, vừa uyển chuyển lại vừa bí hiểm.
Các nhà nghiên cứu cho biết người xưa ghép quy luật Ngũ Hành vào năm ông hổ chính là ước mong gửi gắm con người nơi ngũ phương, trấn yểm khỏi những thế lực xấu.
Bức tranh Ngũ Hổ của dòng tranh dân gian Hàng Trống thậm chí còn đạt được cảnh giới cao hơn, khi mượn năm “ông Hổ” để đại diện cho Ngũ Hành, tức vũ trụ tương sinh tương khắc, tạo ra không gian sinh tồn của vạn vật, trong đó có con người.
Mỗi “ông Hổ” có màu sắc khác nhau, tượng trưng cho một Hành, một phương hướng địa lý nhằm dùng để trấn yểm các thế lực hắc ám, những năng lượng xấu...
Tranh Ngũ Hổ Hàng Trống được lưu trữ tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam. (Ảnh tư liệu)
Cụ thể, Hổ xanh (Thanh Hổ) thuộc hành Mộc, tượng trưng cho mùa Xuân, trấn phương Đông;Hổ đỏ (Xích Hổ) thuộc hành Hỏa, tượng trưng cho mùa Hạ, trấn phương Nam; Hổ trắng (Bạch Hổ) thuộc hành Kim, tượng trưng cho mùa Thu, trấn phương Tây; Hổ đen (Hắc Hổ) thuộc hành Thủy tượng trưng cho mùa Đông, trấn phương Bắc. Ở chính giữa là Hổ vàng (Hoàng Hổ) thuộc hành Thổ tượng trưng cho trung tâm.
Theo quan niệm của thuyết Âm Dương Ngũ Hành, Kim-Mộc-Thủy-Hỏa-Thổ chính là năm yếu tố cơ bản phát sinh ra vạn vật, nhằm nhìn nhận mọi mối quan hệ trong một tương quan hài hòa, thống nhất. Có thể thấy mâm ngũ quả bày ngày Tết tại miền Bắc cũng tuân theo quy luật Ngũ Hành này, nhằm mang đến sự tổng hòa, cân bằng, phú-quý-thọ-khang-ninh cho gia chủ.
Bố cục hình khối và màu sắc của năm “ông Hổ” thể hiện điều gì?
Dễ dàng thấy được hình ảnh năm con hổ được các nghệ nhân bố trí với sự đối xứng, quay vòng: Hoàng Hổ ngồi chính giữa màu vàng với sự đường bệ, oai phong, phía trái có năm bảo kiếm thể hiện uy lực, phía phải có năm lá cờ ngũ sắc thể hiện sức mạnh của thiên nhiên trong quy luật vận động của vũ trụ và sự tương tác với Trái Đất. Trên đầu của Hoàng Hổ là mặt trời đỏ rực rỡ có bảy chấm trắng là hình tượng của chòm sao Đại Hùng. Chân hổ vàng trấn lên một miếng phù có ghi “pháp đại uy nỗ” có nghĩa là nghĩa là: Uy lực của pháp lớn.
Bên dưới Hoàng Hổ là Thanh Hổ, Xích Hổ (Xanh và Đỏ), đứng trên bệ đá thể hiện cực Âm, phía trên là Bạch Hổ, Hắc Hổ (Trắng và Đen) bay trên làn mây thể hiện cực Dương.
Như mọi bố cục của dòng tranh Hàng Trống, Ngũ Hổ cũng được thể hiện không gian đồng hiện thời gian với bố cục về đường nét và cách tạo hình với sự khỏe khoắn, tính ước lệ cao. Bốn con hổ ở góc tương ứng với các màu xanh-đỏ-trắng-đen tượng trưng cho Mộc-Hỏa-Kim-Thuỷ, bốn phương Đông-Nam-Tây-Bắc, bốn mùa Xuân-Hạ-Thu-Đông: Chính là biểu tượng cho sự xoay vần của vũ trụ. Thế giới có nhiều màu sắc, đa dạng cùng vạn vật nhưng tựu chung lại vẫn nằm trong những mối quan hệ tương sinh tương tương khác, tương tác và hỗ trợ lẫn nhau, tất cả tạo nên một sự cân bằng về phong thủy cho bức tranh.
