Trưởng lão hòa thượng Chau Ty là điểm tựa tinh thần của đồng bào dân tộc thiểu số Khmer
Hòa cùng dòng chảy Phật giáo
Quê quán xã Núi Tô, hòa thượng Khanh Đek Kô (thế danh Chau Ty, sinh năm 1941) nhập tu tại chùa Soài So năm 1960; đến năm 1985, được bầu làm Trụ trì chùa. “Hơn 60 năm tu học, hòa thượng có nhiều đóng góp trong sự phát triển và trường tồn của Phật pháp, sự nghiệp xây dựng Giáo hội Phật giáo Việt Nam.
Hòa thượng là tấm gương điển hình trong xây dựng mối quan hệ đoàn kết tôn giáo, giữa hệ phái Nam tông và Bắc tông trong ngôi nhà chung Giáo hội Phật giáo Việt Nam; giữa Phật giáo Việt Nam với các tôn giáo khác” - Phó Chủ tịch UBND tỉnh An Giang Trần Anh Thư nhận xét, nhân lễ chúc mừng Trưởng lão hòa thượng Chau Ty được Đại hội Phật giáo toàn quốc lần thứ IX (nhiệm kỳ 2022 - 2027) suy tôn ngôi vị Phó Pháp chủ Hội đồng Chứng minh Giáo hội Phật giáo Việt Nam.
Theo ông Trần Anh Thư, hòa thượng Chau Ty còn có mối quan hệ gắn bó mật thiết, tạo sự gắn kết giữa lãnh đạo Đảng, nhà nước, MTTQ, đoàn thể các cấp với đồng bào DTTS Khmer; nắm bắt, phản ánh tâm tư, nguyện vọng của bà con, thường xuyên nhắc nhở sư sãi, phật tử thực hiện tốt pháp luật nhà nước và giáo luật, góp phần vào công cuộc xây dựng đất nước; xây dựng mối quan hệ hữu nghị, hợp tác quốc tế trong tôn giáo với các nước láng giềng.
Phát huy giá trị truyền thống Khmer
Hòa thượng Chau Ty được biết đến là nghệ nhân duy nhất hiện nay nắm giữ kỹ thuật khắc chữ Pali, Khmer trên lá buông - loại vật liệu vô giá về văn hóa, kỹ thuật, mỹ thuật, nghệ thuật, có ý nghĩa quan trọng trong đời sống tâm linh, tín ngưỡng tôn giáo của người Khmer khi giấy chưa phổ biến. Ngày nay, đồng bào DTTS Khmer Nam Bộ vẫn nỗ lực gìn giữ kinh lá buông (satra), xem như “báu vật” tinh thần, luôn được lễ bái, trân trọng.
Với sự kiên trì, không ngừng nghiên cứu, học hỏi, bao năm qua, hòa thượng Chau Ty dành hết tâm sức bảo tồn những bộ satra quý giá, miệt mài sáng tạo ra bộ kinh lá buông mới. Đặc điểm của chữ Pali là khó học, khó viết, nhưng lại là hệ ngữ được sử dụng phổ biến cho hệ thống kinh sách của Phật giáo Nam tông. Để khắc được chữ trên lá buông đòi hỏi rất nhiều công phu.
Hòa thượng Chau Ty cho biết, lá buông là lá của loại cây giống như cây thốt nốt (thường gọi T-rang), có chất liệu tốt, vạch nét chữ rõ ràng, lá dai, bền, dùng làm giấy ít bị rách nát, hư mục. Tuy nhiên, cái khó là phải biết cách chế biến, xử lý lá buông đúng cách. Đầu tiên, phải chọn đọt lá tốt, lấy dây quấn đọt cây hãm không cho lá mở. Đọt lá được quấn lại vẫn phát triển, bản lá dày thêm, không bị xơ cứng.
Sau 8 - 12 tháng quấn đọt, mới thu hoạch lá. Trước khi cắt lá, phải thắp nhang cầu khấn trời Phật, bởi đây là việc thiêng liêng. Người thợ dùng miếng gỗ kẹp vào, cắt theo cỡ tấm ván. Sau khi phơi khô thì cắt thành hình chữ nhật, ép phẳng thành từng xấp “giấy lá”.
Theo hòa thượng Chau Ty, tạo ra “giấy lá” đã khó, viết được chữ lên lá buông càng đòi hỏi kỳ công. Nghệ nhân dùng cây viết có ngòi bằng kim loại, đầu nhọn (đéc-cha) chạm từ từ lên lá đã được phơi khô. Việc khắc chạm phải đều tay, nếu nhẹ quá thì nét chữ không rõ, mạnh quá thì làm cho lá bị thủng. Bởi vậy, người khắc chữ, phải biết rõ đường nét của chữ để không bị lệch ra ngoài đường viền. Viết xong, lấy bồ hóng trộn với dầu thoa lên chữ, chùi cho mặt lá sạch sẽ, để chữ nổi lên. Sau cùng là xỏ lỗ “đóng” các trang viết thành tập sách có bìa gỗ, thành satra hoàn chỉnh.
Ngày nay, chùa Soài So trở thành địa điểm dạy kỹ thuật khắc chữ trên lá buông cho sư sãi Khmer trong vùng. Thông qua đó, Phó Pháp chủ Hội đồng Chứng minh Giáo hội Phật giáo Việt Nam Chau Ty muốn trao truyền, giữ gìn và phát huy giá trị, truyền thống văn hóa độc đáo này.
“Tri thức và kỹ thuật viết chữ trên lá buông của người Khmer” tại vùng Bảy Núi - An Giang đã được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đưa vào danh mục Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia ngày 23/1/2017. Hiện, 30 chùa Khmer ở huyện Tri Tôn và TX. Tịnh Biên còn lưu trữ trên 100 bộ kinh Phật viết trên lá buông. Trưởng lão hòa thượng Chau Ty đã được Chủ tịch nước Cộng hòa XHCN Việt Nam lần lượt phong tặng danh hiệu “Nghệ nhân ưu tú” và “Nghệ nhân nhân dân” vì cống hiến xuất sắc trong giữ gìn, phát huy di sản văn hóa của dân tộc, góp phần vào sự nghiệp xây dựng CNXH, bảo vệ Tổ quốc. |
NGÔ CHUẨN