Người ăn quá lượng thịt đỏ này có thể làm tăng nguy cơ mắc ung thư, tiểu đường

23/11/2021 - 10:07

Các chuyên gia cảnh báo, có một loại thực phẩm được cho là nguyên nhân gây ra sự gia tăng của các trường hợp ung thư và tiểu đường loại 2.

Chúng ta đều biết rằng, giữ một chế độ ăn uống lành mạnh, cân bằng là chìa khóa quan trọng đối với sức khỏe. Cơ quan Dịch vụ Y tế Quốc gia NHS khuyến cáo, mỗi người lớn không nên ăn quá 70g thịt đỏ hoặc thịt chế biến sẵn mỗi ngày.

Người ăn quá lượng thịt đỏ này có thể làm tăng nguy cơ mắc ung thư, tiểu đường - 1

Thịt đỏ là một trong những thực phẩm làm tăng nguy cơ mắc các bệnh ung thư và tiểu đường loại 2.

Hướng dẫn chính thức của cơ quan này nêu rõ rằng, thịt đỏ - chẳng hạn như thịt bò, thịt cừu và thịt lợn - là nguồn cung cấp protein, vitamin và khoáng chất dồi dào, đồng thời là một phần của chế độ ăn uống cân bằng.

Các chuyên gia y tế của Tạp chí Sức khỏe toàn cầu BMJ tiết lộ rằng, số ca tử vong liên quan đến thịt đỏ và các loại thịt chế biến sẵn đã tăng 75% ở một số quốc gia. 

Trong vòng 20 năm trở lại đây, nhiều nước trên thế giới đã tăng việc nhập khẩu các loại thịt đỏ và thịt chế biến sẵn để phục vụ cho nhu cầu tiêu thụ thịt trong nước.

Nghiên cứu mới đây đã xem xét tỷ lệ tử vong và số năm chung sống với bệnh do chế độ ăn uống gây ra như ung thư ruột, tiểu đường loại 2 và bệnh tim mạch vành ở người 25 tuổi trở lên. Các dữ liệu được thu thập từ năm 1993 đến năm 2018 dựa trên 154 quốc gia và 14 loại thịt đỏ.

Các loại thịt đỏ này đều có nguồn gốc từ thịt bò, thịt lợn, thịt cừu và thịt dê. Các mặt hàng được chế biến sẵn, bảo quản bằng cách hun khói, ướp muối hoặc xử lý bằng hóa chất.

Các chuyên gia phát hiện ra rằng, trong giai đoạn 1993 - 1995 và 2016 - 2018, trong số 154 quốc gia, có đến 3/4 nước có số trường hợp tử vong tăng liên quan đến chế độ ăn uống (thống kê dựa trên tình hình xuất - nhập khẩu thịt tại các nước).

So sánh sự gia tăng nhu cầu tiêu thụ thịt đỏ ở mỗi quốc gia với số ca tử vong, các chuyên gia nhận thấy rằng, có đến 10.898 ca tử vong có nguyên nhân liên quan đến tiêu thụ thịt đỏ trong giai đoạn 2016 - 2018, tăng gần 75% so với số liệu của năm 1993 - 1995.

Trong năm 2016 - 2018, 10 quốc gia hàng đầu có các trường hợp tử vong do tiêu thụ thịt nhiều nhất bao gồm Hà Lan, Bahamas, Tonga, Đan Mạch, Antigua và Barbuda, Seychelles, các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất, Singapore, Croatia và Hy Lạp.

Ở những nước này, số ca tử vong do ăn nhiều thịt chiếm hơn 7% tổng số ca tử vong do các chế độ ăn uống khác nhau.

Lưu ý rằng, nghiên cứu trên chỉ mang tính chất quan sát. Hiện các nhà nghiên cứu vẫn chưa xác định nguyên nhân của mối liên hệ giữa tỷ lệ tử vong và thịt đỏ.

Các nhà nghiên cứu thừa nhận rằng, nhiều quốc gia nhập khẩu thịt để sau đó xuất khẩu trở lại. Do vậy, điều này có thể làm sai lệch kết quả nghiên cứu của họ.

“Nghiên cứu này cho thấy, sự gia tăng về các hoạt động buôn bán thịt đỏ và thịt chế biến sẵn ở nhiều nước trên thế giới đã góp phần vào sự gia tăng đột ngột của các bệnh không lây nhiễm có liên quan đến chế độ ăn uống.

Để can thiệp vào vấn đề này, cần khẩn trương tích hợp các chính sách y tế với các chính sách nông nghiệp và thương mại bằng việc hợp tác giữa các nước chịu trách nhiệm xuất nhập khẩu thịt”, các chuyên gia cho biết.

Trước đó, đã từng có nghiên cứu cho rằng, ăn hơn 25g thịt mỗi ngày có thể làm tăng nguy cơ ung thư ruột.

Người ăn quá lượng thịt đỏ này có thể làm tăng nguy cơ mắc ung thư, tiểu đường - 2

Thịt chế biến sẵn không phải là một thực phẩm lành mạnh đối với người tiêu dùng.

Các chuyên gia cũng phát hiện ra rằng, chỉ một chiếc xúc xích hoặc 3 miếng thịt xông khói mỗi ngày cũng có thể làm tăng nguy cơ mắc bệnh tim lên đến 20%.

Theo BẢO ANH (VTC News)