Người cao tuổi rèn luyện sức khỏe bằng cầu lông

09/01/2024 - 06:49

Không khí thi đấu căng thẳng chẳng thua kém thanh niên trẻ, người cao tuổi vẫn nhanh nhẹn, ra tay khéo léo. Đường cầu bớt mạnh mẽ, thêm phần nhẹ nhàng, uyển chuyển, toát lên vẻ sành sỏi, kinh nghiệm lão làng. Họ chơi vì đam mê, duy trì sức khỏe tuổi xế chiều, giúp tinh thần thoải mái, lạc quan.

Ông Nguyễn Hữu On (phường Bình Khánh, TP. Long Xuyên, tỉnh An Giang) cho biết: “Tôi đam mê đánh cầu từ lâu, đã là đam mê thì khó bỏ. Cầu lông có sức hút rất mãnh liệt. Có tuổi, tôi chuyển qua rèn luyện môn nhẹ nhàng hơn, như đi bộ hay chạy chậm, nhưng vẫn bị thu hút bởi cầu lông. Nó tạo cảm giác “thăng hoa” khi thể hiện được đường cầu khó, đẹp mắt, sự tiếc nuối khi làm hỏng quả cầu không đáng. Từ đó, làm cho người chơi thêm kích thích và thỏa mãn niềm đam mê thể thao”.

Sau khi đánh một vài trận, ngồi phân tích, đánh giá, tranh luận với các thành viên tạo cảm thoải mái, thư giãn cho người chơi. Sau những lúc tranh luận, mâu thuẫn cực gắt, họ lại cười vui, gần nhau hơn, thân thiết hơn. Trời chuyển lạnh, đầu gối ông On bị đau nhức do thoái hóa, không thể vào sân. Để giảm cảm giác bứt rứt, ông cố gắng điều trị, dưỡng thương cho nhanh khỏi, sớm trở lại sân, gặp lại thành viên quen thuộc.

Tương tự, bà Nguyễn Thị Diễm Hương (phường Mỹ Thạnh) cho biết: “Hầu như ngày nào tôi cũng có mặt tại sân. Chỉ cần cầm vợt, đứng trong sân là tôi cảm thấy thỏa mãn. Chỉ mới chơi môn cầu lông được vài năm, nhưng tôi bị cuốn theo.

Trừ lúc kinh doanh, còn thời gian rảnh rỗi nhiều, tôi trông đến giờ để được vào sân. Đánh không hay thì nhờ lớp trẻ “bao”, không thì “hú hí” người cùng lứa tuổi sân khác đánh giao lưu. Thật sự, không khí sân cầu rất sôi nổi, đầy tiếng cười, đùa giỡn nên rất thoải mái. Người cao tuổi rất cần tinh thần lạc quan vậy, mới sống vui sống khỏe cùng con cháu”.

Thể thao là vậy, một khi đã thích thú, đam mê thì khó từ bỏ. Môn cầu lông thường “mặc định” cho người trẻ, khỏe, nhưng người cao tuổi đã có khoảng thời gian dài gắn bó vẫn theo đuổi. Mỗi lần cầm vợt, đứng trong sân, họ thấy tinh thần sôi sục, phấn khích như thời còn trẻ.

Bà Lê Thị Thanh Bạch (phường Mỹ Bình) nhiều lúc vô sân ngồi quan sát các thành viên đánh, giúp giải tỏa căng thẳng, nhất là những lúc dành lời khen hay “cà khịa” đối thủ, kèm tiếng cười sảng khoái, xua tan mệt mỏi. Do tuổi tác, không còn nhanh nhẹn, bà vẫn đánh vài trận cho đỡ “ghiền”.

“Quá trình vận động, chạy nhảy, xoay chuyển giúp tôi giữ được sự nhanh nhẹn, cải thiện sức khỏe đáng kể. Nhận thấy cầu lông đem lại nhiều lợi ích, tôi hướng con theo môn này, để mỗi tối hai mẹ con vào sân cùng nhau rèn luyện. Đến khi không thể đánh nổi, tôi vẫn muốn ngắm nhìn con đánh để nhớ lại những tháng ngày mình đã trải qua” - bà Bạch tâm sự.

Ông Lương Minh Hiền (phường Bình Khánh) dành gần 50 năm chơi duy nhất môn thể thao này. Thời trẻ, cũng có thời gian ông tiếp cận những môn khác, nhưng cuối cùng vẫn quay lại với cầu lông. “Lúc đó, tôi “máu lửa”, tích cực tham gia đánh giải phong trào, oanh liệt một thời. Nay lớn tuổi, sức khỏe giảm dần, tôi chủ yếu rèn luyện sức khỏe. Quen với không khí “cháy” từng trận cầu rồi, giờ từ bỏ không đành” - ông Hiền chia sẻ.

Tuổi ngày càng cao, sức khỏe ngày càng giảm sút, kèm theo bệnh người già. Để duy trì sức khỏe, cần phải vận động vừa với khả năng, độ tuổi, tạo lối sống lành mạnh, tinh thần lạc quan. Cầu lông là môn thể thao tập trung nhiều người, giúp những người cao tuổi có nơi sinh hoạt, chia sẻ và thỏa niềm đam mê, nối dài chuỗi ngày gắn bó, rèn luyện bộ môn sôi động này.  

ĐĂNG LÂN