Đặc trưng màu sắc của dòng tranh Hàng Trống được tạo từ bản in những nét màu đen, sau đó các nghệ nhân dùng bút lông để tô màu, chuyển màu, tạo độ đậm nhạt sáng tối khác nhau. Ở tranh Ngũ Hổ, sự kết hợp các màu sắc nổi bật được thể hiện rất tinh tế, bởi thế dù năm con hổ có màu khác nhau nhưng lại rất liên kết và uyển chuyển. Các đường nét thể hiện cũng rất khéo léo để làm bật lên những khối thân chắc khỏe, thế đứng đường bệ, oai phong. Những chi tiết nhỏ như đuôi, râu được vẽ sắc nét, tạo thêm sự dũng mãnh, uy lực của loài mãnh chúa. Đặc biệt, sự phối màu để tạo nên mắt hổ đen trong nền xanh lục toát lên nội lực của vị chúa sơn lâm.
Những sắc xanh lá cây, xanh da trời, hồng, cam, vàng, đỏ cùng với hai sắc đen, trắng trên tranh tạo nên sự thu hút thị giác và qua đó thể hiện về thế giới quan rực rỡ của người Việt. Ở nhiều phiên bản do các hiệu tranh xưa sáng tác, sắp xếp của màu sắc các “ông Hổ” có thể khác nhau, nhưng tựu chung đều toát lên vẻ lộng lẫy, uy linh mà hài hòa và độc đáo.
Nhà nghiên cứu Phan Ngọc Khuê (tác giả cuốn “Tranh dân gian Hàng Trống”) với nhiều năm công tác tại Hội Văn nghệ Dân gian Việt Nam và Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam lý giải rằng sự khác nhau này được phép xảy ra, miễn là tuân theo quy luật Ngũ Hành.
Mây đơn sắc và mây ngũ sắc
Mây trên tác phẩm Ngũ Hổ nói riêng và nhánh tranh thờ tranh Hàng Trống nói chung gợi sự kỳ bí, linh thiêng. Tại Tranh Ngũ Hổ Hàng Trống, có thể thấy hỗ trợ cho khí phách của Ngũ Hổ là những đám mây vần vũ huyền ảo được vẽ ở phía trên và phía dưới là hai tảng núi cách điệu đối xứng cho hai hổ đứng.
Mây trên tranh Ngũ Hổ gồm hai loại, mây ngũ sắc và mây đen trắng (hay mây đơn sắc).
Mây ngũ sắc (trái) và mây đơn sắc của tranh Ngũ Hổ - ước mong ấm no và nghệ thuật vờn khối. (Ảnh tư liệu)
Nhà nghiên cứu, sưu tầm tranh Nguyễn Thị Thu Hòa (tác giả sách cách dòng tranh Kim Hoàng, Đông Hồ, Hàng Trống) cho biết đây là sự khác biệt trong sáng tác nhiều nghệ nhân ở các hiệu tranh khác nhau khi xưa.
Theo đó, mây ngũ sắc được lý giải dựa trên hiện tượng có thật. Trong cuốn “Dòng tranh dân gian Hàng Trống,” tác giả Thu Hòa lý giải rằng mây ngũ sắc trên thực tế xảy ra khi có hiện tượng tán sắc trong không khí và phản chiếu lên mây trong những điều kiện nhất định.
Đây vốn là hiện tượng hiếm, lại chỉ xảy ra trong điều kiện trời không quá hạn hay có quá nhiều mưa, hoạt động sản xuất nông nghiệp gặp nhiều thuận lợi. Người dân vì thế coi đây là điềm lành, đem đến nhiều may mắn. Khi lật giở lại các điển tích trong dân gian, theo bà Thu Hòa, có rất nhiều thể hiện về hình ảnh thánh thần cưỡi trên các đám mây ngũ sắc này.
Trong khi đó, mây đơn sắc chỉ có màu đen song cũng thể hiện được sự cản màu đến độ hoàn hảo. Nhờ tay nghề dày dạn kinh nghiệm, mây đơn sắc được vờn cho bên đậm bên nhạt tạo nên những tầng mây với vẻ diệu kỳ.
Theo nghiên cứu và tìm tòi của bà Hòa, một trong những hiệu tranh theo đuổi phong cách vẽ mây đơn sắc này là hiệu Vũ Hải mà ông Lê Đình Nghiên (người hay được biết đến là nghệ nhân cuối cùng của dòng tranh Hàng Trống) là một thành viên.
Trong phong thủy, Tranh Ngũ Hổ Hàng Trống biểu tượng cho sự may mắn, cát lành và bình an. Với những ý nghĩa như vậy, Tranh Ngũ Hổ Hàng Trống không chỉ được ghi nhớ như một tác phẩm đẹp đẽ, bắt mắt, mà còn lưu trữ nhiều giá trị tinh thần sâu sắc, thể hiện thế giới quan đặc sắc, rực rỡ và thú vị của người Việt xưa.
Theo MINH ANH(Vietnam+)